Đừng vì "bộ lông của mình" mà quay lưng với nỗi đau đồng loại
Gần chục người đàn ông đã lựa chọn giải pháp im lặng, “bất bạo động” trong vụ Đại úy công an gây tai nạn rồi bỏ chạy tại Bình Dương ngày22/10, bất chấp lời khẩn cầu của chị Trần Ngọc L., một chủ quán nhỏ bé muốn đưa nạn nhân đi cấp cứu.
Người thân tại đám tang của anh Quân, nạn nhân của sự vô cảm trong vụ tai nạn ngày 22/10 tại Bình Dương |
Có bao giờ mỗi chúng ta tự hỏi: ta sẽ làm gì nếu bất chợt gặp một người bị nạn nằm thoi thóp bên đường?
Các phương tiện thông tin đại chúng gần đây đồng loạt đưa tin về cái chết của một bé gái 2 tuổi người Trung Quốc. Bé Duyệt duyệt chết bởi cú đâm của chiếc xe tải hay bởi sự thờ ơ, vô cảm của những người thấy em gặp nạn nhưng bỏ mặc em? Câu chuyện em bé đáng thương ấy đang thôi thúc chúng ta tìm lời giải đáp cho câu hỏi: Phải làm gì để không còn những người như bé Duyệt Duyệt: chết đi rồi mới thấy được thiên đường? - một thế giới tốt đẹp không thể thấy được ở thế gian này.
Ở Việt Nam, gần chục người đàn ông đã lựa chọn giải pháp im lặng, “bất bạo động” trong vụ Đại úy công an gây tai nạn rồi bỏ chạy tại Bình Dương ngày 22/10, bất chấp lời khẩn cầu của chị Trần Ngọc L., một chủ quán nhỏ bé muốn đưa nạn nhân đi cấp cứu.
Chị L “may mắn” hơn người phụ nữ trong một vụ việc tương tự vừa xảy ra tại Trung Quốc (vụ bé Duyệt Duyệt), chị “may mắn” bởi lòng tốt của chị đã không bị nghi ngờ chút nào. Bà Trần Hiền Muội, người qua đường duy nhất nâng bé Duyệt Duyệt dậy giữa vũng máu, không chịu đựng nổi việc liên tục bị hàng xóm hỏi đã kiếm được bao nhiêu tiền sau vụ này, đã lặng lẽ bỏ thành phố, về quê trong đêm. Thật trớ trêu!
Không chỉ ở Trung Quốc hay Việt Nam, một năm trước, một mẩu tin ngắn trên báo điện tử VietNamNet kể lại: sau khi giúp một phụ nữ bị kẻ cướp tấn công, Hugo Tale-Yax (31 tuổi) bị một vết thương nặng ở bụng và gục ngã trên đường phố New York. 25 ngườiđã đi qua chỗ Hugo nằm, thế nhưng họ đều dửng dưng và người đàn ông tốt bụng nhưng xấu số này đã qua đời vì mất máu.
Những câu chuyện này gợi suy nghĩ gì cho chúng ta?
Đây không phải là lần đầu tiên và chắc chắn không phải là lần cuối cùng các phương tiện truyền thông gióng lên hồi chuông cảnh báo về sự vô cảm của con người trong xã hội hiện đại. Nhân loại đang nhức nhối với nỗi đau mang tên VÔ CẢM.
Đây cũng không phải chỉ là chuyện của riêng thời nay. Năm 1985, ở cuối cuốn phim tài liệu nổi tiếng “Chuyện tử tế”, đạo diễn Trần Văn Thuỷ đã nhắc lại một câu nói nổi tiếng của Karl Marx: “Chỉ có súc vật mới quay lưng lại với nỗi đau đồng loại mà chăm chút bộ lông của mình”.
25 năm sau bộ phim ấy, câu hỏi "thế nào là sự tử tế?" vẫn tiếp tục khiến người ta day dứt. Vậy đến nay con người đã khá hơn chưa? Khá hơn hay không thì không biết nhưng chắc chắn đã khác hẳn rồi: Con người đã không quay lưng lại với nỗi đau của đồng loại mà thản nhiên đứng nhìn nỗi đau của đồng loại mà không hành động gì! Một nhà tư tưởng Trung Quốc cổ xưa đã phán một câu dạy đời khủng khiếp, đại ý: Nếu không có lợi thì dù nhấc tay nhổ một sợi lông, ta cũng không làm!
