Quần áo

Quần áo

2 thg 9, 2010

Nhan sắc sau song sắt: Bước trượt bi đát của 2 kiều nữ

"Sau này ra tù con có đi lắc nữa không?". Hằng bảo: "Con sợ đến già rồi!".

Trong một buổi sáng đầy nắng ở vườn hoa của trại giam Xuân Nguyên (Hải Phòng), chúng tôi có buổi trò chuyện đẫm nước mắt với 2 cô gái trẻ đến từ Bắc Ninh và Quảng Ninh. Họ giống nhau ở chỗ: Vào tù khi chưa đến tuổi thành niên, cả 2 đều có hoàn cảnh gia đình rất éo le, bi đát. Hằng thì chìm đắm trong những cuộc chơi thâu đêm với thuốc lắc. Còn Dung, năm 13 tuổi đã sống đời lang bạt kỳ hồ cùng đám bạn trai hư hỏng...

Từ trường học đến trường đời

Dung chia sẻ: "Em thầm cảm ơn cái ngày em bị bắt. Nếu còn tiếp tục ở ngoài đời, không biết đám bạn "bụi đời" kia đã dẫn em đi đến đâu? Vào trại giam, cuộc sống khắc nghiệt và chứng kiến nhiều hoàn cảnh, số phận đặc biệt quanh mình, em mới thấy rằng biến cố của đời mình thực ra chẳng là gì so với nhiều người”.

Năm 14 tuổi, Nguyễn Thị Phương Dung bị bắt khi đang tham gia một vụ cướp táo tợn ở Hưng Yên. Xét mức độ phạm tội nghiêm trọng của Dung cùng 9 tên đồng bọn, họ đưa Dung về cải tạo giáo dục ở trại giam Hoàng Tiến (Hải Dương) từ năm 2006 đến nay.
Gặp chúng tôi bên lề sân khấu "Tiếng hát tình đời" Dung sung sướng khoe: "Em sắp được đặc xá rồi đấy chị nhé! Hôm chuẩn bị đi thi văn nghệ, cán bộ quản giáo có khen em có ý thức cải tạo tốt. Trại đã đề xuất tên em trong danh sách đặc xá tha tù dịp 2/9 năm nay rồi!". Cô gái 18 tuổi, nước da trắng nõn, gương mặt bầu bĩnh, không giấu nổi sự sung sướng ngời lên trong ánh mắt. Dung đưa mắt nhìn quanh, như muốn kiếm tìm sự đồng cảm nào nào đó.
Một cán bộ quản giáo nữ ngồi cạnh chúng tôi, nở nụ cười chia sẻ: "Cô bé này nhỏ tuổi nhất trong đội văn nghệ của trại giam Hoàng Tiến và cũng là nữ phạm nhân "nhí" nhất của chúng tôi đấy! Ngoan lắm, rất thông minh, ưa hoạt động và đặc biệt là rất nhạy cảm, vậy mà...".




Năm 14 tuổi, Nguyễn Thị Phương Dung bị bắt
khi đang tham gia một vụ cướp táo tợn ở Hưng Yên.
Thoáng vui, rồi lại chợt buồn sau câu nói, "vậy mà" của người quản giáo. Tôi nhận thấy đâu đó phảng phất nỗi xót xa, khi chị đặt mình vào tâm thế của một người mẹ đối với con mình. Dung đã không có diễm phúc được ở bên mẹ trong khoảnh khắc "dậy thì" của đời con gái.
Rất buồn, Dung kể về gia đình: "Bố mẹ li hôn khi em còn nhỏ. Hồi đó em được về sống ở Đình Bảng (Bắc Ninh) cùng bố, có rất nhiều bạn nhỏ bắt đầu kháo nhau về sự hấp dẫn của trò chơi điện tử. Em thường giết thời gian trong những quán Internet, có lần trốn học và vùi đầu vào game, chát chít cùng đám bạn ảo. Lâu dần, em bị "nghiền net” lúc nào không biết. Càng đến gần với thế giới ảo, cuộc sống thực càng xa rời em. Những trận đòn, sự nhiếc móc của người lớn, bỗng biến cuộc sống gia đình em trở thành "địa ngục". Em cô đơn khi về nhà, nhất là lúc thấy cơ thể mình khang khác. Chỉ lờ mờ nhận ra, "hình như mình đang trở thành thiếu nữ?". Một mình loay hoay với những thay đổi của tâm, sinh lý, em thậm chí chẳng biết phải làm sao khi có kinh. Và cái cảm giác bơ vơ một mình, trong lúc mình 12 - 13 tuổi, làm em thấy cuộc sống này quá bất công với mình".
Sự sa ngã của Dung cũng bắt đầu từ đó. Em không giấu nổi gia đình, bởi sự sa sút trong học tập năm lớp 6, liên tục được nhà trường thông báo về nhà.
Trong chuỗi thời gian dài cô bé 13 tuổi sống khép mình, sự cô đơn đã cuốn cô vào cuộc sống lang bạt. "Chẳng nhẽ bố, mẹ em không nhận ra những thay đổi ấy?" - Tôi hỏi. Dung đắng chát nói: "Giá mà họ biết, kéo em lại thì đâu đến nỗi. Sau biến cố đầu tiên, em trở về từ một vụ cướp với đám bạn trai quen trên mạng, thèm được vùi đầu vào ngực mẹ mà khóc cho thỏa. Nhưng mẹ không hiểu, chẳng ai hiểu, thẳm sâu tim em, không muốn trở thành một đứa trẻ hư hỏng. Nhìn người lớn chỉ mải mê kiếm tiền, em thấy mình thừa ra, cô đơn tột độ. Đó là khoảnh khắc em quyết tâm bỏ nhà ra đi. Sống lang thang nay đây, mai đó với đám bạn xấu. Bọn em sống bầy đàn, tự do, không ai kiểm soát, dạy dỗ. Kế sinh nhai của cả bọn lúc đó là "cướp, giật, trấn lột và trộm cắp".

