Quần áo

Quần áo

6 thg 11, 2011

Hả hê việc "đâm chết một cụ già": Coi cái chết của đồng loại là thú chơi?

Mấy ngày qua, cư dân mạng không khỏi bày tỏ sự bất bình trước phát ngôn được cho là vô cảm, máu lạnh của một thanh niên về cái chết của một nạn nhân trong vụ tai nạn giao thông ở TP Yên Bái.
[links()]
Vụ tai nạn xảy ra vào khoảng hơn 20h ngày 1/11, tại đường Thành Công (tổ 58, phường Nguyễn Thái Học, thành phố Yên Bái). Ông Nguyễn Hữu Giảng (sinh năm 1953, là bảo vệ tại Quỹ tín dụng nhân dân phường Nguyễn Thái Học, TP Yên Bái) đang trên đường đi làm về nhà thì bị chiếc xe máy Honda Air Blade màu trắng có hai người thanh niên (người lái xe tên là Hiệp) tông vào khiến ông Giảng bị thương nặng phải đưa đi bệnh viện cấp cứu trong tình trạng nguy kịch.

Ngày 3/11, ông Giảng qua đời. Trong khi gia đình bạn bè ông Giảng còn vô cùng đau đớn trước sự mất mát quá lớn thì một thanh niên có tên K.M.C.B đã dửng dưng đăng bình luận về sự ra đi của ông Giảng như một trò đùa, một tiếng cười hả hê, vô cảm: “Xong! Chúng tôi vừa đâm vào một... già gần 60 tuổi… khả năng chết, xong xác”.

Theo Pháp luật TP.HCM, người đăng tải bình luận này có nick name “Kẹo mút chơi bời” liên tục cập nhật về vụ tai nạn và cái chết thương tâm của nạn nhân bằng những lời lẽ xấc láo, vô văn hóa: “Tin buồn! Chúng tôi vô cùng thương tiếc báo tin cụ già 60 tuổi đêm qua chúng tôi đâm xe máy, đã củ tỏi hồi 17h07. Anh em phang lô đề nhiệt tình đi, lão sinh năm 1953”.

Trên nhiều diễn đàn, một số thành viên còn kịp ghi lại những status khác của người này bằng lối viết theo kiểu vô văn hóa như sau: “Ôi, đ… Chiều qua lão chết bọn tao về uống rượu ăn mừng. Chết cái nhẹ cả người chứ cứ sống thêm làm khổ bọn tao”. Kẻ này còn thách thức: “Tùy mọi người thôi. Nói thật, số bọn tao đen nên đành chịu thôi. Lo hết viện phí rồi tang lễ hơn 20 triệu rồi cũng chẳng vấn đề gì. Bực nhất là nhỡ hết việc”.

Ngay lập tức, những phát ngôn vô lương tâm này đã khiến cộng đồng mạng nổi giận. Vô số bình luận phẫn nộ chỉ trích phát ngôn của anh ta là “vô nhân tính”.

Trước làn sóng phẫn nộ từ phía cộng đồng mạng, người này đã phải xóa dòng tin này và khóa chế độ “kết bạn”, hạn chế thành viên truy cập để tránh “búa rìu” của dư luận.

Đây không phải lần đầu tiên giới trẻ đưa ra những lời bình luận lố lăng như vậy. Vụ trọng án “giết người”, “cướp vàng” xảy ra tại Bắc Giang trước đó khiến cái tên của cậu thiếu niên Lê Văn Luyện mới 17 tuổi trở thành tâm điểm của người dân cả nước với những lời bàn tán, chỉ trích. Hơn thế, một số cư dân mạng là các bạn trẻ còn lập ra các nhóm, hội, tiến hành bình luận, châm biếm vụ án, đem tính chất nghiêm trọng của vụ án ra làm những trò đùa lố bịch.

