Quần áo

Quần áo

13 thg 8, 2011

Trai Sài Gòn chết mệt bia ôm miệt vườn

Ngày xưa các anh “Hai Lúa” chỉ nhậu rượu đế với cá nướng trui, xoài, ổi... Nay có tiền rủng rỉnh trong túi, các anh Hai, anh Ba “nâng cấp” lên nhậu bia, rồi đi tiếp tăng 2, tăng 3..., điểm cuối là sa đà vào những quán có tiếp viên “tươi mát” để tìm cảm giác mạnh hơn. Bia ôm miệt vườn cũng dân dã như con cá nướng trui, như trái xoài, trái ổi. Thế mà những chàng trai thành thị lại thích “hương đồng gió nội”.

Họ tìm về thôn quê để tìm “tươi mát” trong những chòi nhậu dưới những gốc xoài nằm bên sông rạch. Thế nhưng, khoảng cách thành thị - nông thôn đã làm “lệch pha” thú chơi của họ, gây ra mâu thuẫn. Hậu quả là một chàng trai Sài thành đã chết oan trong mùi “hương đồng gió nội”.


Bia ôm miệt vườn


Vĩnh Xuân là một trong những xã vùng sâu, thuộc huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long. Người dân nơi đây đa phần sống bằng nghề nông nghiệp. Cuộc sống vốn dĩ yên bình bên những con đường làng rợp bóng với mảnh vườn, thửa ruộng, bến sông... Tuy nhiên, thời gian gần đây kinh tế phát triển, đời sống người dân vùng nông thôn cũng được nâng lên, kéo theo các loại hình vui chơi giải trí, cũng như quán xá mọc bên đường ngày càng nhiều.


Trong đó, quán bia ôm miệt vườn là một trong những dịch vụ tự phát nhưng lại kinh doanh rất phát đạt. Chạy xe một vòng quan sát, dọc theo hai bên đường xa xa lại thấy vài túp liều tranh được che kín, vừa đủ chỗ cho vài đôi nam nữ “tâm sự”.


Nơi ấy thường là điểm đến của những thanh niên trong xã, có khi là những chàng trai mới lớn, cũng có khi là những người đam mê của lạ trốn vợ tìm vui, cũng có khi là sự đãi đằng hiếu khách của những bạn xa lâu mới gặp hay quan hệ làm ăn.


Họ đến đây để thấy mình được nâng niu, yêu chiều như thượng khách và sự quan tâm không phải của những cô thôn nữ trăng tròn, e ấp trong chiếc áo bà ba. Mà khuất sau những hàng chuối, rặng dừa, vườn bưởi đang trĩu quả là những cô gái nước hoa thơm phức át luôn cả hương đồng cỏ nội. Sức quyến rũ và sự hấp dẫn của những “hoa hậu miệt vườn” này là ở làn da trắng nõn được che chắn tạm bợ bởi những chiếc áo mỏng tang hay chiếc váy ngắn làm say lòng những chàng trai làng đã ngà hơi men lao vào cuộc chơi tìm bóng.


Những “nàng tiên nữ” thoắt ẩn thoắt hiện chốn đồng quê này đã làm tiêu tan biết bao mái gia đình đang yên ấm, làm vỡ đi những mối quan hệ vốn dĩ yên lành. Nhiều chàng trai chân còn vương bùn đất, áo còn nhuốm màu phèn chỉ bước một bước là thành “thượng đế”, được các nàng chiều chuộng như người yêu.


Để được “nhất dạ đế vương”, bồ lúa của gia đình họ đã phải vơi đi nhiều, bầy vịt chạy đồng của họ không bị dịch bệnh mà cũng “hao hụt” mất hàng trăm con, vườn bưởi, vườn xoài của họ dù rất sai trái nhưng đến mùa thu hoạch chẳng còn bao nhiêu tiền... Nhiều người đã đánh đổi cả công ăn việc làm, hạnh phúc gia đình, có người còn vướng vòng lao lý hay đánh đổi cả tính mạng của mình ngay trên chính những vùng quê yên bình.


Trai Sài thành mê bia ôm miệt vườn


Vào khoảng 11 giờ 30 phút ngày 09-5-2010, Nguyễn Thanh Trung ở tận TP. HCM, cùng với một người bạn ở Cà Mau đến nhà bạn ở xã Trà Côn, huyện Trà Ôn chơi. Trong buổi gặp gỡ, cả nhóm tổ chức tiệc nhậu tại nhà.


