Quần áo

Quần áo

8 thg 8, 2011

Gia đình hạnh phúc của người cùng lúc “sở hữu” hai bà vợ Việt, vợ Lào

Giữa đất cố đô Huế, tại số 74 đường Đặng Huy Trứ (phường Phước Vĩnh, TP. Huế) có một quán ăn “lạ” mang tên Quán Lào. Ngày ngày, rất nhiều lưu học sinh Lào và người Việt đến thưởng thức các món ăn truyền thống của dân tộc Lào tại đây nhưng ít ai biết được rằng, đằng sau đó là cả một câu chuyện tình xuyên biên giới. Một người đàn ông hạnh phúc và một căn nhà rộn rã tiếng cười vui khi cùng lúc có cả vợ Việt, vợ Lào, con riêng, con chung.

Đáng khâm phục hơn, hai người vợ mang hai dòng máu Lào, Việt sống đầm ấm, hạnh phúc bên một ông chồng.

Người đàn ông đào hoa may mắn ấy là anh Lê Công Quả (SN 1960), ngụ tại kiệt 24/56 đường Hải Triều. Ngôi nhà nhỏ nằm lọt thỏm giữa khu vườn rộng rợp bóng cây xanh được thiết kế theo phong thủy của dân tộc Lào càng tô đậm thêm cái tố chất “lạ” giữa rất quen của Huế.

Trong câu chuyện với tôi, anh Lê Công Quả cho hay, tất cả có lẽ là do duyên phận, có sự sắp sẵn của định mệnh bởi trong thâm tâm, anh là một người đàn ông chung thủy và yêu vợ con. Nhưng rồi trong vòng xoáy nghiệt ngã của mưu sinh nơi xa xứ, tình cảm đã đến một cách tự nhiên như chính nó phải thế.

Ngày cưới vợ hai, chị cả đã sang tận xứ người để chúc phúc, đến lúc đưa nhau về Việt Nam, họ đã thực sự sống đầm ấm trong một ngôi nhà. Mọi cái diễn ra như thể chỉ có trong mơ, và người đàn ông may mắn này chỉ biết thầm cám ơn, đón nhận và gìn giữ những gì mình đã và đang có của ngày hôm nay.

Vợ Việt, tình yêu và mưu sinh

Anh Lê Công Quả sinh ra ở thành phố Huế. Như bao chàng trai khác lớn lên lúc đất nước đổi mới, anh vì cuộc sống khó khăn nên không được học hành tử tế. Lớn thêm tý chút, anh bén duyên với cô gái Trần Thị Ngọ ở cùng thành phố.

Anh Lê Công Quả.
20 tuổi chàng trai được coi là đẹp nhất nhì của đất Phước Vĩnh đã quyết định làm lễ cưới với cô gái cũng xinh vào loại nhất nhì của đại nội với tâm niệm, cưới nhau để gây dựng một gia đình hạnh phúc như tâm nguyện của đấng sinh thành. Cả anh Quả và chị Ngọ đều quả quyết, ngày đó anh chị là mối tình đầu của nhau, cũng yêu nhau say đắm và quyết định về với nhau là vì tình yêu chứ hoàn toàn không có sự sắp đặt hay ép duyên từ phía gia đình.

Bằng chứng là đến bây giờ, sau hơn 20 năm về với nhau, hai người vẫn rất tình cảm. Nhưng rồi, điều mà họ không lường trước được là những khó khăn phía trước, nhất là khi lần lượt có một rồi hai đứa con.

Năm 1994, khi đứa thứ ba kịp chào đời thì Lê Công Quả quyết định gửi gắm vợ con cho ông bà ngoại, còn mình thì khăn gói theo chúng bạn lạn lội sang Lào tìm kiếm cơ hội đổi thay cuộc sống. Anh đã không sai lầm khi dứt áo ra đi như thế, bởi cuộc sống nơi xứ người dẫu có vất vả nhưng đồng tiền kiếm ra không khó. Duy có một điều ngoài dự kiến là tình yêu mới lại bén duyên với người đàn ông có vợ.

Cả anh Quả, chị Ngọ và người con gái xinh đẹp của đất nước Triệu Voi Noy Philavong (SN 1965) cũng không ngờ đến. Nhưng, sự đời vốn dĩ thế, chẳng ai biết trước được chữ ngờ, và tình yêu đến tự nó chẳng toan tính điều chi. Kết quả của chuyến đi ấy là ngày về không chỉ mang theo tiền bạc mà còn có cả một cô vợ “ngoại quốc” xinh xắn cùng hai đứa con. Thoáng chút ngỡ ngàng, cả người về lẫn người ở nhà đã đón nhận sự thật một cách vui vẻ. Họ, những con người chân chất đã làm nên một câu chuyện tình hạnh phúc nhất mọi thời đại trên đất cố đô văn hiến.

