Quần áo

Quần áo

23 thg 9, 2011

Vợ cầm tinh con... hến

Cậy mồm thế nào cả nhà cũng khó được nghe tiếng nói của cô vợ. Chồng chửi mắng thì chồng lại nghe hết, hạnh phúc gia đình cũng từ đó mà rạn vỡ.

Nàng dâu cầm tinh con... “hến”

Trong khi các bà hàng xóm ca thán vì bị con dâu “cãi như chém chả” cả ngày, thì bà Hằng (Tòa nhà 4F, khu đô thị Trung Yên – Cầu Giấy – Hà Nội) lại chán nản vì nàng dâu cầm tinh con... “hến”.

Khi cậu con trai dẫn cô người yêu về ra mắt, bà đã ra công ngăn cản, phản đối. Không phải vì ngoại hình, gia thế, công việc mà chỉ vì tính kiệm lời đến khó chịu của cô. Bất kể lớn bé, già trẻ trong nhà có hỏi han gì cô cũng chỉ trả lời gọn lỏn một câu, như kiểu 1 + 1 = 2. Trong cả bữa ăn cũng không thấy cô nàng hé răng tiếp chuyện người khác đến nửa lời.

Phản đối không được bà Hằng đành chấp nhận và hi vọng khi quen gia đình mới, cô sẽ biết ứng nhân xử thế. Nhưng tình hình không được cải thiện chút nào từ khi cô về làm dâu cả năm nay.

Không ít lần cả gia đình đã phải nổi khùng lên với nàng dâu kiệm lời. Những lúc bị cả nhà “tổng tấn công” là nàng lại lặng lẽ vác ba lô đi công tác dăm bữa, nửa tháng, hoặc về nhà mẹ đẻ. Chỉ vì cái tính lì lợm và coi trời bằng vung ấy, đã hơn 1 lần con trai bà Hằng viết đơn ly dị. Nhưng rồi bà thương con, thương cháu lại khuyên con trai sang đón nàng dâu “quý hóa” về nhà.

Ngày qua ngày, tính tình đó vẫn không sửa đổi tiến bộ hơn chút nào. Bà Hằng ấm ức kể tội con dâu: “Ai đời có thứ con dâu mà bố mẹ hỏi gì thì trả lời đó. Chứ chưa bao giờ nó chủ động hỏi bố mẹ, anh chị em một tiếng. Không hiểu vì thiếu ăn, thiếu học hay vì nó khinh thường nhà chồng nghèo khó?”

Được các bà hàng xóm khen con dâu ít lời, mẹ chồng càng đỡ phải nói, đỡ bị “chém” lại, bà Hằng cười đau khổ: “Những lúc bực tức chuyện gì mình có mắng, có chửi thế nào nó vẫn cứ trơ cái mặt ra, chả thèm đáp lại một câu. Thế còn ức hơn cả bị nó cãi lại. Khác gì mình chửi thì tai mình lại nghe đâu. Ngay cả với chồng nó cũng có buồn nói chuyện mấy. Cứ lừ lừ như cái tàu điện ngầm vậy...”

Bà đã phải tìm đến các chuyên gia tâm lý mong tìm cách cậy được những lời “vàng ngọc” từ cô con dâu. Chuyên gia tâm lý Đinh Đoàn đưa ra lời khuyên cho những trường hợp này rằng: “Có thể vì tính tình của cô này vốn ngại giao tiếp, bác cũng cần phải chấp nhận và nên thấy những hành động, sự chăm chỉ của cô ấy cũng là điểm bù trừ cho sự ít lời. Và sẽ không có cách giáo huấn nào hữu hiệu hơn là chính người trong gia đình phải trò chuyện, tạo không khí cởi mở và thân thiện cho nàng dâu”

Mặc dù, tình cách của mỗi người mỗi khác, nhưng nếu đã sống trong cùng một mái nhà, dù không thể chia sẻ những tâm sự vui buồn, thì cũng cần phải có sự tôn trọng nhất định dành cho nhau. Cả gia đình và nàng dâu cần ngồi lại nói chuyện, hỏi rõ nguyên nhân của việc “coi trời bằng vung” ấy rồi nhìn nhận sự việc một cách khách quan và đúng bản chất. Đừng để chỉ vì sự ít lời mà đánh mất hạnh phúc gia đình - Chuyên gia Đinh Đoàn gợi mở thêm.

