Quần áo

Quần áo

24 thg 10, 2011

Quan chức hắt hơi sổ mũi cũng ra nước ngoài chữa bệnh...

Những bệnh viện xây dựng khang trang đẹp đẽ nhưng đành bỏ không, những thiết bị y tế có giá trị vài tỉ đồng cũng đành “đắp chiếu” không sử dụng được. Đó có phải nghịch lý của ngành y, trong khi họ ra sức than vãn “nghèo”.

Nhà sử học, Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc đã có cuộc trao đổi về vấn đề này.

Ông Dương Trung Quốc. (Ảnh VNN)
PV:- Thưa ông, tại Hội nghị tham vấn cho dự thảo Nghị định về cơ chế tài chính cho bệnh viện công lập diễn ra ngày 14/09, Bộ Y tế quyết liệt đòi tăng viện phí để giải quyết dứt điểm tình trạng quá tải được mô tả bằng hình ảnh sinh động “chiếu manh, chăn chiên như hồi chiến tranh bao cấp”, xét cho cùng, chỉ là để tạo thêm nguồn tài chính cho ngành y tế hoạt động và người dân phải gánh chịu khoản này. Ông nhận định về vấn đề này như thế nào?

Ông Dương Trung Quốc: - Chăm sóc sức khoẻ của dân là một trách nhiệm quan trọng hàng đầu của một Nhà nước. Cùng với giáo dục, đó là tiêu chí để đánh giá một chế độ xã hội. Để chăm sóc sức khoẻ cho dân phải có tiền là lẽ đương nhiên. Nhưng nguồn tiền ấy ở đâu thì phải cân nhắc. Đặt gánh nặng ấy cho bệnh nhân, cũng là cho người dân đến mức nào là thước đo của bản chất chế độ. “Bao cấp” về y tế và giáo dục có thể bộc lộ những khía cạnh duy ý chí của một giai đoạn lịch sử nhưng nó phải là một mục tiêu phấn đấu như một phúc lợi xã hội. Bàn đến chuyện đó lúc này có thể là không tưởng, nhưng tư duy của người lãnh đạo nói chung, của ngành y tế nói riêng phải coi đó là mục tiêu phấn đấu. Vả lại, sức khoẻ của dân còn là hệ quả của rất nhiều vấn đề mà Nhà nước có trách nhệm quản lý ví như môi trường, an toàn thực phẩm, áp lực tâm lý v.v...

Tóm lại không nên khoán trắng kinh phí cho người bệnh theo phương thức lạnh lùng “tiền trao cháo múc”. Do vậy việc tăng hay giảm viện phí phải được tính toán trên quan điểm của ngành y tế có thiên chức phải chăm lo cho dân, còn đóng góp của người dân là sự chia sẻ hợp lý. Nói cho cùng, nền tảng hạ tầng của ngành y tế (bao gồm cả đội ngũ các nhà quản lý) là do nguồn thuế của dân đóng góp.

PV:- Thưa ông, thực tế thì ngân sách dành cho y tế không hề nhỏ nhưng vì chính sách phân bổ theo cơ chế cào bằng nên đã gây ra lãng phí quá lớn. Rất nhiều thiết bị y tế đắt tiền, đòi hỏi tay nghề cao, bác sĩ giỏi mới vận hành có hiệu quả được nhưng bị phân phối về các tuyển tỉnh, huyện nông thôn, vùng sâu vùng xa nên đành đắp chiếu, bỏ xó.Nếu tính toán hợp lý, tránh sự cào bằng trên thì có thể chưa cần tăng viện phí mà vẫn đủ tài chính để giải quyết các lý do mà Bộ y tế đang than vãn?