Vợ Lào, chuyện tình không biên giới

Câu chuyện nên duyên vợ chồng với người vợ thứ hai, cũng là nhân vật chính của Quán Lào được anh Lê Công Quả hồi tưởng lại như sau: năm 1994, năm đầu tiên theo chân chúng bạn sang Lào kiếm kế mưu sinh, anh lang bạt khắp nơi, từ thủ đô Viêng Chăn đến các huyện xa vùng biên giáp với Campuchia, làm đủ thứ việc, từ phụ hồ đến phu bốc vác, đồn điền, chỗ nào cũng lao động hùng hục nhưng vẫn trắng tay. Sau cùng, anh Quả neo lại tỉnh Savannakhet, xin vào làm công tại một xưởng gỗ và với bản tính thật thà, anh đã dần tạo được một chỗ đứng nhất định trong lòng tin của người chủ xưởng.

Cùng với thời gian, anh Lê Công Quả không những tích cóp được tiền bạc về cho vợ con trả nợ, sinh sống mà phía gia đình ông chủ gỗ cũng coi anh như người trong nhà, nhất là với cô con gái lớn Noy Philavong. Chẳng biết tự lúc nào, Noy đã thầm thương nhớ trộm anh chàng ngoại quốc hiền lành, siêng năng trong số hàng trăm công nhân làm ở xưởng gỗ, bất luận anh này đã có gia đình ở quê.
Gia đình lớn với các thành viên mang hai dòng máu Việt – Lào
Về phía Quả, anh không khó để nhận ra tình cảm sâu nặng ấy nhưng cũng không nghĩ đến chuyện yêu đương, chỉ cốt sao làm việc thật tốt, kiếm thật nhiều tiền để gửi về cho vợ con. Nhưng tình yêu xưa nay vẫn vậy, càng trốn chạy càng khó dứt ra khỏi vòng quay của ái tình. Dầu đã ra sức giải thích, từ chối nhưng Quả vẫn không làm xoay chuyển được tấm chân tình mà Noy đã trót trao gửi cho anh.

Hiểu tấm lòng con cái, bố mẹ cô gái đã bàn chuyện với Quả, họ còn sang Việt Nam mời vợ con của Quả qua chơi để bàn tính chuyện trăm năm! Nghe chuyện ngược đời xưa nay hiếm, lẽ dĩ nhiên chị Trần Thị Ngọ chối phắt, có cô ấy thì không có chị và ngược lại. Đêm, vắt tay lên trán ngẫm nghĩ, nước mắt chảy dài, chị lại thấy thương cho cô gái trẻ kia, cũng là thương cho chính mình nên đã lặng lẽ gật đầu ngay sau đó. Vậy là một đám cưới không hoành tráng nhưng đầm ấm đã được tổ chức trên đất Lào, anh Lê Công Quả và chị Noy Philavong chính thức trở thành vợ chồng theo phong tục và nghi thức Lào.

Sau khi cưới nhau, anh Quả vẫn tiếp tục ở lại Lào sinh sống và dẫn duy trì tốt mối quan hệ với vợ con ở quê bằng cách đều đặn gửi tiền về và về thăm vợ con. Đến năm 2009, khi anh Quả và chị Noy đã có thêm 2 đứa con, kinh tế lúc này cũng tạm ổn, nghe theo lời đề nghị của vợ cả, họ đã đưa nhau về Huế sinh sống dưới cùng một mái nhà.

Ngôi nhà hạnh phúc

Hơn 10 năm nay nhiều người dân xung quanh vẫn thầm thán phục và cả ghen tỵ với ngôi nhà nhỏ được thiết kế theo phong thủy của Lào tại số 24 kiệt 56 đường Hải Triều, thành phố Huế. Ngôi nhà ấy có tới 8 thành viên, gồm 5 đứa con và 3 cha, mẹ nhưng chưa bao giờ chòm xóm nghe vợ chồng cãi vã hay con cái xích mích nhau bất cứ điều gì.