Trong một trang gắn liền với cái tên “Lê Văn Luyện”, người lập ra đã có lời miêu tả như sau: “Ngồi trong nhà tù lướt mạng wifi, cứ coi tôi là Lê Văn Luyện và để lại bình luận”. Đặc biệt nhiều bạn lại ví von quá lố lăng, "bôi bẩn" các câu ca dao tục ngữ trong sáng của dân tộc, như “Uống nước thì phải nhớ lấy nguồn, mà đến Bắc Giang thì phải nhớ lấy Luyện”… hay “Gặp lưu manh thì kêu em là em anh Luyện, thật là vãi Luyện…”; “Ngước mắt lên hỏi ông trời: “Thật là vãi Luyện...”; “Anh Luyện, một phong cách rất cool”…

Bình luận về điều này, PGS. TS Trịnh Hoà Bình, Giám đốc Trung tâm Dư luận xã hội, Viện Xã hội học đánh giá: Đây là thái độ vô cảm, nhởn nhơ trước đau thương mất mát của người khác. Một nhóm các bạn trẻ giờ đây có thể tỏ một thái độ thờ ơ, vô cảm đến mức lạnh lùng, mà dường như người ta đã số hoá, cơ học số phận của con người, nó mang tính chất vật lý và không còn tính nhân văn, nhân bản nữa.

"Những lời chia sẻ, bình luận như: "Cụ già 60 tuổi đêm qua chúng tôi đâm xe máy, đã củ tỏi hồi 17h07. Anh em phang lô đề nhiệt tình đi, lão sinh năm 1953”, nó không chỉ là sự thờ ơ, vô cảm với cái đau thương của đồng loại mà nó còn cho thấy một "thú chơi", một thái độ phản ứng trước sự kiện của xã hội, của cộng đồng. Đó là những ý thích quái gở, điên rồ, xa rời những giá trị nhân văn.

Dường như điều này đã trở thành "thú chơi", một hành vi quái gở mà không mảy may đến cái nhân văn của sự việc này mà chỉ thuần tuý là sự "ngưỡng vọng" đối với những lời lẽ lạnh lùng như vậy.

Hơn nữa, việc dùng tiếng lóng của câu bình luận là sự phản ứng xã hội chứ không thuần tuý rằng là thú chơi ngông. Điều này cũng giống như câu chuyện "Sát thủ đầu mưng mủ" vừa mới ra đời, nó không chỉ thuần tuý thống kê những thành ngữ hiện đại, được biến nghĩa đi, chống lại, làm thay đổi thành ngữ cũng như ngữ nghĩa. Đó là sự phản ứng, chống lại hiện thực, chống lại những giá trị hiện tồn của một thế giới đang trật tự, đang có sự ổn định.

Việc gây ra tai nạn như vậy, thậm chí người đưa ra bình luận còn "nhấm nháp", còn khoái trá, nói ráo hoảnh như vậy tiếc thay cộng đồng tiếp tay là cộng đồng mạng trên facebook lại tỏ thái độ thích thú. Cái thích ở đây thể hiện nó thích sự cuồng nộ, thích sự rồ dại, sự trái khoáy, nó thoát ly ra khỏi cái mất mát của con người, thoát khỏi cái chết của thành viên nọ, thành viên kia, biểu hiện cái sự sùng phục, sự chia sẻ". - PGS. TS Trịnh Hoà Bình chia sẻ.

Giải thích về điều này, PGS.TS Trịnh Hoà Bình cho biết: Tất cả xuất phát từ một bộ phận thành viên xã hội, đặc biệt trong giới trẻ, những xúc động nhân văn, những giá trị nhân văn trong đời sống con người đã bị chai sạn trên cơ sở nó vô cảm, nó tiến tới nó khu biệt, nó tách ra khỏi nỗi đau, niềm vui chung và nó đi vào thoả mãn cái "Tôi", cái ích kỷ.

