Quần áo

Quần áo

15 thg 8, 2011

Gia đình tan vỡ chỉ vì vợ "sáng nắng, chiều mưa"

Hờn dỗi là một nét tính cách rất đáng yêu của phụ nữ. Nhưng khi quá liều, nó trở thành thói đỏng đảnh khiến các đức ông chồng…hết hồn con chim én. Tai hại hơn, thuốc phản tác dụng, dẫn đến một hậu quả khôn lường: vợ chồng kéo nhau ra tòa ly hôn.

Chỉ vì quá được nuông chiều

Có thể khi yêu, những tính cách ngây thơ, nhí nhảnh của người yêu là điểm cộng trong mắt các chàng trai. Thế nhưng, cuộc sống gia đình với biết bao lo toan công việc đã khiến các ông chồng đủ mệt đầu, cộng thêm tính khí thất thường của vợ sẽ khiến người đàn ông chịu áp lực quá nhiều, dẫn đến sự không hòa hợp của hai vợ chồng và rất có thể gia đình sẽ bị rạn nứt.

Hương và Minh lấy nhau đã được 4 năm, từ những ngày đấu mới cưới về, anh đã luôn tâm sự với vợ rằng, vợ chồng mình sẽ cùng nhau làm tất cả mọi việc. Dù là việc nội trợ hay những công việc to tát hơn. Nên anh cố gắng hạn chế những buổi nhậu nhẹt với bạn bè để lo cơm nước giúp vợ. Thời gian đầu vợ chồng anh rất hạnh phúc, vì hai vợ chồng biết phân chia công việc hợp lý nên ít va chạm, lại có nhiều thời gian ở bên cạnh nhau hơn.

Thế nhưng anh Minh cũng nói rằng, càng ngày vợ anh càng hay bận rộn hơn. Cả tuần có 5 ngày đi làm thì phải bốn ngày rưỡi vợ phải làm thêm ở công ty đến 8 – 9 giờ tối mới về. Anh thương công việc của vợ vất vả nên cứ đi làm về là lo dọn dẹp nhà cửa, cơm nước, ngâm quần áo cho vào máy giặt…. giúp vợ. Có nhiều hôm mệt quá không làm được, vợ về đến nhà lại hậm hực trách móc. Có những hôm, được ngày nghỉ ở nhà, vợ lại nằm trên giường năn nỉ anh: “Anh giặt quần áo giúp em nhé em mệt lắm!”. Làm xong lại giả vờ mơ màng ngủ và nói: “Anh chịu khó đi chợ đi em ngủ một lát. Lát về em nấu cho”. Đi chợ về thấy vợ đã ngủ thật rồi. Anh cũng chẳng buồn gọi vợ dậy nữa mà tự nấu cơm, lau nhà. Xong mới gọi vợ dậy ăn.

Cho đến một hôm đang tất tưởi đi từ công ty về, anh bỗng nhận ra khuôn mặt tươi rói của vợ đang thích thú buôn chuyện với mấy cô bạn từ cửa hàng quần áo đi ra. Lại tiếp vào một cửa hàng quần áo khác… Sau này anh mới biết những hôm vợ kêu bận, hóa ra là bận đi spa, đi salon, đi massage, xem phim tán gẫu với bạn bè. Cũng chẳng phải mình vợ mà các bà bạn cùng công ty vợ, ai cũng có cái lý do công việc vĩ đại của mình để trốn việc nhà. Nhường lại cho các ông chồng



“Thành tích” 4 năm gần 30 lần bỏ về nhà ngoại

Trong đời thẩm phán N.M.A (Tuyên Quang) với hơn 20 năm trong nghề, từng chứng kiến không biết bao nhiêu vụ án ly hôn, nhưng có những vụ ly hôn đình đám nổi tiếng khắp tỉnh bởi tính chất bi hài của nó đọng lại trong ông những cảm xúc ám ảnh dai dẳng. Lẽ thường, những phiên tòa ly hôn diễn ra chóng vánh, nhanh chóng bởi khi đã đưa nhau ra tòa, cả hai bên chẳng còn ràng buộc bất cứ thứ tình cảm nào. Từ tài sản đến con cái đều được họ phân chia rạch ròi theo đúng trách nhiệm, bổn phận cần thực hiện mà luật pháp quy định. Tuy nhiên, có những vụ ly hôn đến giờ nhắc lại vẫn khiến ông cười chảy nước mắt, đằng sau đó là sự nuối tiếc cho những cặp vợ chồng một thời nên nghĩa nên duyên.