Màn biểu diễn văn nghệ của các phạm nhân trong trại giam.

Bước qua thời thiếu nữ
Dung rất xinh, cái vẻ hồn hậu của một cô gái quê mùa hiện rõ trên khuôn mặt đầy đặn. Vì sự hồn nhiên, trong sáng ấy, cô tạo được niềm tin cho các thầy, cô quản giáo ở trại giam Hoàng Tiến. Với những phạm nhân lớn tuổi khác, Dung nhận được sự ân cần, dạy bảo như con cái họ.
Phạm nhân Vũ Duy Hải, Đội trưởng Đội văn nghệ phạm nhân trại giam Hoàng Tiến nhận xét: "Tôi coi cháu Dung như con gái mình, phần vì con gái tôi cùng tuổi với nó, phần vì tôi muốn cháu giữ được cái tâm thiện, sau này ra đời có thể làm lại từ đầu".
Hỏi về những khó khăn khi lớn lên, bước qua thời thiếu nữa trong môi trường tù tội, Dung chia sẻ: "Em thầm cảm ơn cái ngày em bị bắt. Nếu còn tiếp tục ở ngoài đời, không biết đám bạn "bụi đời" kia đã dẫn em đi đến đâu? Vào trại giam, cuộc sống khắc nghiệt và chứng kiến nhiều hoàn cảnh, số phận đặc biệt quanh mình, em mới thấy rằng biến cố của đời mình thực ra chẳng là gì so với nhiều người. Bố, mẹ thay phiên nhau vào thăm em. Mọi người đều nhận ra thiếu sót của mình. Em cũng thế. Có lẽ thời gian lắng đọng, sự nhận thức đã lớn dần lên và em cứng cỏi hơn khi bước qua thời thiếu nữ ở nơi này. Không có mẹ, những người quản giáo đối xử với em như con của họ. Em được bảo bọc, được yêu thương ngay trong trại giam, nên thấy nếu xa nơi này thì sẽ nhớ lắm".
Tôi không hình dung nổi sự lưu luyến của Dung, cô gái xinh đẹp độ tuổi 18 xuân xanh, từng trải qua thời niên thiếu trong trại giam sẽ ra sao? Nhưng nhớ mãi giọt nước mắt tiếc nuối, đoạn cô kể đến chi tiết, "em khéo léo cất gọn sách vở lớp 6, vào ngăn tủ, nhét mấy bộ áo quần vào cái túi bóng, rồi bỏ nhà đi bụi...".
Sáng hôm đó, cán bộ quản lí hồ sơ của trại giam Xuân Nguyên đã lục tìm trong chồng hồ sơ quản lí phạm nhân, họ đưa cho chúng tôi xem lí lịch một cô gái có hoàn cảnh tương tự phạm nhân Dung. Chỉ khác là Lê Thị Hằng, phạm nhân của trại giam Xuân Nguyên, chưa được đề nghị đặc xá như Dung ở trại giam Hoàng Tiến.
Hằng quê ở thị xã Cẩm Phả - Quảng Ninh, sinh năm 1992, bị Công an Quảng Ninh bắt khi vận chuyển gần 200 viên thuốc lắc từ Hải Phòng, về Quảng Ninh tiêu thụ.


Nếu không khoác trên mình bộ quần áo kẻ sọc,
có lẽ không ai nghĩ Lê Thị Hằng phạm tội "buôn bán ma túy".

