Quần áo

Quần áo

9 thg 11, 2009

Tấm lòng nhân ái - Website của những tấm lòng nhân ái


Website Người khuyết tật.
Giao diện website Người khuyết tật.

Internet thực sự được coi là cầu nối hữu hiệu để mọi người cùng nhau nới rộng vòng tay, đóng góp và chia sẻ với những mảnh đời kém may mắn. Các thông điệp truyền tải trên nhiều website đã làm thế giới mạng thêm ấm áp và tràn đầy tình cảm.

Với tâm nguyện được giúp đỡ trẻ em mồ côi, tàn tật, người già yếu không nơi nương tựa và những người khó khăn, chị Huỳnh Tiểu Hương đã thành lập Trung tâm nhân đạo Quê Hương (TP HCM) và không ngừng vận động kêu gọi sự đóng góp của các nhà hảo tâm, công ty, xí nghiệp trong, ngoài nước. Chị Hương cho biết: "Trung tâm thành lập website này làm nơi gặp gỡ những tấm lòng nhân ái, mong muốn cùng nhau góp sức tạo ngọn lửa sưởi ấm trái tim những mảnh đời bất hạnh. Hy vọng rằng hoạt động này không chỉ mang lại niềm vui cho các em, những người có hoàn cảnh khó khăn mà còn có thể thay đổi cuộc đời của mỗi trẻ bất hạnh sau này".

Cũng cùng quan điểm với chị Tiểu Hương, nhà thiết kế thời trang Liên Hương đã tài trợ và khai sinh website www.nguoingheokho.com với suy nghĩ: “Sự phổ biến của Internet sẽ giúp mọi người dễ dàng tìm gặp những người bạn cùng chí hướng, quan điểm mà không bị giới hạn về khoảng cách địa lý, tìm thấy hạnh phúc trong việc được góp tấm lòng san sẻ khó khăn, bất hạnh với những người kém may mắn hơn”.

Thời gian qua, có khá nhiều website hoạt động hiệu quả nhằm mục đích tương trợ, nhường cơm xẻ áo... với những hoàn cảnh khó khăn như www.uocmoxanh.org, uocmoxanhdng.ecom.vnn.vn, www.vndisability.net, www.chatdocdacam.info... Ngoài những thông tin về người khuyết tật, những hoàn cảnh cần được trợ giúp, các nhà hảo tâm, tình nguyện viên, giới thiệu việc làm, một số website còn có trang tùy bút, những câu chuyện về sống đẹp và diễn đàn là nơi giao lưu của tất cả thành viên...

"Tham gia vào những site này, tôi cảm nhận trọn vẹn hơn về cuộc sống, về hạnh phúc khi được chia sẻ với mọi người dù đó là điều khắc nghiệt nhất của cuộc sống hay đơn giản chỉ là sự tan vỡ của một mối tình. Những người bạn, thành viên tham gia diễn đàn và những mẫu chuyện về quà tặng cuộc sống mà tôi đã gặp trên các website này luôn là điều giúp tôi phấn đấu sống tốt và hoàn thiện hơn", một thành viên của diễn đàn Ước mơ xanh tâm sự.

Cũng thông qua các trang chủ này, nhiều người đã có nguyện vọng làm việc cho các tổ chức nhân đạo hoặc tận dụng những kỳ nghỉ lễ tham gia hoạt động công tác xã hội như thăm trẻ em mồ côi, người già neo đơn... Chị Nguyễn Cẩm Vân, sinh viên một lớp tại chức, làm việc tại thành phố Huế, bày tỏ: "Lớn lên trong cảnh nghèo khó và dù cuộc sống hiện tại chưa khả quan lắm nhưng tôi biết mình còn may mắn hơn nhiều người khác. Tôi mong ước được tham gia vào một tổ chức từ thiện, làm việc gì đó để giúp đỡ và chia sẻ với họ".