Những nhà tâm lý học, xã hội học đã liệt kê rất nhiều nguyên nhân khiến con người ngày càng vô cảm trong xã hội hiện đại: hậu quả của lối sống thực dụng vị kỷ, chỉ biết đến bản thân; nỗi lo sợ bị trả thù, nỗi sợ dính vào rắc rối…Có vẻ như mối dây tương thân tương ái hồn nhiên đã bị đứt lìa…
Dĩ nhiên, trong từng hoàn cảnh, mỗi người sẽ có những ứng xử khác nhau.
Mỗi người xác định cho mình đâu là việc cần làm, có thể làm và phải làm…đâu là những việc không được phép làm và không thể làm nổi trong những tình huống khác nhau. Trước một nạn nhân đang hấp hối, sẽ có những người thản nhiên bước qua, thậm chí có kẻ mất nhân tính sẽ lợi dụng để hôi của nhưng cũng sẽ có, dù rất ít, những con người dừng lại vì thực lòng muốn giúp đỡ nạn nhân. Việc họ dừng lại đó là việc ai cũng có thể làm thậm chí là nên làm và phải làm nhưng nhiều người lại coi là việc không cần làm hay không thể làm được?
Thêm một phép so sánh dù khập khiễng giữa cộng đồng mạng và thế giới thực là: Báo Tuổi Trẻ cho hay 1.110 độc giả đã gửi phản hồi về vụ bé Duyệt Duyệt ở đất nước Trung Quốc xa xôi, trong khi hàng chục người trong đời thực đều thản nhiên bước qua nạn nhân đang hấp hối trong vũng máu ở Bình Dương.
Phải chăng, có một khoảng cách lớn giữa việc biến lòng tốt trong tâm hồn thành hành động hiện thực? Nghĩa là có thể nói được nhưng không thể làm được chăng? Song, cũng phải thừa nhận một chút rằng, nếu con người còn biết xấu hổ, biết day dứt, biết tự vấn lương tâm, dù chỉ là trên không gian ảo và bằng lời nói thôi thì đó cũng vẫn là một tia hi vọng, vẫn giúp con người có thể dần xa sự vô cảm.
Ông cha ta có câu “Thương người như thể thương thân”, giúp những người bị nạn cũng chính là giúp mình. Mỗi cá nhân đơn độc, vốn không bao giờ là mạnh, chắc chắn sẽ bị lép vế, thu hẹp dần trong một xã hội “mạnh thì sống mà yếu thì chết”. Nếu chúng ta lạnh lùng, vô cảm và ích kỷ, chúng ta sẽ tự giết chính bản thân mình. Và hơn nữa, khi ấy cái xấu sẽ nảy nở, sinh sôi như loài cỏ dại và chi phối tất cả, tiêu diệt và loại bỏ những hành vi tốt lành.
Không thể tồn tại trong một xã hội toàn cái xấu. Ý thức hướng tới cái đẹp của con người luôn thường trực và bất biến nhưng cái đẹp cần một môi trường như thế nào để phát triển,để lan rộng, để cảm hoá và thức tỉnh loài người.
Thậm chí, chưa nói đến chuyện "không ai giàu ba họ" hay “không ai nắm tay từ tối đến sáng”, việc đưa một bàn tay ra với đồng loại cũng sẽ giúp mỗi chúng ta giữ được tâm hồn thanh thản, yên tĩnh. Sự vô cảm hay sự day dứt lương tâm đều khiến cuộc sống giảm mất đi nhiều phần giá trị đích thực.
Chỉ khi chúng ta chung tay gieo hạt và vun trồng những mầm non tốt lành, sự sống mới có thể sinh sôi nảy nở tràn đầy trên cõi nhân gian. Và để thế gian không còn những người như bé Duyệt Duyệt: chết đi rồi mới thấy được thiên đường.
Thế Lực
Nhãn: Đời sống
1 Nhận xét:
Chắc đạo diễn chưa đi nhiều và chưa nhìn thấy hết, tính đồng loại của súc vật chưa chắc đã thua con người.
Đăng nhận xét
Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]
<< Trang chủ