Hằng có nước da trắng hồng, mịn màng. Nếu không khoác trên mình bộ quần áo kẻ sọc, có lẽ không ai nghĩ Hằng là một người tạm thời bị tước quyền công dân vì tội "buôn bán ma túy". Tính đến lúc gặp chúng tôi, Hằng đã thụ án được 4 năm ở trại giam Xuân Nguyên.
Hỏi về thời gian còn lại ở tù, Hằng ngượng nghịu đáp: "Chắc là khoảng 2 năm nữa thôi chị ạ! Lúc ra tù, chắc là em vừa tròn 21 tuổi". Tôi nhìn kỹ gương mặt của Hằng, thấy ở cánh mũi bên trái, một vật gì nhỏ xíu như nốt ruồi óng ánh. Cô cười gượng gạo, tháo cái nốt ruồi ấy ra khỏi mũi, để lại cái lỗ sâu hoắm. "Đây là cái còn lại, để nhắc nhớ những ngày tháng ăn chơi, thác loạn của em, chị ạ!" - Hằng nói.

Hằng bị cuốn theo cơn lốc vũ trường, thuốc lắc và những cuộc chơi bệnh hoạn, được ngụy biện bởi 2 từ "đẳng cấp" lúc nào không biết. Đến lúc tra tay vào chiếc còng số 8, Hằng mới đắng chát nhận ra sai lầm của mình. Cũng giống như Dung (Bắc Ninh), Hằng (Quảng Ninh) bị bắt giam khi chưa đủ 16 tuổi.

Bỏ học từ năm lớp 9, cô chuyển đến ở cùng một đàn chị hơn mình 10 tuổi. Chị ấy cũng là dân chơi "sành điệu" nhất nhì đất mỏ. Đêm đến, chị ta dắt Hằng ra khỏi nhà, lao vào những cuộc thác loạn. Dân chơi, cần có sự khác biệt. Để được xem dân chơi là có đẳng cấp, Hằng phải học đòi những thói hư, tật xấu như hút thuốc, uống rượu và cắn thuốc lắc.
Một lần, Hằng theo các đàn chị lên tận Hà Nội, mua sắm những bộ quần áo đắt tiền. Số tiền các chị bỏ ra để sắm đồ cho Hằng, nhiều bằng cả tháng lương cấp tá của cậu ruột cô. Lần đó, Hằng được đưa đi xuyên lỗ tai và lỗ mũi. Thấy cô ngần ngại, các chị đi cùng bảo: "Đã chơi bời, phải có đẳng cấp, mày hiểu chứ?".
Vậy là Hằng bị cuốn theo cơn lốc vũ trường, thuốc lắc và những cuộc chơi bệnh hoạn, được ngụy biện bởi 2 từ "đẳng cấp" lúc nào không biết. Đến lúc tra tay vào chiếc còng số 8, Hằng mới đắng chát nhận ra sai lầm của mình. Cũng giống như Dung (Bắc Ninh), Hằng (Quảng Ninh) bị bắt giam khi chưa đủ 16 tuổi.
Khao khát mái ấm gia đình
Hằng nói với tôi: "Em luôn muốn được sống trong mái ấm gia đình". Đó là nỗi khao khát lớn lao nhất kể từ khi cô biết nghĩ. Năm lên 2 tuổi, bố mẹ Hằng không may gặp phải một vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng. Mẹ mất ngay sau đó ít ngày, còn bố thì nằm viện rất lâu mới tỉnh dậy. Nhưng từ đó, bố không bao giờ trở thành người bình thường được, ông luôn cần có một người chăm sóc, thay vì phải nuôi đứa con 2 tuổi như Hằng. Cô được chuyển hẳn về bên ngoại, sống với người em trai của mẹ. Cậu vốn là thiếu tá quân đội, ông dồn tất cả tình thương cho cô cháu gái, nên chưa lấy vợ.

Mỗi gương mặt - một số phận, nhưng tất cả họ đều mong ngày được ra tù.

Không giống như dân chơi ở đất mỏ, Hằng có hoàn cảnh gia đình rất éo le. Với đồng lương ít ỏi của cậu, Hằng không dám xin tiền khi cần mua sắm những món đồ con gái. Biết được điều này, các đàn chị đất mỏ đã mau chóng lôi kéo cô ra khỏi sự kiềm tỏa của người cậu nghiêm khắc và nhân hậu.

