Quần áo

Quần áo

22 thg 11, 2010

Trẻ đóng bỉm kéo dài: Giảm chức năng tinh hoàn

Chất lượng của bỉm, tã giấy gây các bệnh lý ngoài da cho bé gái, đặc biệt giảm chức năng tinh hoàn ở bé trai.

Theo bác sĩ nhi, bên cạnh những bệnh lý ngoài da như viêm da, hăm, bỏng rát, đóng bỉm kéo dài còn gây nhiễm khuẩn đường tiểu, viêm âm đạo (ở bé gái) và giảm chức năng tinh hoàn (ở bé trai). Những bệnh lý này thường liên quan nhiều tới chất lượng của bỉm, tã giấy.

Tổn thương sức khỏe cho bé

Ths.BS Ngô Anh Vinh, Khoa Cấp cứu, BV Nhi TƯ cho biết, nhiều bệnh nhi đến BV khám trong tình trạng viêm da với triệu chứng ngứa, bỏng rát, nổi mẩn đỏ. Nguyên nhân là bé phải đóng bỉm liên tục 24/24h từ ngày này sang ngày khác. Khi đóng bỉm thường xuyên, các vùng da ở kẽ bẹn, kẽ mông trở nên bí bách, cộng với nước tiểu ứ đọng sẽ làm tổn thương lớp biểu bì phía trên. Đây là điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn, vi nấm xâm nhập vào trong da và gây bệnh.



Cũng theo BS Vinh, các bà mẹ khi phát hiện da bé có dấu hiệu mẩn đỏ cần phải ngừng đóng bỉm và đi khám bác sĩ da liễu ngay. Nếu không sẽ dẫn đến nguy cơ mắc bệnh viêm da do tã lót hoặc do nấm candida. Đối với các bé gái, viêm kẽ bẹn do nấm candida không được điều trị dứt điểm, nấm sẽ ăn lan ra gây viêm âm đạo. Ở những gia đình có tiền sử về các bệnh cơ địa như viêm da cơ địa, viêm mũi dị ứng, hen phế quản sẽ có nguy cơ tổn thương vì bỉm, tã giấy cao hơn.
Nên:
- Khi thay bỉm cần lau rửa nhẹ nhàng vùng bẹn và mông của trẻ bằng nước ấm.
- Mùa hè chỉ đóng bỉm lúc đi ngủ. Nên thay bỉm 4h/lần.
- Ở các nếp gấp, kẽ, nên xoa dầu hoặc kem dưỡng da dành riêng cho bé nhằm tạo lớp bảo vệ không cho nước tiểu và phân ngấm vào da.
- Nếu trẻ bị viêm da phải dừng ngay việc đóng bỉm, làm thoáng khô và sạch vùng da bị viêm.
Không nên:
- Thoa phấn lên vùng hăm bỉm vì sẽ làm lỗ chân lông bị bít lại, không thoát mồ hôi gây kích ứng da.
- Khi rửa vùng đeo tã tránh kỳ cọ quá mạnh, để khô mới đóng bỉm lại. Tránh quấn bỉm quá chặt.
- Không nên thử nghiệm với nhiều loại bỉm mà chỉ nên dùng một loại thích hợp nhất với bé.
(Theo tư vấn của BS Ngô Anh Vinh, BV Nhi TƯ)
Khi không thay bỉm thường xuyên bé còn bị nhiễm khuẩn đường tiểu. Vì đóng bỉm, phân và nước tiểu dễ lẫn vào nhau, tăng nguy cơ nhiễm trùng do phân chui lên đường tiểu. Nhiễm khuẩn đường tiểu thường gặp ở các bé gái, vì vi khuẩn dễ xâm nhập ngược theo niệu đạo lên bàng quang gây viêm bàng quang. Từ bàng quang có thể theo niệu quản lên thận gây ra viêm đài bể thận.
Trẻ nhiễm khuẩn đường tiết niệu thường để lại những vết đục khi nước tiểu khô. Nhưng điều này lại ít được các bà mẹ phát hiện vì khi tháo bỉm, họ thường vứt đi ngay mà không quan sát. Vì vậy, các bác sĩ khuyến cáo, chỉ nên đóng bỉm cho trẻ vào buổi tối. Nên hạn chế bắt trẻ đeo bỉm khi trời nóng và nên thay thường xuyên cho bé, trung bình khoảng 4 giờ/lần.

Ngoài ra, một số nghiên cứu khác cũng chỉ ra rằng, dùng bỉm thường xuyên và kéo dài có thể có hại cho tinh hoàn. Khi dùng bỉm kéo dài, tạo thành môi trường giữ nhiệt làm nhiệt độ của tinh hoàn cao hơn bình thường. Trong khi đó, tinh hoàn luôn ở trong môi trường nhiệt độ thấp hơn cơ thể. "Nếu nhiệt độ của tinh hoàn cao hơn bình thường sẽ làm ảnh hưởng đến chức năng của tinh hoàn", BS Anh Vinh nói.

Chất lượng bỉm bị thả nổi

Theo bà Trần Thị Tâm, Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, mặc dù bỉm, tã giấy là đồ dùng hàng ngày của trẻ em, nhưng việc quản lý chất lượng mặt hàng này hầu như không được quan tâm. Thực tế đã cho thấy, nhiều trẻ em bị viêm nhiễm, tấy đỏ, mẩn ngứa, phát ban, bỏng rát do sử dụng bỉm bị nhiễm vi khuẩn hoặc không đạt tiêu chuẩn khử trùng.
Lý do chính là thị trường hiện có rất nhiều bỉm nhái những thương hiệu nổi tiếng. Bà Tâm cũng cho rằng, mặt hàng bỉm, tã giấy do doanh nghiệp tự công bố, tự chịu trách nhiệm chất lượng chứ không thuộc diện mặt hàng do Nhà nước quản lý tiêu chuẩn. Chất lượng bỉm, tã giấy nằm trong tay doanh nghiệp, tùy thuộc vào "lương tâm nghề nghiệp" và "đạo đức kinh doanh" của doanh nghiệp đó.

Theo ông Nguyễn Phương Nam, Phó Cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) thời gian qua Cục đã có nhiều buổi làm việc với cơ quan chức năng như quản lý thị trường một số tỉnh và được biết, bỉm, tã giấy không thuộc mặt hàng quan tâm hàng đầu của các cơ quan này. Hơn nữa, chưa có quy định, quy chuẩn nào về chất lượng bỉm, tã giấy nên việc kiểm tra phát hiện những sai phạm, hàng giả, hàng kém chất lượng rất khó thực hiện.

Theo TS Vũ Thị Bạch Nga, Trưởng ban Bảo vệ người tiêu dùng, Cục Quản lý cạnh tranh, thực trạng chất lượng bỉm hiện nay đang là vấn đề bức xúc đối với xã hội và công tác quản lý nhà nước. Vì chất lượng bỉm này liên quan trực tiếp đến sức khỏe, nhất là của trẻ em.
Hiện nay, trên thị trường có hàng chục nhãn hiệu bỉm, tã giấy cho trẻ từ sơ sinh đến trưởng thành, nhưng chất lượng các sản phẩm này đều do doanh nghiệp tự công bố, tự chịu trách nhiệm. "Chưa có một quy định tiêu chuẩn trong nước hay quốc tế về chất lượng bỉm nên rất khó để bảo vệ người tiêu dùng", bà Bạch Nga nói.
Vân Khánh

Nhãn:

0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