Cách đây chừng 3 tháng, thẩm phán A từng chứng kiến một vụ ly hôn của vợ chồng anh T, chị M. Nghe anh T trình bày, vợ anh vốn là một cô gái đỏng đảnh, từ ngày yêu nhau đã thế rồi. Nhưng anh nghĩ rằng khi lập gia đình, có con và ràng buộc nhau bởi rất nhiều thứ M sẽ trưởng thành và chín chắn hơn. Vậy mà từ khi cưới, mới được hơn 4 năm mà tính ra khoảng gần ba chục lần cô ấy viết đơn ly dị, đòi bỏ về nhà ngoại. Khi chưa có con, M đi về một mình. Lúc có con, cô ấy ôm cả con đi, có lần T ngăn được bước chân của vợ, còn đa phần cô ấy bỏ về nhà ngoại. Anh T buồn rầu: “Chúng tôi yêu nhau, điều đó tôi không hề phủ nhận nhưng phải cái khắc khẩu và ngang bướng. Hai vợ chồng không ai chịu ai”. Rồi anh đưa mắt sang nhìn chị M – người phụ nữ ngồi hàng ghế bên cạnh, mặt lạnh tanh không động đậy chút cảm xúc. Mọi chuyện càng tệ hơn khi chị M có thói quen hay duy diễn. Với anh T, đó là những suy diễn hết sức vô lý, ngớ ngẩn, khó hiểu còn chị M cho rằng đó là những suy luận logic, chặt chẽ. Ví dụ một lần hai vợ chồng cùng dọn dẹp nhà cửa, đồ đạc ngổn ngang bề bộn. anh T lúi húi dọn dẹp một mình còn vợ nằm ườn xem ti vi, anh có nhắc nhở nhẹ nhàng vợ, M miễn cưỡng cầm cái chổi lau nhà, đưa đi đưa lại hời hợt như phường chèo, miệng không ngừng kêu ca: “Gớm! em bảo rồi, thuê mấy bà đồng nát lau nhà cho, cần gì động tay động chân cho mệt. Hay là anh tiếc rẻ dăm ba đồng bạc. Để em trả tiền đồng nát.”, rồi cô vợ mặt mày nhăn nhó vẻ nặng nhọc. Anh T muốn chủ nhật, hai vợ chồng cùng dọn dẹp nhà cửa, hoạt động một chút cho thư giãn, mà cũng toàn việc nhẹ nhàng nhưng M đây đẩy từ chối. Thời gian M kêu ca đủ dọn dẹp xong cả khối công việc, cô ấy càng nói càng khó nghe dù giọng vẫn đều đều. Thấy vợ nói nhiều trong khi làm việc hời hợt, anh T cáu nhặng lên, hai vợ chồng cãi nhau. M lôi cái vali ở góc nhà, xếp quần áo đòi về nhà mẹ đẻ.

Lần công ty mở tiệc liên hoan về muộn, M gọi giục tới tấp, ngại với đồng nghiệp T tắt máy. Lúc về đến nhà thấy vợ mắt sưng húp, một tay vali, một tay cầm chìa khóa cửa chờ đợi. M nức nở, nào là anh không coi đây là cái nhà nữa, không coi chị là vợ nữa, chị chẳng có vị trí nào trong cái nhà này, chị đi trả lại anh cuộc sống độc thân tự do tự tại, muốn làm gì thì làm. Lúc ấy sẵn hơi men trong người, về định bụng xin lỗi vợ rồi nhưng thấy cô ấy nói nhiều quá đâm ức chế, hai vợ chồng cãi nhau ỏm tỏi. Hôm ấy, cô ấy bắt taxi về nhà mẹ đẻ ngay giữa lúc 12 giờ đêm. Cả đêm T mất ngủ vì vừa lo cho vợ, phần nữa do điện thoại bố mẹ vợ gọi sang.

Hễ chuyện gì xảy ra, trong bất cứ sự tranh cãi nào cũng dẫn đến việc cô ấy đòi ly dị và về nhà ngoại. Thậm chí M còn in sẵn cả đống đơn ly hôn, hễ có xung đột là mang ra dọa dẫm, khống chế T. Quá mệt mỏi với cuộc sống hiện tại, lần này anh T là người chủ động gửi đơn ly hôn để chấm dứt cuộc sống ngột ngạt của hai vợ chồng.

Chính M cũng bàng hoàng, không ngờ chồng chị là người chủ động gửi đơn lên tòa án. Trước khi nghe kết luận cuối cùng của tòa, chị M mới lột bỏ bộ mặt lạnh lùng, khóc bù lu bù loa, nói anh T “độc ác, tồi tệ, bỏ rơi người vợ hiền, đảm đang” như chị. Tòa xử anh T và chị M ly hôn đúng theo nguyện vọng của anh T. Anh trở về nhà, còn lại cô vợ đỏng đảnh ngồi khóc lóc, không ngừng trách anh bạc bẽo, vô tình mà quên rằng kết quả bi thảm thế này một phần lớn là do lỗi của chị.

Bà vợ Hoạn Thư đỏm dáng

Luật sư T.M.H (Bắc Cạn) từng đảm nhận vai trò luật sư tư vấn cho một người phụ nữ tên Huệ trong vụ ly hôn với người chồng tên Thư. Mặc dù thân chủ của luật sư H đề nghị trả anh rất nhiều tiền nhưng luật sư H không thể “trụ” được với vị khách hàng “đỏng đảnh con cá cảnh” của mình.

