Cần làm rõ cái chết uẩn khúc của một cô giáo
Trong túi áo khoác của cô giáo Lan có một bức di thư viết vội vào tờ lịch treo tường ghi rõ lý do cô tìm đến cái chết.
Sau một ngày đêm đi tìm mẹ ở khắp nhà người thân mà không có kết quả, các con của cô giáo Lan bất ngờ khi thấy áo khoác, dép và nón của mẹ trên một bờ ao trong xã. Trong túi áo khoác để lại trên bờ của cô có một bức di thư viết vội vào tờ lịch treo tường ghi rõ lý do cô tìm đến cái chết là vì bị một lãnh đạo nhà trường trù dập, bôi nhọ...
Lá di thư chứa nhiều nỗi niềm
Trong di thư để lại được viết sau mặt tờ lịch ngày 27/7/2011, cô giáo Nguyễn Thị Lan, giáo viên Trường tiểu học Hồng Hà (xã Hồng Hà, Đan Phượng, Hà Nội) có viết: "Tôi dạy học đã 37 năm kết quả đã được các cấp lãnh đạo trong ngành, các anh chị cùng trường đã ghi nhận. Ngày hè năm 2010 và ngày 30/9/2010, hiệu trưởng đã dùng chức quyền để làm và nói những điều ác, bôi nhọ danh dự của giáo viên (như tôi) trước hội nghị CBGV (cán bộ giáo viên-PV). Ai cũng nghe rõ, tôi cũng trả lời phản đối ngay nhưng cũng không trả lời được hết vì đầu đã bị ức chế nên những điều ác đó cứ ám ảnh trong đầu tôi. Tinh thần tôi bị hủy diệt dần trong sự sống....".
Chị Nguyễn Thị Hằng, 34 tuổi, con gái của cô Lan và cũng là giáo viên cùng trường với mẹ đã 10 năm cho biết: "Mẹ em vốn là người hiền lành, có tâm huyết với nghề, nhưng thời gian gần đây, mẹ em rất buồn. Mẹ em suy sụp tinh thần, u uất không giải tỏa được mà dẫn tới cái chết cũng vì những lời xúc phạm của lãnh đạo".
Theo chị Hằng, nguyên nhân đầu tiên dẫn tới chuỗi ngày đau khổ của cô giáo Lan có lẽ là do một câu nói đùa của chị trong một cuộc họp cách đây đã nhiều năm. Hôm đó chị có nói đùa: "Cô Tổng phụ trách, Hiệu trưởng vắng cũng phải ghi vào". "Không biết câu nói đó đến tai vị lãnh đạo nhà trường thế nào mà hôm sau, em bị lãnh đạo gọi lên giáo huấn: "Cô chỉ là một giáo viên, có cái thá gì. Tôi đi đâu phải báo cáo cô sao? Thích nói đùa thì về mà nói đùa với bố mẹ ở nhà. Tôi cảnh cáo toàn trường". Mẹ em cũng ở đấy xấu hổ đứng lên có tát em một cái, về nhà hai mẹ con ôm nhau khóc. Từ đấy em bị trù úm, mẹ em cũng bị lây", chị Hằng kể.
Cũng theo chị Hằng, cô giáo Lan đã công tác ở trường 36 năm, đến tháng 10/2011 này là về hưu. Trong quá trình công tác, cô Lan luôn là giáo viên dạy tốt, không có một điều tiếng gì.... Nhưng vào năm 2010 một số phụ huynh gửi đơn nói cô già, yếu, nói nhỏ, mắt kém không có đủ khả năng để dạy dỗ con em họ nên nhất định không cho cô dạy lớp đó. Lá đơn chuyển đến tay Hiệu trưởng, lập tức cô Lan được chuyển sang dạy lớp khác.
"Sự việc có lẽ sẽ không quá căng thẳng nếu lãnh đạo nhà trường chỉ dừng lại ở việc giải quyết đơn của phụ huynh. Nhưng đằng này lại đưa đơn ra trước Hội đồng nhà trường, rồi Hội đồng giáo dục xã, rồi đọc trên loa nữa. Mẹ em nghe thấy những lời đó rất bức xúc, tinh thần suy sụp, nhiều khi không ăn uống gì. Mỗi khi tâm sự với các cô, chú về công việc mẹ em chỉ biết khóc. Sau đó, mẹ em đã xin nghỉ một tuần, bỏ nhà đi khiến cả nhà đã phải đi tìm. Gia đình em đã báo cáo lên Phòng Giáo dục huyện nhưng sau gần một năm, mọi việc cứ lặng lẽ trôi mà không thấy trên giải quyết gì", chị Hằng nghẹn ngào nói trong nước mắt.