Ăn đòn vì hỏi không nói

Nếp sống tại các vùng nông thôn thường rất trọng tình làng nghĩa xóm. Nên để trở thành một người con dâu tốt, đòi hỏi người phụ nữ không chỉ khéo léo trong cách cư xử với gia đình mà còn với cả họ hàng, làng xóm nhà chồng. Chính vì trăm mối quan hệ đó mà rất nhiều người phụ nữ nơi khác về làm dâu đã phải chịu điều tiếng xấu.

Không muốn vợ rơi vào hoàn cảnh bị cả làng dị nghị, Bình (Quế Võ, Bắc Ninh) đã “dạy vợ từ thuở bơ vơ mới về". Nào là gặp người lớn tuổi dù không biết ai cũng phải chào ông, chào bà, chào chú bác, nào là khách đến nhà chơi phải niềm nở tiếp đón… Khổ nỗi cô vợ 8X của anh quả đúng như mẹ anh nói là “cầm tinh con hến”.

Bình vốn là cháu đích tôn của dòng họ, tết nhất hay cỗ bàn gì họ hàng lại tập trung đông đủ ở nhà anh. Nhưng đã không ít lần Bình ngượng chín mặt với các vị trưởng lão khi vợ anh không biết chào hỏi người lớn.

Một bà thím của Bình đã nói thẳng vào mặt vợ chồng Bình rằng: “Tao là ngang với bố mẹ chúng mày chả lẽ lại phải chào vợ mày là bà trẻ trước hả? Gặp người lớn mà cứ giương cái mắt lên nhìn, hỏi bố mẹ chồng đâu mà nó cũng chả buồn lên tiếng.”

Xấu hổ vì cô vợ “hến”, Bình đã “sạc” cho vợ một trận ngay sau bữa cỗ. Sự bực tức trong Bình càng bùng nổ khi anh mắng chửi, vặn hỏi thế nào vợ anh cũng không phân trần gì. Vợ Bình chỉ nói một câu “Không thích mà cũng không biết nói chuyện gì cả”.

Anh lại càng điên tiết lên khi cô về làm vợ anh đã 2 năm nay mà bảo không biết ai, không biết chuyện gì để tiếp chuyện người lớn, hay ngay cả những người chị em cùng trang lứa. Bình đã thẳng tay “tặng” cô vợ một cái bạt tai nổ đom đóm mắt và tuyên bố: “Nếu cô không chịu thay đổi, cứ câm như hến vậy thì mau cuốn gói khỏi nhà tôi. Tôi lấy vợ bình thường chứ không phải lấy một người thiểu năng”.

Nhưng sau trận đòi đáng nhớ đó, vợ Bình vẫn chứng nào tật ấy. Lầm lì, ít nói, không biết giao tiếp với người khác. Nguy cơ đổ vỡ gia đình nhỏ ấy thật không đáng có chỉ vì cô không biết cư xử đúng cách với những người xung quanh.

Cuộc sống không phải chỉ có một mình mà còn cả một cộng đồng xã hội nhìn vào. Vì vậy mỗi người cần có cách cư xử đúng mực, hợp với văn hóa mỗi nếp nhà, làng xóm. Dân gian vẫn nói “Thuận vợ thuận chồng tát biển đông cũng cạn”, chỉ khi vợ chồng đồng lòng gia đình mới thuận hòa, hạnh phúc.

“Nguyên nhân chính gây ra tan vỡ gia đình là vợ chồng không có sự thông cảm cho nhau và hay đặt cái tôi của mình lên trên cả hạnh phúc chung của gia đình. Hãy biết kiềm chế tình cảm, cảm xúc những khi có việc bức xúc thì chắc chắn cuộc sống sẽ bớt căng thẳng hơn rất nhiều.” – chuyên gia tâm lý Lê Thu Hiền (Giám đốc Trung tâm tư vấn Người bạn tri kỉ) chia sẻ.

Nhãn:

0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