Quần áo

Quần áo

10 thg 8, 2011

Quốc Cường: 'Tôi thích máy bay bà già từ nhỏ

‘Tại sao ông già cưới cô gái trẻ là bình thường, còn chàng trai trẻ cưới phụ nữ lớn tuổi lại bị chê trách? Đó là sự bất bình đẳng. Riêng tôi, 'lái máy bay bà già' là ý nghĩ từ nhỏ rồi’, nam diễn viên Quốc Cường chia sẻ với Xzone.

Quốc Cường xuất hiện tại điểm hẹn cafe giữa trung tâm thành phố với bộ dạng đầu đinh, mặt ngầu, để râu lổm chổm. Khi phóng viên Xzone thắc mắc, anh hồ hởi khoe vì còn lưu luyến bộ dạng mới này khi vừa hoàn thành vai diễn trong phim điện ảnh Cột mốc 23, chưa muốn “tút” lại hình tượng lịch lãm, thư sinh vốn có.



Nhắc về vai diễn, anh bảo đó là điều thú vị khi được hóa thân vào vai một nhiếp ảnh gia chuyên chụp nude và may mắn thay đổi được bản thân mình gặp một cô nàng cùng cảnh ngộ. Cột mốc 23 là cuộc tình nhẹ nhàng nói về nơi dừng chân của hai nhân vật chính. Anh tin phim sẽ hút khách bởi cảnh quay tuyệt đẹp, chuyện tình lãng mạn, liêu trai, có chút “nóng” nhưng vô cùng hài hước.

Tôi không ngoan mà cũng chẳng hư

- Liệu sự đổi mới ngoại hình lần này có giúp anh thay đổi được hình tượng hiền hiền, đều đều, không mấy ấn tượng lâu nay trong lòng khán giả?

Tôi không có chủ ý xây dựng hình ảnh mình theo hình mẫu cụ thể nào. Bản thân tôi không kén chọn vai bao giờ, nên dù là hoàng tử hay chàng trai thư sinh, hiền lành trên phim đều do các đạo diễn nhắm và chọn. Cũng vì thế mà người ta thường nghĩ về tôi như một diễn viên ở ngoài đời khôn ngoan đến mức… nhạt nhẽo. Tôi biết điều đó chứ.

Người ta nói vì tôi không ồn ào nên mới bị nhạt. Ồn ào làm gì? Nếu ở môi trường điện ảnh ổn định và chuyên nghiệp thì cũng cần ồn nào. Riêng nền điện ảnh còn nhiều bất cập thì làm gì phải ồn ào. Ồn ào là cách để nhanh nổi tiếng. Đúng! Không phải tôi không thích nổi tiếng đâu. Làm nghệ thuật mà nói không cần nổi tiếng là xạo. Nhưng tôi vẫn thích đi đóng phim hơn là cố mang lại sự ồn ào không cần thiết.

- Và đó cũng là lý do giải thích vì sao tuy lấn sân sang điện ảnh đã lâu nhưng cái tên Quốc Cường vẫn chưa thể bứt phá?

Để trở thành ngôi sao không dễ. Nhưng khi là ngôi sao rồi thì tôi sẽ là gì? Tôi sẽ chịu nhiều lo lắng, áp lực để giữ cho mình sáng mãi đúng không? Thôi thì tôi cứ thích làm việc theo cách “mưa dầm thấm lâu”. Tôi cũng phấn đấu nhưng không nặng nề chuyện lên tới đỉnh cao. Đôi khi có những chuyện mình muốn cũng không được nên hãy để khán giả đánh giá tới đâu hay tới đó. Còn để nổi tiếng thì còn nhiều chuyện đáng bàn lắm. Lúc đó mình cần phải biết PR, quan hệ này nọ. Là người học kinh tế ra, tôi biết PR là tốt, nhưng thật ra tôi không giỏi lấy chuyện tình cảm để lợi dụng người khác PR dùm mình.

- Nhưng liệu anh có chút nào đó “hư”?

Tôi không hư mà cũng chẳng ngoan. Tôi tuy được sinh ra trong gia đình chẳng phải có truyền thống gì ghê gớm lắm, nhưng đến với môi trường nào, tôi biết cách thích nghi để phù hợp. Tôi chẳng là thánh nhân nhưng mỗi khi đi với ai, ở đâu, khi nào, tôi đều không giữ nguyên một hiện trạng cứng nhắc về mình. Nếu ai đó bảo tôi nhạt, có thể tôi sẽ đồng ý, nhưng sau đó tôi sẽ quan tâm nhạt về cái gì? Nếu nhạt trong cuộc sống, ứng xử thì nên coi lại, nhưng nhạt về sự nổi tiếng thì tôi không quan tâm. Giá trị thực bây giờ hiếm lắm. Giá trị ảo luôn được ca tụng.

- Anh có đảm bảo mình luôn sống thật với mọi người?