Có lẽ cũng vì lý do này mà rất nhiều người đã đến với các website từ thiện. Chị Tiểu Hương cho biết, www.huynhtieuhuong.org ra mắt vào năm 2002 và đến nay đã có hơn 2 triệu người truy cập từ khắp nơi trên thế giới quan tâm. Nhờ có website, nhiều người biết đến trung tâm, động viên, chia sẻ và đóng góp tiền sữa, chi phí bác sĩ, thực phẩm, quần áo, thuốc men, đồ dùng trẻ sơ sinh... để nuôi dạy tốt các em cũng như tạo việc làm cho người khuyết tật có thể tự mưu sinh. Hiện tại, trung tâm nuôi dưỡng 157 trẻ em tàn tật và mồ côi, trong đó 70% bị mù và khuyết tật, số còn lại là trẻ sơ sinh từ 1 ngày tuổi trở lên bị bỏ rơi.

Cùng gặp nhau ở ý tưởng dùng Internet như công cụ kết nối những tấm lòng nhân ái, anh Trịnh Công Thanh ấp ủ ước mơ tạo ra nhiều cơ hội cho người khuyết tật Việt Nam thông qua những dự án phát triển như nâng cấp và cải tạo hệ thống giao thông tại Hà Nội phục vụ cho người khuyết tật đi xe lăn, giáo dục hòa nhập cho trẻ khiếm thính, hỗ trợ các trung tâm bảo trợ nhằm có điều kiện tốt hơn để dạy dỗ các em có hoàn cảnh khó khăn... Anh bày tỏ: "Tôi mong muốn cùng mọi người góp sức để có thể thực hiện các dự án phát triển này. Người khuyết tật vẫn còn nhiều khó khăn cần được cộng đồng quan tâm, chia sẻ để hòa nhập và phát huy năng lực tự mưu sinh cũng như phục vụ cộng đồng".

Dù công việc khá bận rộn, Trịnh Công Thanh vẫn dành khá nhiều thời gian và tâm huyết để ra mắt website Người khuyết tật Việt Nam vào đầu 2003 và ngay cuối năm đó đã tiếp tục trình làng www.chatdocdacam.info. "Chất độc da cam cũng là một phần của khuyết tật và tôi muốn làm mọi việc có thể vì sự phát triển cũng như tạo ra cơ hội cho người khuyết tật. Sự động viên và chia sẻ từ những người truy cập là động lực để tôi có thể kham nổi rất nhiều việc cùng lúc", người quản lý của 2 trang web này cho biết.

Vượt qua những khoảng cách về địa lý, cộng đồng người Việt ở nước ngoài cũng tích cực tham gia các hoạt động từ thiện. Hằng năm, anh Nguyễn Văn Thi, sinh sống ở Montreal, Canada, tình nguyện viên của website Người nghèo khó, đều dành thời gian về Việt Nam và tham gia các hoạt động như tặng xe lăn cho người khuyết tật, quà, sách vở cho học sinh nghèo hiếu học... Cũng có khá nhiều tình nguyện viên là người nước ngoài đã kết hợp giữa du lịch và tìm đến các trung tâm bảo trợ trẻ mồ côi, khuyết tật dạy tiếng Anh để kỳ nghỉ thêm ý nghĩa và đáng nhớ.

Anh Matt Woelfli, đến từ thành phố Bern, Thụy Sĩ, tâm sự: "Qua Internet tôi có được thông tin về chùa Diệu Giác và đã quyết định tham gia công tác xã hội khi trở lại Việt Nam. Mọi người ở trại trẻ mồ côi này rất thân thiện và vui vẻ đón nhận sự có mặt của tôi. Trong vòng 6 tháng, mỗi ngày tôi dành tất cả thời gian từ 14h đến 19h chăm sóc, chơi đùa và giúp các em nhỏ làm bài tập, sửa chữa các vật dụng trong chùa và làm công việc bếp núc... Tôi rất thích và hạnh phúc với công việc mới này".

"Ngày càng có nhiều người, đặc biệt là các bạn trẻ quan tâm và mong muốn được tham gia các công tác xã hội, từ thiện. Tôi thật sự rất vui khi website này khá hiệu quả trong việc làm trung gian kết nối các nhà hảo tâm với những người nghèo khó. Quả thật, mang hạnh phúc đến cho mọi người cũng là tìm hạnh phúc cho chính mình", chị Liên Hương bày tỏ.

Ngọc Hằng

Nhãn:

0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