Ngành “hot” ngành oai hay ngành “số đông”?
Ông cho rằng sự phát triển của một đất nước phụ thuộc nhiều vào sự phát triển của các ngành công nghệ - kỹ thuật nhưng xem ra nỗ lực của các thầy không vào tai nhiều thí sinh.
Theo thống kê của Ban tổ chức một chương trình tư vấn - tuyển sinh hướng nghiệp diễn ra thường niên vào trước mùa thi tuyển sinh ĐH, CĐ thì trong khoảng 5 năm trở lại đây, số thí sinh quan tâm đến khối ngành kinh tế chiếm tỉ lệ áp đảo.
Cô giáo Bùi Thị Minh Nga, Phó hiệu trưởng trường THPT Trần Phú (Hà Nội), khẳng định: Trong số trên 700 học sinh lớp 12 của trường, có đến 85% học sinh đăng ký dự thi vào các trường ĐH khối kinh tế - tài chính, 15% còn lại đăng ký vào các khối ngành khác.
Tại các trường THPT Yên Hòa, Thăng Long, Phan Đình Phùng (Hà Nội), tỉ lệ chọn ngành cũng rơi vào tình trạng “cán cân lệch”: 80%-90% khối kinh tế - tài chính, 10% cho khối y, dược, công nghệ kỹ thuật.
Khối ngành ít được lựa chọn nhất là nông, lâm nghiệp, khoa học xã hội. Riêng các ngành khoa học xã hội, ngoài số thí sinh có năng lực trội hẳn và có sự đam mê thực sự thì nhiều thí sinh khác lựa chọn chỉ vì lý do đơn giản “không đủ khả năng thi đậu vào các khối trường khác”.
Nhiều chuyên gia tư vấn của các trường ĐH khẳng định: Yếu tố để đảm bảo thành công trong việc chọn nghề, ngoài năng lực, điều kiện học tập còn phải tính đến sự đam mê.
Nếu thiếu sự đam mê, hiệu quả học tập có thể không cao, sự gắn bó và hiệu quả làm việc sau này cũng bất ổn. Thế nhưng, khi chúng tôi phỏng vấn nhiều thí sinh về lý do chọn nghề thì thấy tiêu chí chọn nghề của các em lại là “theo số đông”, là “do bố mẹ” hoặc thấy nghề này có vẻ “oai”, có vẻ dễ xin việc và kiếm nhiều tiền...
Một số thí sinh khi được hỏi kỹ về những ngành nghề mình chọn lại chỉ hiểu lơ mơ. Và một lý do để nhiều thí sinh chọn ngành kinh tế cũng là vì “nó dễ hiểu hơn các ngành khác như công nghệ, kỹ thuật”.
Rốt cuộc, khi không hiểu kỹ, việc chạy theo số đông (tâm lý chung của cả phụ huynh và học sinh) là cách lựa chọn của nhiều người.
Chọn nhầm “điểm đến lý tưởng”
Thầy Nguyễn Hữu Dư, Phó hiệu trưởng trường ĐH Khoa học Tự nhiên - ĐH Quốc gia Hà Nội, cho rằng: Hiện nay, có rất nhiều ngành công nghệ kỹ thuật đang cần nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao. Nhưng thí sinh đăng ký dự thi vào không nhiều vì đa phần các em sợ học khó và khó xin việc.
Trong khi đó, theo lãnh đạo một trường ĐH khối kinh tế cho biết, khảo sát của nhà trường về sinh viên tốt nghiệp, chỉ có khoảng trên 50% có việc làm sau 1 năm tốt nghiệp, trong đó tỉ lệ làm đúng ngành nghề đã học còn ít hơn.
Cách đây khoảng 4-5 năm, khi ngành công nghệ thông tin đứng đầu bảng trong những ngành “hot”, nhiều thí sinh lao vào đăng ký ngành này.
Đa phần những trường đại học mới mở đều lấy ngành này làm xương sống. Nhưng khoảng 1-2 năm trở lại đây, “mốt” học công nghệ thông tin đã “hạ nhiệt” chỉ vì người tốt nghiệp công nghệ thông tin nhiều vô kể nhưng không phải ai cũng có việc làm ổn định, đúng nghề.
Không ít người xin được việc đúng ngành đều phải qua đào tạo lại, do nhà trường chỉ đào tạo cơ bản, ít tính ứng dụng.
Một biểu hiện chọn nghề theo phong trào nữa là việc đua nhau lao đơn vào ĐH. Bộ phận phụ trách tuyển sinh của nhiều trường THPT tại Hà Nội đều có nhận xét chung “99% học sinh lớp 12 đăng ký thi ĐH”.
Trường ĐH được xem là “điểm đến lý tưởng” của nhiều học sinh, trong khi đó, nhìn vào kết quả đậu ĐH, có những trường chỉ vài phần trăm học sinh lớp 12 đỗ.
Trong những người thi đỗ, số thành công trong học tập và công việc sau này còn ít hơn. Đây là nguồn cơn của việc làm trái ngành nghề, hiện tượng người có “mác” ĐH đi “tranh việc” của công nhân.
Việc chọn sai nghề, tạo nên những trào lưu ngành “hot” không hoàn toàn là lỗi của học sinh mà có cả sai lầm của cha mẹ, thầy cô và nhà tuyển dụng.
Nhãn: Sự nghiệp
0 Nhận xét:
Đăng nhận xét
Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]
<< Trang chủ