Về sự việc này, cô giáo Lan ghi chép lại: "Trường tiểu học Hồng Hà có 3 điểm trường ở Tiên Tân, Bồng Lai và điểm trường chính thuộc cụm 5. Ngày 7/7/2010, Trường tiếp nhận học sinh vào lớp 1. Tôi được phân công nhận học sinh mẫu giáo ở khu vực Tiên Tân - Hồng Giang. Ngày hôm đó tôi không tới lớp nhận học sinh được vì ốm. Sau hôm đó tôi được đồng chí hiệu phó bàn giao hồ sơ học sinh ở Bồng Lai. Tôi chấp hành xuống dạy ở Bồng Lai. Sau vài hôm tôi được biết là có đơn ở trường Tiên Tân, tôi có đến hỏi lãnh đạo. Tôi đề nghị nhà trường phân công tôi trở lại lớp khu vực Tiên Tân để chứng minh năng lực. Nhà trường không giải quyết điều tôi đề nghị... Ngày 30/9/2010 Hội nghị cán bộ giáo viên, Hiệu trưởng phát biểu nội dung đơn trước hội nghị và nói thêm một số từ để bêu tôi trước hội nghị khiến tôi bẽ bàng, xấu hổ...".
Trút ấm ức vào nhật ký
Trong đơn gửi Báo GĐ&XH, anh Nguyễn Đình Hưng, con trai cô giáo Lan đề nghị làm rõ trách nhiệm của lãnh đạo nhà trường trong cái chết của mẹ mình. Theo đó, ngày 1/9/2011, cô giáo Lan bỏ nhà đi đâu không rõ, suốt đêm và cả ngày hôm sau không về. Cả nhà cô giáo và anh em nội ngoại chia nhau đi tìm khắp nơi nhưng không thấy. Đến 16h ngày 2/9 thì phát hiện tư trang và di thư trong túi áo khoác cô giáo để lại trên bờ ao. Sau khi an táng, gia đình lại tìm được nhiều trang nhật ký ghi lại những uất ức của cô giáo Lan với lãnh đạo nhà trường khi còn đang công tác. |
Sau khi an táng cho cô giáo Lan xong, những người thân trong gia đình cô giáo Lan lại tìm được rất nhiều những đoạn ghi chép đầy ấm ức.
"Đầu năm lớp tôi được trang bị bàn giáo viên mới, sau đó Hiệu trưởng cho ông quản trường khênh bàn mới về văn phòng Hiệu trưởng. Hôm sau tôi tới lớp không có bàn giáo viên, tôi hỏi ông quản trường thì ông ấy bảo lấy về văn phòng Hiệu trưởng. Thế là lớp tôi không có bàn giáo viên. Hôm sau, tôi lên lớp thì thấy có cái bàn giáo viên đã rách nát và phế thải từ lâu. Tôi thật bức xúc nhưng không muốn nói ra trước hội đồng. Tôi nghĩ thầm mà sức khỏe bị suy sụp".
Trong một tâm sự khác, cô Lan có viết: "Cuối năm học tôi có phát biểu một số ý kiến đóng góp về sự chỉ giáo sai trái của Hiệu trưởng đối với giáo viên, lập tức đầu năm học Hiệu trưởng lại nghĩ ra một việc để sỉ nhục tôi. Đó là phân công tôi xếp ghế và dọn ghế của học sinh ở sân trường (ngày khai giảng) mà không phân công học sinh các lớp cùng làm với tôi. Học sinh các lớp vào hết lớp, đầy một sân trường ghế học sinh - Hiệu trưởng lên kế hoạch cho người gọi loa tôi lên dọn ghế ở sân trường. Thật là bỉ ổi. Thật là bức xúc. Tôi tự hỏi và tự trả lời"...
Trong một đoạn nhật ký khác ghi ngày 5/9/2005, cô giáo Lan buồn vì việc tâm trạng vui buồn của cô cũng bị vị lãnh đạo nhà trường can thiệp: "Lời khuyên của Hiệu trưởng là: "Chả gì cháu cũng là người quyền cao nhất ở trường này, cô không được buồn ở trong trường làm cho không khí ở trường mất vui - cô thích buồn thì về nhà mà buồn, không ai ngăn cản được".
Lật giở tập nhật ký ghi chép của cô Lan để lại còn có rất nhiều lá đơn xin nghỉ việc nhưng chưa kịp gửi. Còn rất nhiều đoạn tâm sự khác cô giáo Lan viết trong sổ tay của mình về những uất ức trong thời gian đứng lớp mà chúng tôi không tiện nêu ra ở đây.
Phóng viên Báo GĐ&XH đã về xã Hồng Hà - nơi cô giáo Lan dành gần cả đời người sinh sống, làm việc để rồi phải quyên sinh trong nỗi ấm ức không nói nên lời để tìm hiểu rõ bản chất sự việc. (Còn nữa)
Nhãn: Đời sống
0 Nhận xét:
Đăng nhận xét
Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]
<< Trang chủ