"Em ân hận lắm, thấy có lỗi với cậu quá. Nhiều lần cậu em lần đến tận "hang ổ", đưa em về, nhưng chỉ vài ngày thôi, em lại nhớ thuốc lắc, vũ trường... thế là em lại tìm cách trốn đi. Cuộc sống bầy đàn, tự do làm tất cả những trò mình thích,lúc đó em chỉ muốn được "cắn" thuốc lắc và bay thôi, chẳng nghĩ đến ngày mai bao giờ chị ạ!".

“Ranh giới giữa sự tử tế và khốn nạn, mong manh quá chị ạ! Cậu em vừa làm mẹ, vừa làm bố, cho em đầy đủ tình thương yêu, sự tử tế... vậy mà lúc đó em đã không biết giữ gìn. Ngày em bị bắt, cậu em hẳn là đau đớn lắm!", Hằng nói đến đây, đôi mắt bỗng trở nên sũng nước.
Cô tâm sự: "Em không phải là con nhà giàu, không thuộc hàng cậu ấm cô chiêu thừa tiền, chẳng biết tiêu vào đâu cho hết. Em sa ngã chỉ vì những lúc cậu đi công tác xa nhà, ở một mình thấy buồn nên em tìm đến các chị lớn hơn để giao lưu. Họ đã nghỉ học rồi, con nhà giàu nên thừa tiền bao em ăn chơi, nhảy múa".
Buồn vì hoàn cảnh, Hằng chán học khi những chị bạn ít học rủ rê vào những cuộc chơi. Hằng sống trong ảo giác của vũ trường, đi đến đâu cũng có hàng tá đàn ông vây quanh cô. Dáng cao, da trắng, mắt đẹp, lại biết cách ăn mặc, Hằng nhanh chóng trở thành trung tâm của sự chú ý. Gặp phải sự phản đối của cậu, Hằng đã bỏ hẳn nhà cậu đi bụi, sống lang thang trong nhà nghỉ cùng đám bạn chơi bời. Nhắc đến chi tiết cậu phải bỏ việc để đi tìm mình, Hằng lại khóc.
Kể những nơi từng ăn chơi, thác loạn trên đất Cảng, Hằng nói: "Đó là các vũ trường Classic và Dance. Nếu muốn đổi gió, bọn em bắt taxi sang Hải Phòng hoặc ra Cửa Ông chơi vài ngày. Chỗ nào cũng chơi được, miễn là có nhạc mạnh. Có lần, em lắc thông một tuần, chỉ uống sữa cầm hơi, không ngủ vì chơi thuốc lắc vào không có cảm giác buồn ngủ".
Con đường dẫn tới trại giam của Hằng đơn giản là nghiện thuốc lắc, nhưng không làm gì ra tiền. Cô theo các chị đi "cất" thuốc lắc từ Hải Phòng về đất mỏ, bán kiếm lời. Cô nghĩ rất đơn giản thôi, thèm thì "cắn", cần tiền thì phải đi buôn, chứ không hề nghĩ gần 200 viên thuốc lắc, có thể vùi chôn tuổi thanh xuân của cô trong chốn lao tù?
Những cô gái xinh đẹp như Hằng, Dung tìm kiếm ở trong tù không nhiều. Ở ngoài đời, nếu được rèn rũa, trau truốt hơn, chắc chắn các nhan sắc ấy có thể làm nên nhiều điều có ích cho đời.
Khi thấy chúng tôi gấp lại cuốn sổ, tắt máy ghi âm, Hằng mỉm cười rất hiền, cô bẽn lẽn hỏi tôi: "Chị đã bao giờ vào vũ trường chưa?". Tôi đáp: "Chị vào rồi, bởi muốn biết những thứ được bọn em cho là "sành điệu". Nhưng nói thật, chị thấy nó lố bịch thế nào ấy!? Với gương mặt thánh thiện như em, không hợp với nơi ấy".
Hằng cười tươi rói bảo: "Chị nói đúng đấy! Bị bắt vào đây, em có thời gian nghĩ lại nhiều điều, thấy ngày xưa những cuộc vui ấy rất đáng sợ. Có lần cậu vào thăm em có hỏi: "Sau này ra tù con có đi lắc nữa không?". Em nói luôn: "Không đâu cậu ơi! Con sợ đến già rồi cậu ạ!". Nói đoạn, Hằng đưa tay lên bàn, bóp nát chiếc khuyên tháo trên mũi lúc đầu.
Tôi nhìn thấy, đôi tay cô xanh lét màu vải nhuộm. Cán bộ quản giáo của Hằng cầm bàn tay búp măng ấy giơ lên và nói: "Đôi tay ngày xưa hay cầm thuốc "lắc", bây giờ khéo lắm rồi. Hằng có thể may được những bộ quần áo cho người khác rồi đấy!".
Bài và ảnh: Thùy Chi

Nhãn:

0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