"Cái ích kỷ trong trường hợp này là ích kỷ thấp hèn. Từ đó gạch nối đến tội ác, cốt để dàn dựng, làm được những hành vi độc đáo. Tất nhiên, chúng ta không khẳng định, không cho rằng nó cố tình đâm chết người mà chẳng may gây ra tai nạn đó nhưng sau đó nó lấy làm khoái trá và nó tôn thờ cái thói đó. Điều này cũng từ thói vị kỷ, thói yêng hùng hảo hớn, những thứ tỏ ra mình thạo đời mà ra. Bộ phận này thuộc cái nhóm hành vi lệch chuẩn xã hội, quái dị, những biến tấu trong xúc cảm thẩm mỹ trong đời sống cộng đồng.

Nếu chúng ta liên hệ tới vụ sát thủ tiệm vàng Bắc Giang Lê Văn Luyện cũng có những điểm gần gũi. Qua đó, nó phản ánh một điều rằng: Một nhóm trong xã hội hiện nay hình như hết trò để chơi, hết thú vui để mà nó sùng phục, kính trọng cho nên khi có bất cứ một hiện tượng nào, một sự kiện nào giật gân, nó hùa vào nó chia sẻ một cách thiếu suy nghĩ. Hoặc trong bộ phận ấy có những người có suy nghĩ hẳn hoi, nhưng một bộ phận đáng kể trong đó chia sẻ rất thiếu suy nghĩ, chứng tỏ họ đã bị chệch hướng, trong suy nghĩ trong hành động là, tính định hướng của nó không rõ ràng.

Tất cả nó thoát ra từ một đời sống xã hội cho đến nay có quá nhiều biến thái và không đúng giá trị trung tâm của xã hội: coi trọng lao động, coi trọng xã hội, coi trọng cái đẹp, cái đúng, cái tốt... mà bất cứ một cái gì có thể rêu rao, làm ngời sáng bản thân mình, để được khóc, có thể được cười một cái gì đó để có thể nhẩy sổ vào. Xã hội rất thiếu sân chơi đến mức bất cứ một hiện tượng gì nó đều nhẩy vào biến đó thành trò tiêu khiển cả.

Để khắc phục được tình trạng này, cái quan trọng nhất ở đây là xã hội phương Đông chúng ta là một xã hội nông nghiệp, con đường tiến tới một xã hội công nghiệp nó có rất nhiều vấn đề của chúng ta trong đời sống cộng đồng, trong việc xây dựng hệ giá trị của xã hội. Thế rồi có câu chuyện "đứt gẫy"... Rõ ràng là chúng ta phải gây được áp lực của cả cộng đồng xã hội đối với hành vi, đối với những ý nghĩ, thói quen sùng bái vật chất, lãng quên những giá trị nhân văn, nhân bản. Tức là chúng ta phải khởi phát từ áp lực cộng đồng đối với những hành vi xấu như vậy.

Ở phương diện gia đình, phương diện nhà trường, phương diện toàn thể xã hội các tiết chế cần phải quay trở về những câu chuyện giáo dục. Từ giáo dục trong gia đình, xã hội hoá trong gia đình đến giáo dục học đường chúng ta phải đấu tranh, tẩy rửa những hành vi tôn thờ cái ác như thế cũng như việc chối bỏ việc làm giả, làm thật của một bộ phận nào đâu đó trong xã hội để cho cái đúng, cái tốt, cái đẹp nó phải lên ngôi.

Tức là xây dựng mục đích, định hướng, giá trị sống, cái chuẩn mực đúng đắn. Và ở trong bộ máy, thiết chế chúng ta đâu đó vẫn còn nhiều cái giả tồn tại, phải tẩy trừ cho bằng được. Bởi vì chừng nào những hình mẫu, những ví dụ như vậy không bị tẩy trừ thì cái bộ phận mong manh về mặt tính cách nó vẫn có điều kiện để noi theo, nó vẫn tôn thờ cái giả".

Khải Nguyên (Thực hiện)

Nhãn:

0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