Không! Tôi không hoàn toàn sống thật. Tùy môi trường và hoàn cảnh mà tôi ứng xử. Để thích nghi với cuộc sống hiện tại ở Sài Gòn, tôi đã trải qua quá trình cố gắng từng bước. Từ một người vùng quê lên thành phố nhưng muốn làm bạch mã hoàng tử liền thì không thể, vì cần phải có thời gian thay đổi. Nếu cứ đua đòi để trở thành người thành thị trong chốc lát, chẳng khác nào tự biến mình thành “hai lúa nửa mùa”. Bởi thế cái nhìn bề ngoài không thể đoán họ từ đâu đến.

Tôi không quan trọng họ xuất phát từ đâu, mà quan trọng họ có hợp gu với mình hay không. Tôi thích chơi với người bình thường vì cái nhìn và lối sống của họ dung dị. Họ đến với mình bình dị chứ không tính toán. Tôi tuy có lúc tính toán, nhưng đa phần thường rất thoải mái. Bởi thế tôi không nói mình ngoan hiền bao giờ.

- Vậy nếu anh biết một ai đó đang tính toán với mình, thậm chí là một cô gái đang thích anh, anh sẽ làm sao?

Tôi cũng biết có người đang tính toán với mình chứ, nhưng tôi sẽ xem xét nó có nghiêm trọng hay không. Nếu ở mức độ có thể bỏ qua thì tôi mặc kệ và cũng thử nhượng bộ một chút. Đó là đàn ông. Trường hợp cô gái nào đó tính toán khi đến với mình, tôi sẽ ứng xử nhẹ nhàng để thay đổi cách nghĩ. Nếu không thể thì tôi hạn chế giao tiếp. Người ta nói môi trường nghệ thuật thiếu sự sòng phẳng và nên rất cần tính sòng phẳng. Nhưng tôi thấy ngược lại. Tôi thấy nó quá sòng phẳng đấy chứ. Nói toạc ra, đó là sự tính toán. Ví dụ khi anh không đủ nổi tiếng để có vai diễn, nhưng lại có cục tiền lớn thì chuyện đổi chác sòng phẳng sẽ diễn ra. Sòng phẳng đến nỗi báo chí phải vào cuộc để phanh phui mấy chuyện mờ ám, thiếu sự công bằng đó thôi.

Khi yêu là sẽ cho hết

- Ở tuổi anh, bạn bè đều đã yên bề gia thất, thậm chí có không ít người còn tranh thủ “ăn cơm trước kẻng” nữa. Riêng anh vẫn cứ giậm chân tại chỗ, anh không áp lực sao?

Là do duyên chứ. Vì tôi hướng Phật nhiều nên rất tin vào chữ duyên. Cái gì cũng vậy, đừng nên nóng vội khi duyên chưa tới. Thời nay 40 tuổi mà chưa lập gia đình cũng là bình thường. Hơn nữa, tôi nghĩ nếu mình chưa thể lo được cho mái ấm thì không nên vội. Kết hôn mà thiếu mọi cái, khi có con sẽ dễ gây lộn, đổ tội lên đầu nhau và tan vỡ.

- Nhưng là đàn ông, anh không thể thụ động ngồi một chỗ chờ duyên đến?

Tôi nói mình tin vào cái duyên chứ tôi không để mình ngồi một chỗ chờ duyên. Tôi cũng đã trải qua những mối tình, nhưng khi không đi đến đâu thì tôi sẽ rõ ràng. Tôi không thích lấp la liếm để nghĩ mình lợi dụng nhau. Khi yêu một ai đó, tôi phải có cái nhìn, yêu bằng mắt rồi mới đến tiếp xúc, ứng xử và cảm nhận bằng trái tim. Với người đầu ấp tay gối thì cũng nên kỹ càng, trừ khi yêu vội vàng chỉ vì cần có vợ cho xong.

- “Yêu nhiều nhưng nhận được chẳng bao nhiêu”, anh có gặp tình huống này chưa?

Cũng không ít lần. Đó là những khi tôi yêu nhưng không điều chỉnh được lí trí và bị tình cảm chi phối nhiều quá. Bởi thế mới nói, nếu yêu nhiều quá sẽ bị khổ. Nếu bị rơi vào tình huống đó, tôi sẽ tự động rút lui khi mình hết cảm xúc. Nhưng cố níu kéo cũng có vì tôi nghĩ để thật sự yêu một người đâu phải dễ. Khi yêu nhiều và được nhận lại thì tốt, nhưng không nhận được bất cứ điều gì thì cũng nên suy nghĩ lại vì đó chẳng khác nào người ta thiếu tôn trọng mình. Tình yêu cần sự tôn trọng và thông cảm, nên khi không có hai thứ đó thì phải chấm dứt nhanh.

Khi yêu, người ta sẽ cho hết và tôi cũng thế. Khi đã lựa chọn trong đám đông một người để yêu, tôi sẽ cho hết mọi thứ. Nhưng tôi sẽ điều chỉnh lí trí chứ không để cảm xúc, tình cảm chi phối hoàn toàn.

