Quần áo

Quần áo

19 thg 11, 2010

Kinh hãi thôn “tử thần”

Vụ đột tử tại lò gạch của gia đình ông Nguyễn Văn Tý (thôn Lai Sơn, xã Bắc Sơn, Sóc Sơn) đang khiến người dân ở nhiều địa phương bị sốc.

Chính quyền địa phương tuy biết nguyên nhân nhưng đang "đau đầu" vì chưa tìm được lối thoát.

Tử thần nhả khói

Các lò gạch tại thôn Lai Sơn, xã Bắc Sơn, Sóc Sơn (Hà Nội) đã hoạt động từ những năm 1963. Mỗi năm, các lò gạch vẫn xuất hiện theo "cấp số cộng" khiến sức khỏe người dân nơi đây bị đe dọa nghiêm trọng.
Theo thống kê của chính quyền xã Bắc Sơn, có tới 99 hộ dân đang sản xuất gạch cùng hơn 1.000 lao động đang làm việc tại đây. Chính quyền xã vẫn đang thực sự bế tắc trong việc giải quyết đầu ra cho số lao động đông đảo này khi các lò gạch thủ công bị phá bỏ

Mọi việc lên đến đỉnh điểm khi sáng ngày 15/11/2010, 3 nạn nhân đã tử vong vì khói gạch. Người dân ở thôn Lai Sơn, hoảng hốt khi thấy khói từ lò gạch nhà anh Nguyễn Văn Tý bốc lên đặc quánh, mùi khét khác thường. Làng xóm chạy đến thì đã có 5 người ngất xỉu.
Mặc dù được cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa huyện Sóc Sơn nhưng chiều hôm đó, ông Nguyễn Văn Tý (chủ lò), Nguyễn Văn Hiệp (con trai chủ lò), Vũ Văn Bình (em rể chủ lò) đã thiệt mạng vì bị ngộ độc khí than. Riêng anh Nguyễn Văn Trung (con rể chủ lò) hiện vẫn đang phải cấp cứu ở bệnh viện.

Theo những "lão làng" trong nghề "thổ mộc", nguyên nhân tử vong là do ông Tý không có kinh nghiệm. Dân sành sỏi không ai xây nhà gần lò gạch cả. Bởi lẽ, nếu không đột tử vì ngộ độc khí than, người nhà cũng chết dần chết mòn vì các bệnh tật do khói bụi mang tới. Theo nhiều người dân, hôm đó do trời có sương mù dày đặc, khói lò gạch không thoát lên cao được khiến các nạn nhân tử nạn.

Tiếp xúc với người dân ở đây, họ đều tỏ ra hoang mang vì vụ đột tử trên. Tuy từ đầu năm 1963 đến nay, đây là vụ đột tử đầu tiên nhưng sức phá hoại của khói than đã hoành hành vài chục năm nay. Trong làng, mọi người ở trong nhà thì phải đóng chặt cửa. Cứ hễ đi ra đến ngoài đường, người dân ở đây phải ăn mặc như "ninja" để tránh thứ bụi đen kịt, đặc quánh ngày đêm tuôn ra từ hàng trăm lò gạch. Cây cối hoa màu bị úa táp, gia súc, gia cầm nuôi cũng còi cọc, hay bị bệnh dịch.
Chết cũng không bỏ lò

Ngoài Bắc Sơn, tại xã Tam Thuấn, huyện Phúc Thọ, Hà Nội tình trạng lò gạch đua nhau nhả khói cũng tương tự. Hầu hết các lò ở đây (hàng chục lò) đều không thực hiện các quy trình trong sản xuất gạch, xử lý khí thải ra môi trường. Lúa, hoa màu, cây trồng lâu năm cũng vì khói gạch mà bị phá hủy trầm trọng. Sức khỏe của người dân, trong đó có người già, trẻ em và phụ nữ mang thai bị ảnh hưởng. Nhiều người đã mắc các chứng bệnh tức ngực, cay mũi, nhức đầu, ho khan... Trong địa bàn xã cũng đã có người tử vong vì ung thư phổi.

Không những thế, việc các chủ lò đặt máy hút cát từ kênh Cẩm Đình - Hiệp Thuận lên sử dụng cũng khiến việc tưới tiêu nông nghiệp bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Lòng kênh bị khoét sâu hơn lòng mương, vì vậy nước không thể theo chảy vào tưới tiêu đồng ruộng được. Không những thế, nhà cửa, tường rào của người dân xung quanh bờ kênh cũng bị lún, nứt nhưng chẳng có ai đứng ra chịu trách nhiệm.

Theo người dân, các phòng chuyên môn của UBND huyện Phúc Thọ cũng đã tiến hành đo mức độ ô nhiễm từ các lò gạch. Tuy nhiên, việc đo đạc chỉ được tiến hành vào 12 giờ trưa, lúc trời nắng quang nên cũng không phản ánh được thực trạng ô nhiễm.

Chúng tôi đến xã Khai Thái, Phú Xuyên cũng vẫn thấy các lò đua nhau nhả khói. Vụ sập lò làm chết 6 người cách đây 3 năm vẫn không khiến người dân ở đây bỏ nghề. Theo họ, đi làm thuê cho các lò gạch cũng kiếm được từ 120 - 150 ngàn mỗi ngày. Thu nhập cao hơn rất nhiều so với sản xuất nông nghiệp nên họ vẫn nhắm mắt làm liều. Theo UBND xã Khai Thái, hàng trăm lao động đang phụ thuộc nguồn sống vào các lò gạch trên. Vậy nên giải pháp duy nhất của chính quyền xã bây giờ là hướng chủ lò gạch bắt tay vào làm lò gạch tuynel và hỗ trợ họ về vốn.
- Ông Tạ Hồng Thái, Chủ tịch UBND xã Bắc Sơn cho biết chính quyền đã sử dụng nhiều biện pháp để người dân phá lò gạch cũ để chuyển hướng sang gạch tuy nel và gạch không nung. Mặc dù tiến hành triệt để nhưng mức phạt hành chính chỉ đến 2 triệu đồng nên người dân "bỏ qua".
- Theo ông Nguyễn Văn Nguyệt, Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn, Hà Nội, sau vụ 3 người đột tử ở xã Bắc Sơn, huyện đã ra văn bản yêu cầu địa phương chấm dứt ngay hoạt động của các lò gạch thủ công. Tuy nhiên, việc này không thể ngày một ngày hai mà thực hiện được. Bởi lẽ, đời sống của hàng ngàn lao động trên địa phận huyện Sóc Sơn vẫn đang trông chờ vào các lò gạch.
Trước mắt, huyện sẽ kêu gọi các nhà đầu tư, chuyên gia công nghệ về gạch tuynel đến giúp đỡ người dân địa phương. Theo tính toán, phải đến hết năm 2012, các lò gạch thủ công trên địa bàn huyện mới bị xóa sổ hoàn toàn.
Kim Tiến

Nhãn:

0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