Sau đó, Nguyễn Thanh Trung cùng với Đào Văn Khiếp, Nguyễn Văn Trường và vài người bạn khác lại tìm đến quán Đồng Quê, một quán nhậu có tiếp viên ở xã Vĩnh Xuân, để tiếp tục cuộc vui, phần thì muốn đãi bạn bằng món “quà quê”, phần vì cũng ham mê của lạ.


Khi họ vào, cô chủ quán Nguyễn Thị Mười liền kêu người em là Nguyễn Văn Mười Một chạy xe đi rước hai tiếp viên đến quán để phục vụ cho khách. Có lẽ do tiếp viên miệt vườn không làm hài lòng trai Sài thành, nên cả nhóm của Trung mới nhậu chưa hết một két bia Sài Gòn đỏ thì họ đã kêu tính tiền (Trường trả tiền).

Nguyễn Thanh Trung “chơi đẹp” bo 200.000đ cho tiếp viên, tiếp đó Mười Một đưa từng tiếp viên về. Nhóm nhậu của Trung ở quán đứng dậy ra định về, riêng Khiếp vì luyến tiếc chút “hương thừa” nên dẫn cô tiếp viên còn lại vào tum vừa nhậu xong đùa giỡn (Khiếp dùng tay sờ mó vào người tiếp viên), tiếp viên này không cho và cự cãi với Khiếp. Khiếp đi ra thì cô chủ quán tên Mười đòi thêm tiền bo, Trường nói là bo rồi bo gì nữa. Từ đó hai bên cự cãi, Trường dùng chân đạp vào cột vách ngăn ở khung thứ hai của quán, làm cây cột đước bong đinh, đập trúng vào vùng trán của Mười, làm chảy máu.


Mười la lên: “Một ơi, nó đánh chị máu ra quá trời”. Vừa đi xã Vĩnh Xuân về đến, chạy vào thấy vùng đầu của chị Mười chảy máu nhiều, Mười Một chạy thẳng ra phía sau chụp lấy 02 vỏ chai bia cầm hai tay chạy ra chỗ chị Mười. Mười Một chạy đến từ sau lưng Trung, dùng tay phải có cầm sẵn vỏ chai bia đánh vào vùng đầu của Trung làm vỏ chai bể, tay phải Mười Một tiếp tục cầm cổ chai bia đâm thẳng vào vùng cổ của Trung.


Trung bị thương ở cổ chảy nhiều máu, được những người cùng nhậu chuyển đi cấp cứu, nhưng đã chết tại bệnh viện Chợ Rẫy, TP. HCM sau đó 2 ngày. Có thể cho tới lúc chết, chàng trai Sài Gòn Nguyễn Thanh Trung không biết vì sao mình chết.


Phiên tòa sau tiệc nhậu

Trước phiên tòa, dù đã thừa nhận hành vi phạm tội của mình nhưng bị cáo Mười Một cũng đã biện bạch: do thấy chị mình bị chảy quá nhiều máu ở vùng trán, trong khi đó mấy người đàn ông đứng xung quanh, nên nghĩ những người này đã đánh chị. Vì quá nóng ruột nên bị cáo mới bênh vực chị và đã phạm tội giết người.


Trong giờ nghị án, chúng tôi tranh thủ tiếp xúc với gia đình bị hại. Nguyễn Thanh Trung có 5 anh em, tất cả đều sống riêng, chỉ còn vợ chồng Trung sống chung với mẹ. Hiện anh là lao động chính trong gia đình, mọi chi phí từ việc ăn uống, chăm sóc mẹ già, đến học hành của con, đều nhờ vào nguồn thu nhập mà anh buôn bán có được. Từ ngày anh qua đời đến nay cuộc sống gia đình đã trở nên rất khó khăn.



“Nó sống lo cho tôi, nó chết vợ nó lo đâu nổi, mẹ con bữa cháo, bữa rau heo hút”, người mẹ tâm sự với chúng tôi. Còn chị Lại Thị Kim Hằng – vợ Trung - thì nước mắt rưng rưng: “Lúc trước em ở nhà nội trợ, từ ngày ảnh mất em phải đi bóc thịt cua, hôm nào cua nhiều em làm được 40.000đ, cua ít được 20.000 đến 30.000đ”. Với thu nhập bình quân mỗi ngày chưa đến 40.000đ, phải nuôi đến ba miệng ăn, trong khi mẹ lại nay ốm mai đau, cô công nhân góa chồng khi tuổi còn xuân chưa biết cuộc sống phía trước rồi sẽ ra sao.

