Quần áo

Quần áo

10 thg 5, 2011

Bà Trần Thị Vân Loan - “Chân thật và thân thiện để cùng phát triển”

Là “con nhà nòi”, nhưng khi tốt nghiệp Đại học Kinh tế TP.HCM, bà Trần Thị Vân Loan không về An Giang kế nghiệp ba mẹ mà quyết định làm việc ở một công ty đa quốc gia. Mãi đến khi công việc kinh doanh của gia đình gặp khó khăn chị mới quyết định trở về để từng bước đưa CL Fish đến thành công như ngày hôm nay...


* Trước tiên, xin chúc mừng bà vừa nhận giải thưởng Bông Hồng Vàng. Giải thưởng này có ý nghĩa như thế nào với Công ty và cá nhân bà?

- Đối với Công ty cũng như cá nhân tôi, giải thưởng Bông Hồng Vàng là một vinh dự lớn. Tôi rất vui, rất hạnh phúc khi nhận được giải thưởng này.

* Cơ duyên nào đã đưa bà đến với Công ty CL-Fish?

Tôi đến với CL-Fish cũng không có gì đặc biệt, bởi vì trước đây CL-Fish là công ty do ba mẹ tôi sáng lập. Nhưng cũng không hẳn là vậy, từ khi tôi bất đầu có suy nghĩ về công việc, chưa bao giờ tôi dự định về làm cho CL-Fish, một công ty gia đình.

Khi tốt nghiệp Đại học Kinh tế TP. HCM, tôi ở lại Sài Gòn và đi làm cho một công ty đa quốc gia, cho đến khi ba mẹ tôi gặp khó khăn, mới quyết định trở về. Nhiều khi tôi lại nghĩ đó cũng là duyên phận sắp đặt cho tôi phải phát triển CL-Fish.

* Nhìn lại chặng đường đã gắn bó với CL-Fish, bà thấy giai đoạn nào là khó khăn nhất? Bà đã cùng các cộng sự làm thế nào để vượt qua những khó khăn đó?

- Tháng 2/2005, CL-Fish đi vào hoạt động, thì cũng là lúc ngành thủy sản rơi vào giai đoạn vô cùng khó khăn, khi hai thị trường chính là Mỹ thì cấm nhập khẩu cá tra phi lê do bị kiện chống bán phá giá, châu Âu thì hạn chế và gần như không cấp Code mới cho các doanh nghiệp nhập thủy sản vào EU (gần 2 năm) do bị sự cố nhiễm Malachite green (một chất kháng sinh bị cấm sử dụng trong thủy sản).

Trong tình thế CL-Fish gần như đi vào bế tắt, chúng tôi quyết định lội ngược dòng bằng cách khai thác những thị trường châu Á mà nhiều người cho là ít tiềm năng, đồng thời xúc tiến mở thị trường mới là Trung Đông.

Thời điểm đó, phương án đưa sản phẩm vào thị trường Trung Đông là vô cùng táo bạo vì đây là thị trường rất mới, nơi mà hình như ít có doanh nghiệp nào dám nghĩ đến do sự bất ổn về chính trị, lại rất xa lạ với Việt Nam. Nhưng chính thị trường này đã mang lại thành công cho CL-Fish.

Năm 2006, Công ty là một trong 200 doanh nghiệp và thương nhân được trao giải thưởng “Doanh nghiệp xuất sắc năm 2006” (2006 Business Excellence Awards) của Ủy ban Quốc gia về Hợp tác kinh tế quốc tế.

Giải thưởng là kết quả của việc Công ty có giải pháp thị trường xuất khẩu tốt nhất. Năm 2007, thị trường châu Âu trở lại bình thường, thị trường Mỹ cũng bất đầu hé mở.

Năm 2008, một lần nữa CL-Fish lại rơi vào khó khăn do khủng hoảng kinh tế thế giới. Nhà nước liên tục đưa ra những chính sách thắt chặt tiền tệ, lãi suất tăng cao đột biến, tình hình cạnh tranh gay gắt của ngành, tình trạng các doanh nghiệp trong nước cạnh tranh nhau làm giảm giá một cách không cần thiết các sản phẩm cá tra, cá ba sa.

Cùng với áp lực vốn vay và trả lãi ngân hàng, cộng thêm tình hình không ổn định ở một số thị trường lớn như Nga, Ả Rập Xê Út, Ai Cập... Những thị trường này lúc thì cấm nhập khẩu cá tra, cá ba sa Việt Nam, lúc thì cho phép nhập trở lại, đã ảnh hưởng lớn đến ổn định sản xuất, dự toán nguyên liệu và kinh doanh của Công ty.

