Quần áo

Quần áo

8 thg 11, 2011

Bài văn gây sốc đã đánh thức tình người...

"Trong xã hội của chúng ta có 1 điều dẫn đến sự băng hoại các mối quan hệ đó là sự vô cảm trước cái đau, trước cái ác, vô cảm trước người khác. Giữa con người với con người dường như là lạnh nhạt, không có mối quan hệ gì hết. Bức thư này đánh vào cái sự vô cảm ấy"... - Thầy Lê Nguyên Cẩn, giảng viên Khoa Ngữ văn, Trường ĐHSP HN.

Bài văn nghị luận có đề bài: "Nêu quan điểm của anh/chị về vai trò của đồng tiền trong cuộc sống" đã được Nguyễn Trung Hiếu, một cậu học sinh trường chuyên Hà Nội - Amsterdam trả bài bằng bức thư gửi mẹ đã khiến không ít người cảm động rơi nước mắt. Báo Phunutoday xin trích đăng những chia sẻ, góc nhìn của một số giảng viên Khoa Ngữ văn, Trường ĐHSP về vấn đề này:

TS. Chu Sơn, Giảng viên Khoa ngữ văn Trường ĐHSP Hà Nội: Việc học văn đang có một sự lệch lạc lớn...

Tôi đã đọc, và mới chỉ vài dòng đầu thôi đã thấy rưng rưng nghẹn ngào trong lòng rồi. Có lẽ khó ai cầm lòng được khi đọc bài văn ấy. Càng đọc càng xúc động mạnh hơn. Xúc động về một cảnh ngộ trớ trêu của gia đình em Hiếu. Xúc động về cách sống đùm bọc chia sẻ đầy hi sinh của các thành viên gia đình. Và hơn hết là xúc động trước tấm lòng của em dành cho mẹ mình và cả những suy nghĩ sâu xa, chín chắn của một đứa con ngoan sống trong một gia cảnh nặng nề.
Em Hiếu đã viết rất chân thật. Chỉ có sự chân thực của tấm lòng mới đánh động được tấm lòng của người khác thôi. Nó làm cho con người biết thương xót và quí trọng nhau hơn.

Hơn nữa, tôi không nghĩ đây là một bài văn. Nó là cái gì cao hơn một bài tập làm văn thông thường. Đây là bức thư của một tấm lòng. Tôi coi nó còn quan trọng hơn cả một bài văn, vì nó là cái gốc của văn. Đây là điều tôi hằng mong mỏi ở người học văn. Lâu nay, có dịp đi dạy ở bất cứ đâu, tôi cũng coi trọng điều này.

Tôi tin rằng khi một tấm lòng chân thực được nói lên một cách chân thật thì đó là văn. Vì thế, toàn bộ cái gọi là làm văn ở nhà trường, theo tôi chỉ qui về hai việc thôi : một là, làm thế nào để bồi đắp và khơi dậy những tấm lòng; và hai là, làm thế nào để diễn đạt được tấm lòng ấy ra thành lời nói chân thực. Đấy mới là cái gốc của việc quan tâm đến chủ thể, mới là sáng tạo.

Môn làm văn của ta ít quan tâm đến khâu thứ nhất (người ta cho rằng đó là việc của các bộ môn khác) chủ yếu chỉ quan tâm đến khâu thứ hai, nên hiệu quả cao nhất, nếu đạt được, sẽ chỉ là đào tạo học trò thành "thợ viết" thôi. Nghĩa là, về thực chất nó không thực chăm lo đến cái gốc của văn mà chỉ quan tâm nhiều đến cái ngọn của văn thôi.

Tôi cho rằng việc học văn của ta nói riêng và việc học hành ở ta hiện nay nói chung đang có một lệch lạc lớn. Đó là HỌC ĐỂ THI. Đành rằng không thi thì không đánh giá được việc học. Nhưng nếu chỉ học nhắm vào thi cho đỗ, thì vô cùng tai hại. Nó khiến người ta dạy gạo, học gạo, tức chỉ dạy những gì cần cho thi, chỉ học những gì để thi được. Việc thầy đọc trò chép và làm bài theo mẫu là khởi từ đó. Và chủ nghĩa thực dụng trong giáo dục chính là đấy.

