Quần áo

Quần áo

14 thg 10, 2011

Bi hài chuyện “tẩm bổ” cho chồng

Dạo này anh Thắng đâm ra sợ ăn cơm nhà. Bởi bữa cơm nào vợ anh cũng bắt anh ăn đi ăn lại một vài món và uống rượu thuốc để “khôi phục sinh lực”…

Chuyện vợ anh tự ý “bắt mạch kê đơn” cho chồng làm anh Thắng cảm thấy tự ái đàn ông của mình bị tổn thương. Chị Liên cứ nói “chắc như đinh đóng cột” rằng, chồng mình bị chứng “yếu sinh lý”. “Ai đời vợ chồng người ta tuần năm, sáu lần, còn mình thì tuần chỉ có một, hai. Chán chẳng chịu được” – chị thường ngán ngẩm tâm sự với mấy cô bạn thân như thế, và khi nào cũng tự nhủ: “phải tìm mọi cách để cải thiện tình hình mới được”.

Nghĩ là làm, chị lên mạng tìm mọi thông tin về “chứng yếu sinh lý” cũng như cách khắc phục, chữa trị căn bệnh này. Nhiều người khuyên chị nên vận động chồng đi khám để có kế hoạch điều trị lâu dài, nhưng có mấy lần chị mới nói ra ba từ “yếu sinh lý” thì đã bị chồng nổi trận lôi đình, mắng té tát. Vậy nên, anh sẽ không bao giờ cùng chị đi đến bệnh viện để cho thiên hạ biết được “nỗi nhục quốc thể” này. Hơn nữa, chồng chị lúc nào cũng khăng khăng là mình bình thường, do đó, việc chị bắt chồng uống thuốc chắc cũng khó mà thực hiện được.

Suy tính nát nước, chị Liên chợt nghĩ ra một cách. Hôm rồi chị mới đọc được mấy bài báo chỉ cách khắc phục chứng bệnh “khó nói” của các quý ông. Cách này nhìn có vẻ đơn giản mà chẳng lộ liễu, lại đi thẳng vào dạ dày của chồng nên chắc chắn chồng chị sẽ không dám có ý kiến gì. Nghĩ là làm, chị học hết cách nấu các món giúp “bổ thận, tráng dương” để về thực hành. Từ ngày đó, thực đơn của nhà chị khi nào cũng có những món kiểu như: thịt bò xào lá lốt, giá đỗ, thận lợn, thận dê…. Hôm nào may mắn mua được thịt dê hay những bộ phận quý hơn thì anh Thắng sẽ là người được ưu tiên nhất nhà. Hai đứa con chị cứ thắc mắc: “tại sao mẹ lại “cưng” bố hơn tụi con thế ạ?”.

Lúc đầu anh Thắng cũng không để ý. Tính anh từ xưa đến giờ vốn vậy, chuyện gì to tát thì anh mới để tâm, chứ mấy cái chuyện ăn uống tạp nhạp, anh chẳng bao giờ phàn nàn. Vợ cho gì thì anh ăn nấy. Ấy vậy mà “vị giác” của anh mấy bữa nay lại “lên tiếng mạnh mẽ”. Anh thấy vợ mình ngày nào cũng cho mình ăn mấy món lặp đi lặp lại. Quả thật, anh ghét ăn thận, anh cứ thấy nó “hôi hôi thế nào ấy”. Nhưng vợ anh lại bảo: “nó tốt cho thận lắm đấy. Ăn gì bổ nấy mà anh”. Miệng nói, tay gắp, bữa nào chị cũng xới cho anh mấy bát đầy, lại chỉ gắp cho chồng mấy miếng “bổ dưỡng” nhất. Sau một thời gian “thử nghiệm”, chị hồi hộp chờ đợi kết quả.

Nhưng chồng chị vẫn chưa có biến chuyển gì gọi là khả quan. Sau khi rời khỏi bàn làm việc, anh hôn vợ rồi lên giường đánh một giấc ngon lành, mặc dù có nhiều lần chị đã cố ý “gợi chuyện”. Anh bảo: “Dạo này anh bận nhiều việc quá, chẳng có tâm trí gì cả”. Chị nghe chồng nói mà tự ái dâng tràn, nhiều lần giận chồng, chị nói thẳng với anh: “Anh thật là vô tâm. Chuyện cơ quan là chuyện cơ quan, chuyện vợ chồng là chuyện vợ chồng. Sao anh không biết phân biệt gì cả thế?”. Vợ chồng lời qua tiếng lại một lúc, chồng bảo vợ không biết cảm thông, vợ bảo chồng đã chán vợ, có lẽ đã đi ngoại tình rồi. Kết thúc cuộc cãi vã, hai vợ chồng nằm quay lưng lại với nhau ngủ như chết.

