Quần áo

Quần áo

10 thg 11, 2009

Tuyển dụng - Tăng lương tối thiểu tại các doanh nghiệp: Thu nhập của người lao động có tăng?


Chính phủ vừa ban hành Nghị định 97 và 98/2009NĐ-CP quy định về tăng lương tối thiểu (LTT) tại các doanh nghiệp (DN) trong và ngoài nước. Đây là tín hiệu đáng mừng trong tình hình thu nhập khá thấp hiện nay của người lao động (LĐ). Tuy nhiên, cũng như những lần điều chỉnh mức lương trước đây, nỗi lo về thu nhập của người LĐ vẫn luôn thường trực.

LTT có đảm bảo mức sống tối thiểu?

Theo nghị định trên, mức LTT ở vùng 1 (vùng có mức lương cao nhất đối với DN trong nước) là 980.000đ (mức cũ 800.000đ/tháng); mức LTT cao nhất của DN nước ngoài là 1.340.000đ (mức cũ 1.200.000đ/tháng). Về nguyên tắc, LTT phải đảm bảo được mức sống tối thiểu của người LĐ. Tuy nhiên, trong nhiều năm qua, việc tăng LTT chưa đảm bảo được mục tiêu này, nhất là đối với LĐ ngành công nghiệp - ngành có số lượng LĐ cao nhất nước.

Với quy định hiện nay, mức lương thấp nhất của người LĐ phải cao hơn mức LTT 7%. Với mức lương trên, cộng thêm 7% hay cao hơn vài mươi phần trăm nữa cũng không đảm bảo được mức sống tối thiểu cho người LĐ. Trong đợt lấy ý kiến đóng góp cho việc tăng LTT này do Bộ LĐ-TB-XH tổ chức tại TP.HCM vào tháng 9/2009, nhiều đại biểu trong ngành LĐ đã nghi ngờ tác dụng của việc tăng LTT đối với đời sống của người LĐ. Ông Nguyễn Văn Khương, Phó chủ tịch LĐLĐ tỉnh Bình Dương, cho biết: "Với mức trượt giá như hiện nay, người LĐ khó sống nổi với mức LTT. Bài toán LTT phải đảm bảo mức sống tối thiểu đã được ngành LĐ tìm cách "giải" hơn 10 năm qua nhưng không giải nổi".


Công nhân may công nghiệp làm việc cực nhọc nhưng tiền lương rất thấp

Quan điểm của cơ quan quản lý nhà nước về LĐ là tiền lương do DN và người LĐ tự thỏa thuận, miễn không thấp hơn LTT là được. Quan điểm này quả thật rất "mở", nhưng chỉ là... lý thuyết. Đáng ngại hơn, với điều kiện xã hội hiện nay, quy định trên lại tạo lợi thế cho nhiều DN trong việc thỏa thuận mức lương đối với người LĐ. Trên thực tế, hầu hết người LĐ, nhất là LĐ công nghiệp thường chấp nhận mức lương do DN ấn định.

Một DN có vốn nước ngoài sử dụng hơn 50.000 LĐ tại Q.Bình Tân, TP.HCM xây dựng thang, bảng lương với đa số người LĐ có mức lương cao hơn LTT chỉ 8%. Mức lương hiện nay là 1,2 triệu đồng, nhân với hệ số lương 1,08. Từ 1/1/2010, mức LTT tăng lên 1.340.000đ thì mức lương của người LĐ tăng chưa đến 150.000đ/tháng. Mức tăng này thấp hơn rất nhiều so với mức tăng của giá cả qua hàng năm. Còn đối với DN có vốn trong nước thì mức tăng càng thấp bởi LTT đối với DN trong nước thấp. Đối với những DN trả lương không theo thang bảng lương giống như DN nhà nước thì họ cho rằng không cần phải tăng lương. Lý do họ đưa ra là tiền lương họ thỏa thuận với người LĐ đã cao hơn LTT thì không lý do gì họ phải tăng theo LTT. Tác dụng lớn nhất của việc tăng LTT chỉ ở việc tham gia BHXH và giải quyết các chế độ liên quan cho người LĐ, bởi các chế độ trên quá phụ thuộc vào LTT.

Vấn đề quan trọng nhất chính là làm sao giám sát được việc tăng lương tại các DN. Thực tế, nhiều DN khi tăng lương cho người LĐ theo LTT thì họ giảm chi phí bằng cách cắt giảm các loại phụ cấp khác. Chính điều này đã gây rất nhiều tranh chấp LĐ trong thời gian qua.

Cần sòng phẳng với người lao động

DN nào có mức lương hợp lý, điều kiện LĐ tốt thì chắc chắn sẽ có nguồn LĐ tay nghề cao và ổn định. Ông Phạm Xuân Hồng, Giám đốc Công ty cổ phần May Sài Gòn 3 - TP.HCM, cho biết: Việc tăng LTT của nhà nước đã có lộ trình nên DN xây dựng kế hoạch tăng lương cho người LĐ phải dựa vào lộ trình này. Các DN phải sòng phẳng với người LĐ. Họ làm ra lợi nhuận cho công ty nên họ phải được hưởng thù lao xứng đáng. Dù LTT có tăng hay không thì hằng năm, công ty cũng xây dựng kế hoạch tăng thu nhập cho người LĐ, bình quân mỗi năm thấp nhất là 20%. Công ty hiện sử dụng 2.600 LĐ, thu nhập bình quân hơn 4 triệu đồng/người. Hệ số lương bình quân của người LĐ là 2,5 nên LTT tăng như sắp tới thì thu nhập của người LĐ sẽ lại tăng đáng kể.

Ông Hồ Trọng Điệp, Giám đốc Công ty cổ phần dịch vụ ô tô Vân Nam – TP.HCM, bày tỏ: Nguồn vốn lớn nhất của DN chính là lực lượng LĐ lành nghề được đào tạo qua nhiều năm. Đây là yếu tố cạnh tranh quan trọng của DN. Làm thế nào để thu nhập thực tế của người LĐ tăng hàng năm phải được xem là trách nhiệm của DN. Nếu không, DN sẽ không có được đội ngũ LĐ gắn bó, sản xuất kinh doanh khó có thể phát triển.

Cát Nguyệt

Nhãn:

0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