Đối với môn văn thì đây là lối dạy và học ngắn nhất để giết chết văn, giết chết sáng tạo. Nó sẽ làm xơ xác nền giáo dục này và cũng sẽ làm xói mòn cả những giá trị nhân văn của con người nữa. Việc này đã được những người tâm huyết đánh động. Nhưng chả thấy có thay đổi gì đáng kể. Bởi tình trạng thì đã quá trầm trọng, còn nguyên nhân thì vừa nằm trong ngành giáo dục vừa thuộc cả lỗi hệ thống. Nên cần phải có một thay đổi lớn và đồng bộ mới mong khắc phục được.

Thầy Lê Nguyên Cẩn, giảng viên bộ môn Văn học phương Tây, ĐHSP HN: Bài văn đánh vào sự vô cảm!

Đây là một bài văn gây nhiều xúc động về sự hiếu thảo của một người con đối với gia đình khốn khó. Nó đã tạo ra một niềm tin: Bà mẹ cũng tin tưởng rằng việc tiết kiệm của mình cũng mang lại cho các con của mình những điều tốt đẹp và cậu bé cũng vậy tin tưởng rằng tiền tết kiệm của mình sẽ làm mẹ đỡ đau, giúp mẹ có tiền để đi xe ôm, được nằm trong phòng chữa bệnh dịch vụ... tất cả những cái ấy nó là cái tình của con người với con người với nhau.

Trong xã hội của chúng ta có 1 điều dẫn đến sự băng hoại các mối quan hệ đó là sự vô cảm trước cái đau, trước cái ác, vô cảm trước người khác. Giữa con người với con người dường như là lạnh nhạt, không có mối quan hệ gì hết. Bức thư này đánh vào cái sự vô cảm ấy. Sự vô cảm ở đây tức là con người nó thờ ơ với đồng loại, nó quên đi nỗi đau của đồng loại, nó không biết đồng loại của nó đang sống như thế nào nên nó để cho cái ác tồn tại và phát triển. Bài văn đã động đến sự vô cảm của con người trong xã hội với đồng loại của mình...

... Một tác phẩm như vậy người ta viết ra để làm gì. Người ta viết ra không phải là kể chuyện, viết ra để khơi dậy cái tình người trong con người. Khi mà người ta nói đến cái ác, những cái xấu trong xã hội, phanh phui tất cả cái đó ra ta mới thấy được phương diện tố cáo. Ta còn thấy nhà văn, nhà thơ kêu gọi con người đừng bắt chước cái đó. Đề văn này không phải là đề văn hay nhưng nó mang tính thực tiễn, đề cập tới một vấn đề thẳng, tạo ra một quan niệm về đồng tiền.

Văn chương đích thực nó đi vào tâm hồn con người, thức tỉnh con người, tình cảm con người. Thế còn văn chương giả tạo, cố gắng đẽo gọt câu chữ thì nó sẽ không tạo ra điều chi hết. Giá trị cao nhất của bài văn là đánh thức tình người, kêu gọi con người sống có trách nhiệm với nhau.

PGS.TS Hà Thị Hòa, giảng viên bộ môn Văn học Nga, ĐHSP HN: Bài văn đã gây được xúc động bởi cảm xúc tích cực

Bài văn là bức thư tâm sự với mẹ, tuy em không viết đúng yêu cầu nhưng tôi thực sự xúc động về tình cảm của em dành cho mẹ. Việc gia đình khó khăn mà em tìm mọi cách để tích cóp là một điều tốt và rất hiếu thảo. Bài văn đã gây được xúc động của hàng trăm độc giả bởi cảm xúc tích cực của em. Họ xúc động bởi thương cái tình thương đối với sự nghèo khổ của một gia đình. Hơn thế đó là sự khâm phục, cảm động, mến thương trước hành động của một cậu bé như thế.

Em mới học lớp 11 nhưng cách nghĩ của em rất sâu sắc và chín chắn. Em ấy ghét tiền vì gia đình em khốn khó, phải xoay xở đủ đường thì mới có được đồng tiền và nó quan trọng đến mức mà không có nó thì sự sống của mẹ em không còn. Nhưng không chỉ vậy, em cũng biết quý tiền và tôn trọng tiền bởi em luôn biết ơn những người hảo tâm đã giúp mình. Rồi em tin rằng với sự thấu hiểu lẫn nhau giữa những người trong gia đình nhà em vẫn có thể sống yên ổn để đồng tiền không thể đóng vai trò cốt yếu trong việc quyết định hạnh phúc nữa. Tôi đánh giá cách suy nghĩ ấy, em biết phân biệt cái tốt, cái xấu của đồng tiền, biết được giá trị của nó ở mức độ nào. Chứng tỏ em rất sâu sắc và chín chắn.