Ông Dương Trung Quốc:- Theo tôi vấn đề cơ bản vẫn là: con người. Việc giảm tải cho các tuyến trên, tăng cường lực lượng y tế tại chỗ trong đó có cả y tế dự phòng đòi hỏi sự quan tâm toàn diện đến mọi cấp trong hệ thống. Cách phân đều theo kiểu cào bằng mà bạn nói đến một phần do người quản lý cấp trên “lười” tính toán và không có sự quyết đoán cần thiết xem đầu tư ưu tiên vào đâu truớc cho có hiệu quả và có thể còn chịu áp lực của các địa phương.
Tuy nhiên, việc kém hiệu quả trước hết và chủ yếu là do không có người đủ trình độ sử dụng các thiết bị hay vận hành tốt bệnh viện... Đây là vấn đề xã hội liên quan đến đào tạo và sự lựa chọn ngành nghề, liên quan đến chính sách sử dụng nguồn nhân lực của ngành y tế. Không có người vận hành thì thiết bị trùm chăn là dễ hiểu. Có nhiều yếu tố khiến các bác sĩ có trình độ chưa chịu về các địa phương trong lúc việc học hành đã phải tự đầu tư tốn kém, thị trường tư nhân ở các đô thị lớn rộng mở thì việc thu hút nhân lực y tế về tuyến cơ sở rất nan giải. Bộ Y tế đã có một số giải pháp nhưng chưa đáp ứng được, cần có sự hỗ trợ của nhà nước nhiều hơn.
Vì tâm lý bụt chùa nhà không thiêng nên bệnh nhân chấp nhận chen chúc lên bệnh viện Trung ương gây quá tải.

PV:- Không chỉ về thiết bị máy móc, có những bệnh viện xây dựng hàng vài chục tỷ nhưng cùng đành làm “nhà hoang” vì bệnh nhân không đến khám bệnh. Để không còn những bệnh viện triệu đô bỏ không, cần có chính sách như thế nào cho hợp lý, thưa ông?

Ông Dương Trung Quốc:- Có vấn đề tâm lý kiểu “bụt chùa nhà không thiêng” nhưng chủ yếu là không có nhân viên y tế giỏi. Vấn đề liên quan đến sinh mạng con người nên khắc phuc nó phải bằng sự thuyết phục của chất lượng khám chữa bệnh, không thể chỉ bằng các quy định hành chính, vì hệ thống dịch vụ y tế có mặt khắp mọi nơi. Vấn đề vẫn là con người và chính sách. Tôi nhớ đến thế hệ các y, bác sĩ “thời thực dân”, chính sách áp dụng thế nào mà họ vẫn chấp nhận làm nghề ở những vùng sâu, vùng xa. Ngoài chính sách đãi ngộ hay điều động hợp lý, y đức là một yếu tố quan trọng khi giá trị của người “thầy thuốc” được xã hội rất coi trọng và sự tự trọng của những người thầy thuốc ấy.

PV:- Để người nghèo không còn phải chịu gánh nặng về y tế. Theo ông nên có chiến lược dài hạn như thế nào cho ngành y để mọi người dân Việt Nam đều được thụ hưởng thành quả của Nhà nước XHCN cụ thể là y tế?

Ông Dương Trung Quốc:- Tôi không đủ hiểu biết để trả lời câu hỏi này. Nhưng tôi chỉ đưa ra một ý nghĩ rất cụ thể. Một trong những nguyên nhân khiến y tế trong nước chưa đựơc quan tâm, đầu tư đúng mức, một phần vì không chỉ các người giàu có mà các nhà lãnh đạo (thường cũng giàu có hoặc có điều kiện tiêu tiền ngân sách) các cấp dính chút bệnh tật là kéo nhau ra nước ngoài chữa bệnh.
Tôi thấy nhiều vị quan chức ngay ở địa phương mới hắt hơi xổ mũi cũng kéo nhau đi xét nghiệm ở nước ngoài, gần thì Thái Lan hay Singapore, Trung Quốc... xa thì các nước Âu, Mỹ tiên tiến. Nếu những người lãnh đạo gương mẫu “ưu tiên” chữa bệnh trong nước (cũng là một thứ người Việt ưu tiên dùng hàng Việt) thì chắc chắn y tế trong nước sẽ đựơc cải thiện một cách căn bản...

Xin chân thành cảm ơn ông!

Bảo Anh (thực hiện)

Nhãn:

0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