Tại ngôi nhà này, tôi đã được chứng kiến cảnh đầm ấm của những đứa con của anh Quả. Đứa con gái đầu của anh Quả với chị Noy đang vừa học vừa làm tại khu di lịch biển Lăng Cô, còn đứa đầu của anh Quả với chị Ngọ cũng đang theo học tại một trường đại học tại TP. Hồ Chí Minh, còn lại ba đứa đang học tại các trường phổ thông của Huế, đứa nào cũng ngoan ngoãn và học hành chăm chỉ, bằng chứng là giấy khen treo đầy nhà, trong đó có cả giấy khen của ngành giáo dục tỉnh Savannakhet (Lào) dành cho cô con gái thứ của anh Quả, chị Noy.

Trong khi chị Noy Phinavong đang tất bật ở Quán Lào chuẩn bị cho việc bán hàng buổi chiều thì chị Ngọ lại lúi húi chuẩn bị bữa cơm trưa cho đại gia đình ở nhà. Tâm sự với tôi, chị Ngọ cho hay, cũng buồn, cũng hờn giận và cả ghen tuông, đó là cảm xúc cần có của một người phụ nữ yêu chồng. Nhưng rồi tất cả đi qua nhanh khi mà chị cũng rất thương Noy, nhất là những năm tháng khổ cực của chồng nơi xa xứ đã được gia đình Noy giúp đỡ nên chị không ngại ngần dang rộng vòng tay đón nhận. Với vai trò là vợ cả, chị đảm nhận việc quán xuyến gia đình, chăm lo các con ăn học.

Với chị, chưa bao giờ chị có ý nghĩ phân biệt vợ lớn, vợ bé; khái niệm con riêng, con chung lại càng không bởi nếu vô tình hay cố ý làm vậy, sẽ tạo cho con cái một ý nghĩ không hay về cái gọi là mái ấm gia đình. Với chị và với mọi người trong ngôi nhà này, tất cả đều bình đẳng và đó cũng là bí quyết để giữ gìn hạnh phúc gia đình.
Anh Lê Công Quả hạnh phúc bên hai bà vợ.
Tại Quán Lào, tôi cũng đã được dịp tiếp kiến người con gái mang hương vị truyền thống của Lào đến cố đô. Gọi một món đặc sản của Lào, vừa nhâm nhi vừa chứng kiến bàn tay thoăt thoắt của người phụ nữ trong trang phục váy dân tộc truyền thống của đất nước Triệu Voi, lúc nướng, lúc thái, có lúc lại dzô với thực khách một ly rượu khiến tôi rất ấn tượng.

Giữa tất bật của công việc trong một buổi chiều mưa rất Huế, phát âm tiếng Việt lơ lớ, chị Noy Philavong chia sẻ, quyết định rời quê hương đất nước sang Việt Nam định cư là hơi táo bạo, nhưng chị cũng biết phong tục của người Việt là lấy chồng phải theo chồng nên chị đã không ngần ngại. Thứ nữa, chị cũng muốn về hẳn bên này để được gần gũi và “trả nghĩa” với chị cả Ngọ, Noy biết ơn chị ấy nhiều lắm.

Gần 4 năm rồi sống chung với nhau, ngôi nhà một chồng hai vợ và 5 đứa con mang hai dòng máu Lào – Việt ấy thực sự đầm ấm, họ chưa một lần cã vã, chưa một lần xích mích vì con chung, con riêng hay vợ lớn, vợ bé. Hiện, gia đình nhỏ, 8 người nhưng có đến hai quốc tịch (chị Noy Philavong và 2 con mang quốc tịch Lào, anh Quả và chị Ngọ, ba con mang quốc tịch Việt) đang thực sự là tổ ấm hạnh phúc, là khát khao, mơ ước của không ít người.
Chị Noy Philavong.
Về cơ duyên Quán Lào, được biết sau khi về Huế, để có thêm thu nhập, anh chị đã quyết định đầu tư để mở quán bán các món ăn dân tộc của Lào. Mục đích là phục vụ hơn 700 du học sinh Lào đang theo học tại các trường của đại học Huế và Trường Đại học Phú Xuân. Từ khi mở quán đến nay, lượng khách đến thưởng thức ngày càng đông.

Sau chút khó khăn về ngôn ngữ, đến nay mọi việc đã trở nên dễ dàng hơn khi chị Noy và đứa con thứ đã nói được một số tiếng Việt. Với 20 món ăn truyền thống dân dã của đất nước Lào, Quán Lào từ lâu thực sự là điểm đến quen thuộc của lưu học sinh Lào và du khách xa gần khi đến với kinh thành Huế.

Nhãn:

0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