Quần áo

Quần áo

23 thg 9, 2011

“Tám” công sở nên hay không?

Đã khi nào bạn là đề tài để mọi người trong công ty đồn thổi? Nếu có, bạn chính là nạn nhân của việc buôn chuyện, đàm tiếu chốn công sở.

Theo kết quả khảo sát của Hiệp hội đào tạo và phát triển Hoa Kỳ, khoảng 85% nhân viên tán dóc, một phần tư trong số họ tán dóc thường xuyên. Theo định nghĩa tán dóc hay còn gọi là “tám” là hành động hoàn toàn tiêu cực, thiếu tôn trọng khi nói về một người nào đó vắng mặt cho dù thông tin đúng hay sai. Hầu như, không một công ty nào là không có việc “trà dư tửu hậu” và nó gần như trở thành một truyền thống trong giới văn phòng.

Lý do “tám” trong văn phòng

Xuân Thùy, nhân viên quảng cáo mới vào công ty nhưng muốn gây chú ý, cô đã lấy câu chuyện về cô đồng nghiệp cũ khá nổi tiếng để “làm quà” với các đồng nghiệp mới. Khi mọi người lắng nghe chăm chú, cô càng thấy thích thú và thêm mắm thêm muối cho câu chuyện hấp dẫn. Cô cảm thấy mình trở nên quan trọng vì biết nhiều thông tin bí mật và thú vị về một nhân vật đình đám.

Trường hợp này cũng giống như khi bạn đang buồn chán với thời gian nhàn rỗi trong công ty và muốn nâng cao sức ảnh hưởng, quyền hạn của mình bằng các câu chuyện về người khác. Tương tự như vậy, đôi lúc chúng ta tán dóc với nhau để tạo thêm sự gần gũi mà nếu chỉ làm việc đơn thuần sẽ không có được điều đó. Nói về một ai đó mà mọi người cùng không ưa, sẽ tạo cho mọi người cảm giác gắn kết hơn.

Hay Thanh Mai, nhân viên kế toán, vẫn còn ấm ức vì bị cô bạn cùng phòng lợi dụng thời cơ và làm bẽ mặt trước mọi người. Không đủ cam đảm để nói chuyện thẳng thắn với cô nhân viên đó, Mai chọn cách đi “tám” về cô ta với những người khác. Cô trút hết tất cả sự bất mãn về người đồng nghiệp này với một bên thứ ba.

Ngoài việc truyền tai, một số người còn sử dụng các mạng xã hội như Facebook, Blog như một công cụ để bêu rếu, bình luận về người khác. Với số lượng thành viên khổng lồ trên kênh truyền thông di động này, thông tin bạn đưa ra sẽ nhanh chóng được truyền tải. Thật đúng như Rabbi Telushkin, tác giả của cuốn Words That Hurt, Words That Heal đã viết rằng: “Tán dóc là hình thức khủng bố bằng lời nói. Đối với hầu hết chúng ta, trao đổi, đánh giá về những người khác thú vị và thích thú hơn là trao đổi tin tức tốt lành ”.

Hậu quả của những tin đồn

Đối với nạn nhân của việc tán dóc, chắc chắn ai cũng biết đó là uy tín cá nhân bị ảnh hưởng. Một khi tin đồn bắt đầu lan truyền trong văn phòng, không ai có thể ngăn chặn nó và kiểm soát được độ tin cậy của thông tin.

Có một câu chuyện dân gian như sau: Một bà nọ thêu dệt những chuyện không tốt về một người đàn ông. Sau đó, bà ta xin lỗi và hứa làm bất cứ điều gì để bù đắp. Ông ta bèn đưa cho bà một túi lông gà, bảo ra góc phố tung lông trong gió. Làm xong, bà kia hỏi làm như vậy đã đủ để tạ tội chưa. Người đàn ông nói, sẽ đủ nếu bà lượm lại được hết lông. Chúng bay tứ tán khắp nơi, làm sao lượm lại được?

Ngạn ngữ Tây Ban Nha có câu: “Ai mách lẻo với bạn thì họ cũng mách lẻo về bạn”. Đối với người đi tung tin, có thể các nhân viên khác nghe bạn nói, đều gật đầu đồng tình với bạn nhưng cũng có thể họ cũng đang đề phòng bạn. Một khi đồng nghiệp đã coi bạn là kẻ “buôn chuyện” thì không bao giờ họ tin tưởng để trò chuyện với bạn dù là công việc.