Tôi đã phải suy tính rất nhiều trong việc thực hiện các dự án đang xây dựng (phân xưởng 2, mở rộng vùng nuôi...), đề ra các phương án sản xuất, kinh doanh cho phù hợp với tình hình bằng cách nổ lực tìm kiếm đối tác, sắp xếp lại nhân sự, vận động cán bộ - công nhân viên thay đổi phương pháp quản lý để làm sao chi phí đúng với với sản phẩm làm ra.

Tổng kết năm 2008, mặc dù trải qua nhiều khó khăn, nhưng thành quả mà Công ty đạt được là rất khả quan: sản lượng xuất khẩu đạt 12.700 tấn thành phẩm; doanh thu 649,13 tỷ đồng, tăng 14% so với năm 2007; lợi nhuận sau thuế đạt 70,56 tỷ đồng, tăng 25,78% so với năm 2007.

Năm 2010 được coi là năm gặp nhiều khó khăn của ngành thủy sản, nhất là đối với cá tra xuất khẩu. Việc đồng EUR mất giá so với USD khiến các nhà nhập khẩu không tích cực mua hàng dự trữ và ép mua cá tra với giá thấp để bù đắp vào phần lợi nhuận bị thu hẹp; lãi suất ngân hàng tăng, giá cả vật tư đầu vào cũng tăng cao đã đẩy giá thành sản xuất lên đáng kể.

Trong nước, hầu hết các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản đều rơi vào tình trạng “đói nguyên liệu”. Khan hiếm nguyên liệu đã đẩy giá thu mua lên cao, khiến doanh nghiệp khó khăn trong việc thực hiện các hợp đồng xuất khẩu.

Bên cạnh đó, một số thị trường chính của cá tra xuất khẩu Việt Nam tiếp tục dựng hàng rào kỹ thuật đã gây khó khăn cho hoạt động xuất khẩu thủy sản nói chung.

Tuy nhiên, điều đáng chú ý nhất là việc cá tra Việt Nam bị Quỹ Quốc tế Bảo vệ thiên nhiên (WWF) đưa vào vào "danh sách đỏ" khuyến cáo người tiêu dùng châu Âu không nên sử dụng.

Càng khó khăn, chúng tôi càng phải bản lĩnh hơn, quyết đoán hơn để phấn đấu vượt qua mọi trở ngại. Tôi xác định vẫn duy trì sản lượng xuất khẩu vào thị trường cũ, đồng thời khai thác phần khúc thị trường cao cấp với những sản phẩm sạch, chất lượng cao hơn so với bình thường, như một cam kết phát triển bền vững.

Bên cạnh đó, để giảm thiểu tối đa rủi ro khi tập trung vào một thị trường cơ bản, định hướng phát triển của CL-Fish là vẫn đảm bảo việc duy trì sản lượng xuất khẩu tại thi trường chính và tăng sản lượng xuất khẩu vào các thị trường lớn khác.

Hiện nay CL-Fish đang áp dụng hệ thống quản lý chất lượng rất có hiệu quả và sản phẩm của Công ty được nhiều cơ quan chức năng chứng nhận đạt tiêu chuẩn an toàn thực phẩm. Do vậy, rủi ro về việc thay đổi yêu cầu của thị trường xuất khẩu được giảm thiểu.

Để chủ động nguồn cung ứng nguyên vật liệu sạch đáp ứng quy mô sản xuất và đảm bảo cung ứng đủ sản phẩm chế biến cho các thị trường EU, Mỹ, Trung Đông, CL-Fish triển khai chuỗi liên kết dọc từ sản xuất thức ăn, con giống, nuôi, chế biến và tiêu thụ theo mô hình khép kín.

Công ty đã đầu tư vùng nuôi cá tra sạch khoảng 100ha theo tiêu chuẩn GlobalGap tại tỉnh Đồng Tháp, An Giang..., do đó nguồn cung ứng nguyên liệu cá tra của Công ty trong thời gian tới sẽ rất ổn định.

Tổng kết năm 2010, vượt qua khó khăn do biến động của thị trường, giá cả, diễn biến bất thường của thời tiết và nhiều rào cản trên các thị trường tiêu thụ thủy sản, Công ty vẫn hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Kim ngạch xuất khẩu của CL-Fish năm 2010 là 50 triệu USD.