“Lái máy bay bà già” là ý nghĩ từ nhỏ của tôi

- Nhiều người “ế ẩm” thường tin cuồng nhiệt vào tình yêu sét đánh. Anh thì sao?

Tôi đang tin đấy. Nhưng với tình yêu sét đánh, tôi nghĩ lúc ban đầu mình nên bỏ thời gian để tìm hiểu lẫn nhau.

- Với anh, thế nào mới là nghiêm túc trong tình yêu?

Là tình yêu không mang ra bàn nhậu. Là khi yêu ai, tôi xác định người đó là một nửa của cuộc hôn nhân. Tôi cũng đã có tình yêu nghiêm túc. Nhưng khi tôi muốn nghiêm túc để xác định tới hôn nhân thì người ta lại không nghiêm túc nên mọi chuyện kết thúc. Bây giờ tôi cần một tình yêu sét đánh. Tôi nghĩ hôn nhân quan trọng là cần sự cảm thông, hòa hợp. Điều đó rất khó đến với nghệ sĩ nên tôi không thích người trong giới lắm.

Người đẹp xung quanh hiểu mình cũng không ít. Nhưng người đẹp thì lại cần đại gia hơn. Người ta trách chuyện cặp đại gia, song quan trọng là đại gia như thế nào, đại gia trong ứng xử, hành xử ra sao? Thật ra trong một hoàn cảnh túng quẫn, có một đại gia bảnh trai, con nhà giàu hay một phụ nữ giàu sang (đối với đàn ông) có thể đảm bảo mọi thứ thì cũng cần thiết. Đúng là cái nghèo là sự thiệt thòi nên bản thân ai mà không muốn con cái mình lấy người giàu có. Với tôi, một cô gái thà mang tiếng lấy đại gia còn hơn lấy một ông chồng đã nghèo mà còn suốt ngày đập vợ, đánh con. Người nghèo cũng ly dị chứ đâu phải cưới đại gia mới xảy ra ly dị. Người ta cứ nghĩ đại gia là xấu. Nhưng mỗi người đều có quyền lựa chọn, và tôi cũng đang tìm đại gia đây.

- Vậy nếu một ngày Quốc Cường cưới một nữ đại gia, thậm chí trở thành “phi công trẻ lái máy bay bà già”, thì...?

Thì thà có “máy bay già” để “lái” còn tốt hơn không có bất cứ cái gì để “lái”. Thật ra tôi thấy chuyện “lái máy bay bà già” bình thường chứ có gì đâu. Tại sao thời xưa người đàn ông 70 tuổi vẫn có quyền được yêu và cưới cô gái 18 tuổi, nhưng chàng trai hơn 20 tuổi lại không được yêu và cưới phụ nữ 40 tuổi. Tại sao chàng trai trẻ cưới phụ nữ lớn tuổi lại bị chê trách, còn ông già cưới cô gái trẻ lại bình thường? Đó là sự bất bình đẳng.

Xã hội lúc nào cũng bảo bình đẳng nhưng chuyện “lái máy bay bà già” lại lên án. Đó là chúng ta đang vô tình có suy nghĩ miệt thị. Yêu người già hay trẻ là cái quyền của họ. Nếu họ đáp ứng được cái cần hay thiếu của nhau thì cũng đáng cổ vũ. Họ hạnh phúc hay không cũng nên ủng hộ. Nhiều khi lấy người lớn tuổi lại có cái hay vì họ có sự trải nghiệm, cách nhìn cuộc sống cởi mở hơn người cùng lứa. Họ hiểu người nhỏ tuổi cần gì, thích gì. Có người “lái” vì tiền, có người “lái” vì sự hiểu nhau. Cái gì cũng có tốt xấu.

- Và thực tế anh đã “lái” chưa?

Oh! “Lái máy bay bà già” là ý nghĩ của tôi từ nhỏ rồi. Ngày xưa, mỗi khi thấy mấy bà chị xung quanh mình cưới chồng, lên xe hoa là tôi bỗng dưng thẫn thờ. Tôi không quan tâm ai nói gì vì họ có giúp được gì mình đâu. Mình có đổ vỡ họ cũng đâu có giúp chén gạo, nồi canh nào. Họ nói cho sướng cái miệng thôi. Mình nên nhớ mình sống cho mình. Có “lái” hay không xã hội không cấm. Xã hội không cấm thì mình cứ việc đến với người lớn tuổi. Mình đến vì cái mình cần và điều họ thiếu. Cả hai cần nhau thì cưới thôi.

Với tôi, đến từng lứa tuổi khác nhau, tôi lại biết mình cần cái gì. Nếu trước kia túng quẫn, có thể tôi cần tiền, thì bây giờ tôi cần sự chia sẻ và bình yên, và cách nhìn tình yêu cũng vì thế khác đi nhiều lắm.


Nhãn:

0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