Nếu là tôi, tôi sẽ cho thêm 0,5 điểm nữa thành 9,5 điểm, cách viết từ cảm xúc chân thành đó đã thực sự lay động lòng người. Nó không giống với những bài văn viết theo khuôn mẫu có sẵn từ những bài giảng thầy đọc, trò chép, rất nhàm chán. Muốn không còn những bài văn nhàm chán, chúng ta phải thay đổi cách dạy để học sinh có thể nói được đúng với tinh thần của nó. Cách dạy văn phải cập nhật với đời sống hơn.

Ngoài yêu cầu chung của nhà trường, của Bộ nên có những bài, hay độ mở để cho các em nói lên được suy nghĩ, tâm tư của mình. Như thế bài văn sẽ không nhàm chán. Những bài học theo sách giáo khoa, yêu cầu của chương trình phải viết được bài văn mang tính bình luận, yêu cầu đó rất đúng vì sau này xã hội yêu cầu viết một văn bản như thế nào, viết một lá thư như thế nào... đấy là kỹ năng. Nhưng ngoài những kỹ năng thể loại ra thì phải có những cái hình thức thể loại tự do hơn để học sinh nói lên tiếng nói, tâm hồn của các em thì theo tôi nên có sự cân bằng các hình thức thể loại.

Ngoài kỹ năng viết ra, văn học còn dậy cho người ta những cái đẹp đẽ. Dạy văn bao giờ cũng phải có 3 mục đích: cung cấp kiến thức, giáo dục đạo đức, và rèn luyện kỹ năng. Theo từng thời kỳ mà người ta đẩy yêu cầu nào lên hàng đầu. Cô giáo nào giỏi thì làm được 3 mục đích nhưng cô giáo nào chưa giỏi thì không làm nổi 1 mục đích, một nhiệm vụ hàng đầu chứ văn chương không thiên về một cái nào cả. Việc giáo viên hiện nay thường đọc chép là có nhiều lý do, trong đó có lý do ra đề, có lý do yêu cầu của thi tốt nghiệp. Thầy cô giáo nhiều khi cũng bị chi phối bởi yêu cầu thi tốt nghiệp nhưng có điều cái cách dạy của giáo viên như thế nào để cho học sinh hứng thú mà thôi. Vì vậy, đổi mới thì phải đổi mới hệ thống, muốn đổi cách dạy văn thì phải đổi từ khâu ra đề.

Khải Nguyên (Thực hiện)

*Dưới đây là bài văn của Hiếu đã gây “sốc” với giáo viên trường THPT Hà Nội - Amsterdam.

Thư gửi mẹ.

Mẹ thân yêu của con !

“Trời ơi là trời ! Anh ăn đi cho tôi nhờ, đừng có nhịn ăn sáng nữa. Đừng có dở hơi đi tiết kiệm mấy đồng bạc lẻ thế, anh tưởng rằng thiếu tiền như thế thì tôi chết à ?”. Đó là những “điệp khúc” mẹ cất lên hàng ngày dạo gần đây vì con quyết định nhịn ăn sáng đi học để tiết kiệm chút tiền cho mẹ, cho gia đình. Có lúc mẹ còn gắt lên, hỏi con “Sao cứ phải đắn đo khổ sở về tiền đến thế nhỉ ?” .

Mẹ ơi, những lúc ấy mẹ đang giận nên con không dám cãi lại. Nhưng giờ đây con muốn được bày tỏ lòng mình rằng tại sao con lại có những suy nghĩ, hành động kì lạ như vậy. Vâng, tất cả là vì tiền. Chỉ đến tận bây giờ con mới nhận ra cả một quãng thời gian dài trước đó con đã non nớt, ngây thơ biết chừng nào khi nghĩ về tiền. Cách đây 8 năm bệnh viện đã chuẩn đoán mẹ bị suy thận mãn tính độ 4 (độ cao nhất về suy thận). 8 năm rồi nhà ta đã sống trong túng thiếu bần hàn, vì bố mẹ không kiếm được nhiều tiền lại phải dành tiền cho mẹ đi chạy thận. Nhưng bố mẹ vẫn cho con tất cả những gì có thể, và cậu bé học trò như con cứ vô tư đâu biết lo gì.

Hồi học tiểu học, tiền bạc đối với con là một cái gì đó rất nhỏ, nó là những tờ giấy với đủ màu có thể dùng để mua cái bánh, cái kẹo, gói xôi hay cái bánh mì … Con đâu có ngờ tiền chính là yếu tố quyết định sinh mạng mẹ mình, là thứ bố mẹ phải hàng ngày chắt bóp và bao người thân gom góp lại để trả cho từng ca lọc máu cho mẹ tại bệnh viện Bạch Mai, là thứ càng làm mẹ thêm đau đầu suy nghĩ khi mẹ buộc phải nghỉ việc làm vì điều kiện sức khỏe không cho phép.