Trong khi đó, gia đình bị cáo có đến 11 anh em đều sống riêng, chỉ có bị cáo và người em út sống chung với cha mẹ. Tuy ở nông thôn, nhưng diện tích đất vườn của gia đình chưa tròn công (1.000m2), ruộng được 3 công. Song, cũng đã cầm cố để chạy chữa thuốc thang lúc cha mẹ bệnh. Bị cáo Nguyễn Văn Mười Một khi học đến lớp 9, do hoàn cảnh gia đình nghèo khó nên đã nghỉ học phụ giúp gia đình. Đến 18 tuổi đi nghĩa vụ quân sự.


Sau khi xuất ngũ trở về đi làm thuê, làm mướn. Đến mùa nuôi vịt thì đi nuôi vịt chạy đồng ở tận Sóc Trăng, Trà Vinh, Đồng Tháp… để có thêm thu nhập, phụ giúp người em út nuôi cha mẹ tuổi đã gần 80 tuổi. Lúc xảy ra vụ án là thời điểm bị cáo nuôi vịt chạy đồng tại quê nhà, nên mới có mặt trong tiệc nhậu. “Nó đi nghĩa vụ về làm mướn làm thuê lo cho cha mẹ, bây giờ nó đi tù tôi cũng không biết làm sao. Con người ta chết, còn con mình vào tù, tôi già rồi bảy mươi mấy tuổi, khi nó về chắc tôi đi mất rồi không còn”, mẹ bị cáo vừa khóc vừa tâm sự.

Đến dự phiên tòa đều là những người nông dân thật thà, chất phác từ vùng quê xa xôi thuộc xã Vĩnh Xuân, huyện Trà Ôn. Cuộc sống yên bình, thân thiện của họ bỗng nổi sóng gió từ những “túp liều bí ẩn” thấp thoáng trong vườn cây. Nay họ đến đây để chứng kiến cảnh đau lòng hậu quả của thú vui lạ lẫm nhưng đầy ma lực có tên gọi “bia ôm miệt vườn”.

Người ngồi ở hàng ghế bị hại chính là mẹ của người bị hại, lúc nào cũng rưng rưng nước mắt, nhất là khi nghe bị cáo trả lời những câu hỏi của Hội đồng xét xử về nguyên nhân dẫn đến hành vi phạm tội, gây ra cái chết tức tưởi cho con trai mình. Được một lúc thì bà như chết lặng, rồi ngất đi. Còn mẹ của bị cáo ngồi ở một góc phòng xử án, có lúc cũng không cầm được nước mắt.


Trước hết đó là những giọt nước mắt xót thương cho người con đang vướng vào vòng lao lý, nhưng cũng có thể đó còn là những giọt nước mắt đồng cảm, sẻ chia với người phụ nữ đã mất đi đứa con yêu quý của mình. Điều làm cho những người có mặt không khỏi xúc động là khi người nhà của bị cáo đã dìu mẹ mình đến ngồi cạnh bên mẹ người bị hại, như để thay cho lời hối lỗi muộn màng thay cho con trai mình.


Kết thúc câu chuyện “tìm bóng miệt vườn” là một người đã chết và một người lãnh án với mức án 18 năm tù về tội giết người. Trong câu chuyện thương tâm ở vùng quê hẻo lánh ấy dường như tất cả đều là sự mất mát, đau thương mà phần được chẳng thuộc về ai.


Dẫu biết rằng cuộc vui là mang lại niềm vui cho tất cả những người trong cuộc, nhưng ở cuộc vui này chỉ còn là mất mát, tang thương. Giá như những cô gái ấy không buông xuôi cuộc đời mình cho số phận; giá như những thú vui tiêu khiển xa xỉ ấy không khuấy động vùng quê vốn dĩ yên bình; giá như những con người chất phác còn vương mùi phèn ấy đừng nông nổi… thì đã không có câu chuyện đau buồn và đáng xấu hổ này.


Nhãn:

0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