* Theo bà, đâu là những cột mốc đánh dấu sự phát triển của Công ty từ khi thành lập đến nay? Cá nhân bà đã học hỏi và được kế thừa những gì từ những người lãnh đạo đi trước?

- Có một vài cột mốc đánh dấu sự phát triển của CL-Fish như: năm 2006 khai thác và phát triển thị trường Trung Đông và châu Âu. Năm 2007 niêm yết tại sàn giao dịch chứng khoán. Năm 2009 đưa vào khai thác nhà máy thứ 2, nâng tổng công suất chế biến lên 250 tấn nguyên liệu/ngày, nâng tổng số lao động lên 3.000 người.

Có được thành quả như ngày hôm nay, chúng tôi đã phải vượt qua rất nhiều khó khăn ngay từ những ngày đầu mới thành lập như đề cập ở trên. Tại thời điểm đó, các doanh nghiệp lớn hơn còn phải vất vả huống chi chúng tôi.

Nhưng CL-Fish đã có thành công ngoài mong đợi, chỉ riêng lợi nhuận năm 2006 là 36 tỷ đồng. Kể từ đó đến nay CL-Fish luôn có mức tăng trưởng vượt chỉ tiêu đề ra hàng năm về doanh thu và lợi nhuận.

Từ những ngày đầu mới thành lập Công ty, tôi đã giữ vai trò như một CEO, nhưng tôi đã thừa hưởng từ ba tôi tính kiên trì, học hỏi ở chồng cách xử lý công việc khoa học. Bản thân tôi luôn không ngừng học hỏi và đúc kết những gì đi qua.

Cho dù là chuyện vui, chuyện buồn, hay khó khăn trong kinh doanh, tôi đều xem đó như những kinh nghiệm quý báu. Tôi luôn tạo mọi việc sao cho cuộc sống của mình thực sự thoải mái, tự tại, từ công việc đến gia đình.

Bởi vì, tôi nghĩ cuộc sống chỉ có ý nghĩa khi mình thấy vui vẻ, hạnh phúc, mà vui vẻ hay hạnh phúc tùy thuộc vào cách mình nhìn nhận vấn đề. Trong cuộc sống thường ngày tôi gần như rất đơn giản và dễ tính, nhưng khi vào việc, tôi luôn đòi hỏi ở nhân viên mình rất cao, thậm chí cầu toàn, nhưng bây giờ tôi đã đỡ hơn trước rất nhiều rồi!

* Hiện tại, đâu là lợi thế cạnh tranh của CL - Fish so với các đơn vị cùng lĩnh vực? Sản phẩm chủ đạo và những thị trường chính mà Công ty đang khai thác hiện nay?

- Lợi thế cạnh tranh của CL-Fish là nhà máy với dây chuyền sản xuất hiện đại bậc nhất, cùng 3.000 lao động lành nghề và đội
ghiệp trong cách làm việc. Có vùng nuôi lớn đáp ứng đầy đủ nguyên liệu cho sản xuất.

Áp dụng mô hình quản lý và kiểm soát chất lượng theo những tiêu chuẩn quốc tế như ISO, HACCP, IFS, ISO 22000, BRC, Halla... tức gần như đáp ứng được tất cả các yêu cầu khắt khe nhất của những thị trường khó tính nhất.

CL-Fish là một trong rất ít doanh nghiệp có giấy phép xuất khẩu vào Brazil. Đặc biệt, trong năm 2011, CL-Fish vừa thành công trong vụ kiện chống bán phá giá vào Mỹ và giành được quyền xuất khẩu vào Mỹ với thuế suất 0%. Đây là thành quả mà chúng tôi đã mất hai năm cùng với khá nhiều chi phí để đạt đựơc mức thuế này.

* Phương châm kinh doanh của bà là gì? Bà nghĩ gì về trách nhiệm công dân của một doanh nhân?

- Tôi luôn chân thật và thân thiện để chắc lọc những đối tác cũng thân thiện và chân thật, qua đó cùng nhau phát triển và trở thành bạn bè. Hiện nay, việc gặp gỡ đối tác của tôi gần như là gặp gỡ bạn bè, chúng tôi thực sự đã không còn khoảng cách và áp lực giữa người bán và người mua, chia sẽ hỗ trợ qua lại để cùng phát triển.