Nghĩ là “thuốc” của mình chưa đủ liều, chị mua thêm hộp “Nam thận bảo” về trộn vào cơm cho chồng ăn, mua thêm mấy loại thuốc bắc, tắc kè, cá ngựa về ngâm rượu cho chồng uống. Anh Thắng bắt đầu lờ mờ nhận ra ý đồ của vợ, cứ đến bữa cơm, anh lại nhăn nhó: “Em cứ làm như anh sắp bị liệt dương không bằng. Anh đã nói là do dạo này anh căng thẳng quá rồi còn gì”. Chị nghiêm mặt: “Nếu anh không chịu đi bác sỹ thì phải chịu khó ăn, uống mấy thứ này vào. Không có bệnh cũng ăn vào cho tốt. Chả có vấn đề gì cả”. Không muốn hai vợ chồng lại cãi nhau nên bữa cơm nào anh cũng cúi gằm mặt, nhai vội vàng rồi bỏ vào xem ti vi. Hai đứa con nhìn nhau ngạc nhiên hỏi mẹ: “Mẹ ơi! Dạo này bố bị làm sao ấy?”.

Không biết chị có ngộ nhận hay không, nhưng chị thấy rằng sau một thời gian được “tẩm bổ”, “nội công” của chồng chị đã trở nên “thâm hậu” hơn hẳn. Tuy rằng số lần “xuất trận” chưa được nhiều nhưng lần nào cũng “chất lượng”. Thấy kết quả khả quan, chị tươi cười ra mặt, lúc nào cũng muốn kể cho bạn bè nghe về “chiến tích” của mình và ngày nào cũng chú tâm vào công việc nội trợ. Ngược lại, anh Thắng lại thấy ớn ớn cảnh ăn cơm nhà, vì bữa nào cũng phải ăn chừng đó món. Anh muốn giải thích chơ vợ biết, ấy vậy mà vợ anh chẳng bao giờ chịu nghe. Anh cũng chẳng dám tâm sự với ai, bởi nếu biết chuyện, cả công ty sẽ đồn ầm lên rằng anh bị “yếu”. Lúc đó chắc anh không còn mặt mũi nào để nhìn ai nữa.

Cuối cùng, anh cũng nghĩ ra một cách. Anh đến phòng khám của người bạn, nhờ kê một đơn thuốc rồi đưa về cho vợ xem. Chị Liên sau khi thấy đơn thuốc ghi rõ ràng “điều trị bệnh gout” thì mặt mày tái xanh, hỏi anh bị từ bao giờ. Anh Thắng thản nhiên bảo: “Bác sỹ nói do anh ăn quá nhiều chất bổ dưỡng. Nếu cứ đà này thì còn ảnh hưởng đến tim mạch rồi nhiều thứ nữa cơ. Mai em cho anh ăn chay nhé”

Đêm đó, chị Liên nằm khóc thút thít vì sợ chồng bị ốm nặng. Anh Thắng thấy vợ đi nằm sớm, lại nghe tiếng vợ khóc nên lại hỏi han. Thấy vợ nước mắt ngắn dài, nói thương chồng, bảo chắc do tại mình tẩm bổ nhiều quá nên mới ra cơ sự, anh chợt thấy mình có lỗi. Đêm hôm đó, anh đã gạt bỏ được sự căng thẳng bấy lâu để cùng vợ tận hưởng hạnh phúc thật trọn vẹn. Và anh tin rằng, từ bây giờ trở đi, anh sẽ biết cách để điều chỉnh mọi thứ, để vợ anh không nghĩ rằng anh bị “yếu” nữa.

Cứ nghĩ đến cảnh ngày mai không phải ăn những món “bổ dưỡng”, anh lại thấy trong người thỏai mái như mới trút được một gánh nặng. Anh sẽ nói sự thật cho vợ biết, mà thực ra thì chuyện anh “yếu” hay “mạnh” một phần cũng vì tâm lý. Anh tin cùng với tình yêu dành cho nhau, vợ chồng anh sẽ vượt qua chuyện “khó nói” này để tận hưởng hạnh phúc.

Nhãn:

0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