Thái Khang là một nhân viên có năng lực trong một công ty sản xuất bao bì. Anh hay có thói quen bình phẩm sau lưng người này, người kia nên dù đã 10 năm cống hiến nhưng anh vẫn không được đề bạt. Khi hỏi sếp, anh đã nhận được câu trả lời: “Tôi không tin tưởng giao nhiều bí mật công ty cho một người hay tán dóc như anh”.

Nói không với “bà tám”


Bạn đững nghĩ có thể tâm sự tất cả mọi việc với đồng nghiệp. Biết rằng “tám” cũng là thú vui, nhưng hãy tự kiềm chế. Việc buôn chuyện thường xảy ra trong thời gian ăn trưa hay uống cà-phê. Cách tốt nhất để tránh tin đồn là thay đổi chủ đề ngay khi thấy mình đang dấn thân vào việc nói xấu về ai đó. Hãy cố gắng chuyển chủ đề nói chuyện sang hướng tích cực, ví dụ như một bộ phim hay bạn mới xem tối qua nhưng bạn không thích, một thương hiệu quần áo sắp về Việt Nam… Còn như bạn không thể chuyển được hướng cuộc nói chuyện thì hãy chỉ lắng nghe thôi, đừng quá tin vào những việc đang bàn tới.

Có thể bạn nghe một điều tiếng không tốt về cô đồng nghiệp, nhưng đừng lợi dụng chuyện đó để nói lại với sếp. Nếu bạn làm vậy, sếp sẽ đánh giá bạn không tốt. Bạn cũng đừng ra tay “nghĩa hiệp” thông báo lại cho nạn nhân biết vì có thể bạn sẽ làm tổn hại tới danh tiếng của mình và gây ra sự thù địch giữa các đồng nghiệp. Tốt nhất nên tránh xa các cuộc tán dóc vì dù bạn không tham gia nhưng nếu sếp vô tình đi ngang qua và nghe được sẽ đánh giá được bạn cũng như những nhân viên khác, điều này không tốt cho sự nghiệp của bạn.

Nếu bạn là nạn nhân của việc tán dóc, bạn đừng nổi giận và tranh luận ngay tại văn phòng. Điều này không giúp bạn giải quyết được vấn đề mà còn gây ấn tượng không tốt cho đồng nghiệp và sếp. Hãy kiềm chế bản thân và đừng để việc đó ảnh hưởng tới công việc. Không nên cố gắng giải thích vì bạn làm sao có thể thanh minh với từng người. Khi sự việc đã vượt tầm kiểm soát, hãy trình bày với cấp trên và nhờ họ giải quyết.

Người trong cuộc

Xuân Đào (Chuyên viên quan hệ khách hàng)

May mắn là Đào chưa từng bị đem ra bàn tán. Đào cũng tự răn bản thân mình phải không làm điều gì để mọi người có thể nói được. Nếu chẳng may bị nói bóng gió thì Đào sẽ ngẫm lại coi mình đã làm điều gì không đúng, vì nếu không có lửa làm sao có khói.

Thu Huyền (Phó Giám Đốc)


Hồi đó mình tám chuyện suốt ngày. Đã vài lần một số đồng nghiệp trở thành nạn nhân. Khi nhận ra, Huyền đã xin lỗi và tìm cách giảng hòa. Sau đó, Huyền đã tự ăn năn và hứa với bản thân mình không đi đưa chuyện nữa.

Ngọc Thủy (nhân viên truyền thông)


Thủy cũng khó chịu khi vài lần bị đưa ra đàm tiếu. Ban đầu còn giải thích, nhưng bây giờ Thủy sẽ đính chính lại với những người mà Thủy thấy cần phải nói, còn lại để thời gian tự giải quyết.

* 80% nội dung trong các cuộc hội thoại là dành cho việc nói về người khác và những thói quen của họ. Theo khảo sát của tiến sỹ Nicholas Emler ở 300 người, đăng trên tờ London Daily Mail, trong những thông tin họ trao đổi về người khác chỉ có khoảng 5% là độc hại.

Nhãn:

0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