Rồi đến khi con học lớp 8, mẹ càng ngày càng yếu và mệt, phải tăng từ 2 lên 3 lần lọc máu/ tuần. Những chỗ chích ven tay của mẹ sưng to như hai quả trứng gà, nhiều hôm máu thấm ướt đẫm cả tấm băng gạc. Do ảnh hưởng từ suy thận mà mẹ còn bị thêm viêm phổi và suy tim. Rồi ông lại bị ốm nặng, bố phải nghỉ việc ở nhà trông ông, nhà mình vì thế càng trở nên túng quẫn, mà càng túng thì càng khổ hơn. Tờ một trăm ngàn hồi ấy là một thứ gì đó xa xỉ với nhà mình. Cũng từ dạo ấy, đầu óc non nớt của con mới dần vỡ lẽ ra rằng tiền bạc chính là mồ hôi, nước mắt, là máu (theo đúng nghĩa đen của nó, vì có tiền mới được chạy thận lọc máu mà) và bao nỗi niềm trăn trở lo lắng của bố và mẹ.

Hôm trước con có hỏi quan điểm của mẹ về tiền bạc thế nào để con có thêm ý viết bài làm văn nghị luận cô giao. Mẹ hơi ngạc nhiên vì câu hỏi đường đột ấy. Rồi mẹ chỉ trả lời với 3 từ gọn lỏn “Mẹ ghét tiền”. Nếu con còn thơ dại như ngày nào, hay như một người ngoài nào khác thì chắc con đã ngạc nhiên lắm. Nhưng giờ đây con cũng đồng ý với mẹ : con cũng ghét tiền. Bởi vì nó mà mẹ phải mệt mỏi rã rời sau mỗi lần đi chạy thận. Mẹ chạy thận 3 lần mỗi tuần, trước đây bố đưa đón mẹ bằng xe đạp nhưng rồi mẹ bảo đi thế khổ cả hai người mà còn phải chờ đợi mất ngày mất buổi của bố nữa nên mẹ chuyển sang đi xe ôm. Nhưng đi xe ôm mất mỗi ngày mấy chục, tốn tiền mà lại chẳng kiếm đâu ra, mẹ quyết định đi xe buýt. Mỗi khi về nhà, mẹ thở hổn hển, mẹ lăn ra giường lịm đi không nói được câu gì. Con và bố cũng biết là lúc ấy không nên hỏi chuyện mà nên để yên cho mẹ nghỉ ngơi. Tám năm rồi, tám năm chứng kiến cảnh ấy nhưng con vẫn chưa bao giờ có thể quen được. Con chỉ biết đứng từ xa nhìn mẹ, và nghiến răng ước “giá như có dăm chục ngàn cho mẹ đi xe ôm thì đâu đến nỗi !”.

Con bỗng ghét, thù đồng tiền. Con bỗng nhớ hồi trước, khi mẹ vẫn nằm trong viện. Ba người bệnh chen chúc chung nhau một chiếc giường nhỏ trong căn phòng bệnh ngột ngạt và quá tải của bệnh viện Bạch Mai. Con đã ngây thơ hỏi mẹ “Sao mẹ không vào phòng bên kia, ở đấy mỗi người một giường thoải mái lại có quạt chạy vù vù, có tivi nữa ?”. Mẹ chỉ nói khẽ “cha tổ anh. Đấy là phòng dịch vụ con ạ”. Con lúc ấy chẳng hiểu gì. Nhưng rồi con cũng vỡ lẽ ra rằng đó là phòng mà chỉ những ai rủng rỉnh tiền thì mới được vào mà thôi. Còn như mẹ thì không được. Con căm nghét đồng tiền vì thế.