Là một doanh nhân, tôi luôn đặt trách nhiệm lo đầy đủ ấm no cho 3.000 lao động, kế đến là hoàn thành nghĩa vụ thuế với nhà nước. Vì thế, mỗi năm CL-FISH đều được tuyên dương thực hiện tốt nghĩa vụ thuế.

Hằng năm, Công ty dành hàng tỷ đồng để làm từ thiện. Tôi cũng đặc biệt coi bảo vệ môi trường là một trong những điều kiện phát triển bền vững bằng cách giảm thiểu các tác động gây ô nhiễm môi trường, hướng đến công nghệ sạch. Công ty đã đầu tư trên 5 tỷ đồng để xây dựng hệ thống xử lý nước thải 1.500 m3/ngày...

* Từ khi tham gia điều hành Công ty đến nay, quyết định nào của bà là “đáng gíá” nhất?

Từ ngày đầu gia nhập CL-Fish, tôi đã thuyết phục ba tôi và gia đình cho tôi toàn quyền quyết định cho sự sống còn của Công ty trong lúc hết sức khó khăn và yêu cầu cho tôi một năm để thực hiện, nếu không làm cho CL-Fish phát triển, tôi sẽ ra đi, mặc dù lúc đó tôi hoàn toàn không có kinh nghiệm điều hành một doanh nghiệp có quy mô lớn.

Sau một năm, từ một công ty đang đứng trước bờ vực phá sản, tôi đã đưa CL-Fish trở thành một trong 6 công ty xuất khẩu cá tra lớn nhất Việt Nam (theo bảng xếp hạng của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam - VASEP năm 2010), với những khoản lợi nhuận mà không phải doanh nghiệp cùng ngành nào cũng có được!

* Bà đã dung hòa giữa công việc và gia đình bằng cách nào?

- Ngoài công việc, tôi luôn đơn giản hóa mọi thứ. Khi mới tiếp quản CL-Fish, những năm 2005, 2006, có khi tôi phải làm việc từ 12 đến 14 tiếng mỗi ngày.

Nhưng khi đã đưa được Công ty đến thành công thì tôi ít khi thấy mình bị áp lực, bởi như tôi đã nói, tôi thường sống đơn giản, làm việc theo khả năng, tôi không làm gì quá tầm kiểm soát của mình, và đặc biệt không thích người khác tâng bốc mình.

CL-Fish là công ty chuyên về lĩnh vực chế biến thuỷ sản, có quy trình sản xuất khép kín, trong đó cá tra phi lê đông lạnh và sản phẩm giá trị gia tăng làm từ fillet cá tra là mặt hàng chủ lực.

Hiện nay, sản phẩm của CL-Fish có măt tại hơn 70 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới với những thị trường chính là Trung Đông, châu Âu, Nam Mỹ... và sắp tới là thị trường Mỹ.

Mục tiêu mà Công ty hướng tới là trở thành công ty hàng đầu Việt Nam về xuất khẩu cá tra, cá basa...

Tôi cũng không bao giờ mang công việc về nhà, trừ khi có những việc hết sức khẩn cấp. Lúc rảnh rỗi tôi cũng thích tự mình nấu ăn cho cả nhà và những người bạn thân.

Ngoài giờ làm việc tại Công ty, gần như toàn bộ thời gian còn lại tôi sống cho gia đình. Tôi may mắn có một gia đình hạnh phúc mà nhiều bạn bè ngưỡng mộ, không phải ngưỡng mộ về sự sung túc mà ngưỡng mộ sự vui vẻ, đầm ấm.

Tôi cũng may mắn có người chồng giỏi giang, biết chia sẻ và cũng là một đồng sự trong công việc cùng hai cô con gái ngoan ngoãn, dễ thương. Đôi lúc nghĩ lại, tôi thấy mình được ông trời ưu ái quá nhiều

* Là ngưới lãnh đạo Công ty, bà đã có sự chuẩn bị gì cho đội ngũ kế thừa?

Ở tuổi 40, tôi nghĩ mình còn nhiều thời gian cho sự chuẩn bị này, nhưng nói như vậy không phải là tôi không chuẩn bị. Như đã nói, tôi làm việc ít khi gặp áp lực là do có đội ngũ quản lý rất chuyên nghiệp.

* Rất cám ơn bà về buổi trò chuyện này!

Theo PHƯƠNG NAM (Doanh Nhân Sài Gòn)

Nhãn:

0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