Con còn sợ đồng tiền nữa. Mẹ hiểu con không ? Con sợ nó vì sợ mất mẹ. Mẹ đã phải bốn lần đi cấp cứu rồi. Những người suy thận lâu có nguy cơ tử vong cao vì huyết áp dễ tăng, máu dồn vào dễ làm tắc ống khí quản và gây tắc thở. Mẹ thừa biết điều này. Nhiều người bạn mẹ quen trong “xóm chạy thận” đã phải chịu những cái kết bi thảm như thế. Nhiều đêm con bỗng choàng tỉnh dậy, mồ hôi đầm đìa mà lạnh toát sống lưng bởi vừa trải qua một cơn ác mộng tồi tệ …

Con sợ mẹ lại phải đi cấp cứu, và sợ nhỡ nhà mình không đủ tiền để nộp viện phí thì con sẽ mất đi người thân yêu nhất trong cuộc đời này. Mỗi buổi mẹ đi chạy thận là mỗi buổi cả bố và con đều phấp phỏng, bồn chồn, lo lắng. Mẹ về muộn là lòng con nóng như lửa đốt, còn bố thì cứ đi đi lại lại và luôn hỏi “bao giờ mẹ mày mới về?”. Với con cơ hội là 50/50, hoặc là mẹ chạy thận an toàn và về nhà, hoặc là …

Con lo sợ hơn khi đọc báo thấy bảo có người không đủ tiền trả phần ít ỏi chỉ là 5% bảo hiểm y tế, tiền thuốc men mà phải về quê “tự điều trị”. Với những bệnh nhân phải chạy thận, như thế đồng nghĩa là nhận bản án tử hình, không còn đường sống. Con bỗng hoảng sợ tự hỏi nếu không còn BHYT nữa thì sao? Và nếu ông mất thì sao? Chi tiêu hàng ngày nhà mình giờ đây phần nhiều trông chờ vào tiền lương hưu của ông, mà ông thì đã già quá rồi …

Mẹ ơi, tiền quan trọng đến thế nào với gia đình mình thì chắc mẹ hiểu rõ hơn con. Cứ nghĩ đến tiền là con lại nhớ đến những đêm bố mất ngủ đến rạc cả người, nhớ đến những vết chích ven sưng to như quả trứng gà của mẹ, nhớ đến cả thìa đường pha cốc nước nóng con mang cho mẹ để mẹ uống bồi bổ mỗi tối. Mẹ chắt chiu đến mức sữa ông thọ rẻ tiền mà cũng không mua để tự bồi dưỡng sức khỏe cho mình.

Con sợ tiền mà lại muốn có tiền. Con ghét tiền mà lại quý tiền nữa mẹ ạ. Con quý tiền và tôn trọng tiền bởi con luôn biết ơn những người hảo tâm đã giúp nhà mình. Từ những nhà sư tốt bụng mời mẹ đến chùa vào cuối tuần, những cô bác ở Hội chữ thập đỏ quyên góp tiền giúp mẹ và gia đình mình. Và cả những người bạn xung quanh con, dù chưa giúp gì được về vật chất, tiền bạc nhưng luôn quan tâm hỏi thăm sức khỏe của mẹ… Nhờ họ mà con cảm thấy ấm lòng hơn, vững tin hơn.

Con cảm thấy bất lực ghê gớm và rất cắn rứt lương tâm khi mẹ không đồng ý với các kế hoạch của con. Đã có lúc con đòi đi lao động, đi làm gia sư hay đi bán bánh mì “tam giác” như mấy anh sinh viên con quen để kiếm tiền giúp mẹ nhưng mẹ cứ gạt phăng đi. Mẹ cứ một mực “tống” con đến trường và bảo mẹ chỉ cần con học giỏi thôi, con giỏi thì mẹ sẽ khỏe.

Vâng, con xin nghe lời mẹ. Con vẫn đến trường. Con sẽ cố gắng học thật giỏi để mẹ và bố vui lòng. Nhưng mẹ hãy để con giúp mẹ, con đã nghĩ kĩ rồi, không làm gì thêm được thì con sẽ nhịn ăn sáng để tiết kiệm tiền. Không bán bánh mì được thì con sẽ ăn cơm với muối vừng. Mẹ đừng lo mẹ ạ, mẹ hãy an tâm chạy chữa và chăm sóc cho bản thân mình. Hãy để con được chia sẻ sự túng thiếu tiền bạc cùng bố mẹ. Vậy con khẩn thiết xin mẹ đừng cằn nhằn la mắng con khi con nhịn ăn sáng. Mẹ đừng cấm đoán con khi con đi lấy chầy, cối để giã lạc vừng. Dù con đã sút 8 cân so với năm ngoái nhưng con tin rằng với sự thấu hiểu lẫn nhau giữa những người trong gia đình thì nhà ta vẫn có thể sống yên ổn để đồng tiền không thể đóng vai trò cốt yếu trong việc quyết định hạnh phúc nữa.

Đứa con ngốc nghếch của mẹ

Nguyễn Trung Hiếu

Nhãn:

0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