Hẹn trao đổi công việc lúc 8 rưỡi sáng ở một quán cà phê nhỏ, nhưng kim ngắn đồng hồ nhích dần sang con số 10 mới thấy chị uyển chuyển đi tới. Ăn vận phấn son lòe loẹt, chiếc áo cổ trễ gợi cảm, cung cách của một người lắm tiền nhiều của. Chị hách dịch gọi một ly đen đá, ngúng nguẩy lôi từ chiếc túi da đen bóng tập tài liệu, hất hàm: “Anh về nhà xem qua, có gì thắc mắc a lô cho tôi, tôi sẽ kể chi tiết cho rõ”. Rồi vừa nhấp ngụm cà phê đen, chị “tường thuật” lại những trái khoáy của chồng chị – người đàn ông tên Thư. Sau buổi gặp gỡ thân chủ hôm đó, luật sư H tìm hiểu, thu thập thông tin về vị thân chủ đài các của mình. Hàng xóm xung quanh mỗi lần nhắc đến Huệ đều lắc đầu, lè lưỡi: “Cô ấy khiếp lắm. Người đâu mà kì cục”. Mãi sau luật sư H mới hiểu “kì cục” của họ mang hàm nghĩa gì.

Hai vợ chồng chị Huệ và anh Thư lấy nhau được 8 năm, bản tính ân cần, chu đáo, anh Thư chiều vợ hết mực, được thể chị Huệ càng lấn tới. Có lần chị đi nghỉ mát cùng công ty, để tạo bất ngờ cho vợ, anh ở nhà thay mới rèm cửa, trang hoàng lại đồ đạc trong nhà với hi vọng mang lại niềm vui cho chị. Nào ngờ chị về nhà bù lu bù loa, nói anh không tôn trọng vợ, chê ỏng chê eo cái rèm cửa màu xanh ngọc xấu xí, lạc điệu hoàn toàn với ngôi nhà theo kiến trúc kiểu Pháp, tường treo vài bức tranh rẻ tiền, mất thẩm mỹ. Như bị hắt gáo nước lạnh vào mặt, anh Thư nín nhịn bỏ lên tầng. Tưởng thế là xong, chị chạy thốc tháo lên phòng, nói anh khinh thường chị, vợ đang nói mà chồng lẳng lặng bỏ lên trên. Rồi có bao nhiêu đồ đạc trong nhà chị đáp thẳng xuống đất. Không chịu được cách hành xử vô lối của vợ, giận quá, anh ôm gối xuống phòng khách nghỉ. Đêm hôm khuya khoắt, chị lôi đứa con gái 6 tuổi ra thuê khách sạn nghỉ vì nhà ngoại mãi tận Nghệ An, nếu không chắc chị cũng tìm đường về quê ngoại.

Biết tính vợ đỏng đảnh, làm gì anh cũng lựa vợ, tránh xung đột vợ chồng. Tưởng thế là yên thân nhưng Huệ chẳng để yên. Hơn nữa, vợ có tính ham mê shopping, dăm ba ngày lại vác về nhà một đống quần áo mới, toàn hàng hiệu đắt tiền. Quần áo thừa mứa mặc không hết, có cái vợ mới xỏ một lần lại vứt xó, xót ruột, Thư góp ý với vợ nên tiết kiệm, chị được đà suy diễn: “anh tiếc tôi dăm ba đồng bạc lẻ. Ngày xưa bảo tôi thích gì làm nấy, nay tôi mua vài bộ quần áo anh mắng mỏ, cấm đoán tôi”, rồi chị lôi xềnh xệch cô con gái ra khách sạn nghỉ, đợi vài ngày sau chồng ra xin lỗi lại về. Chưa hết, Huệ lại có tính ghen bóng, ghen gió dù chồng rất mực nghiêm cẩn, đứng đắn. Mỗi lần chồng đi làm về, chị lại săm soi xem trên áo có vương sợi tóc, dấu son nào không. Chán nản cuộc sống vợ chồng, anh Thư đề nghị ly hôn, chị mắng anh ruồng rẫy vợ con, nghi kị anh theo bồ trẻ. Chị còn lớn tiếng: “nếu ly hôn thì tôi phải là người đệ đơn chứ không phải anh” và chị tìm tới luật sư H để “tìm công bằng”.

Nghe người hàng xóm mục sở thị hoàn cảnh gia đình chị Huệ, luật sư H nghe mà toát hết cả mồ hôi. Ông nhớ tới lời thân chủ của mình trước rời khỏi quán cà phê hôm trước: “trong cuộc hôn nhân này, tôi là người bị hại. Tôi hi sinh tất cả vì chồng vì con vậy mà bị đối xử tệ bạc. Anh phải đòi lại công lý cho tôi” – vị luật sư lắc đầu: “hú hồn, chả biết ai mới là người “bị hại” nữa. Anh xin rút khỏi vị trí luật sư trong cuộc ly hôn này, bởi ngay từ đầu thân chủ đã không thành thật với anh, đồng tiền quan trọng nhưng đạo đức nghề nghiệp còn quý giá hơn.

Webphunu.net mượn lời thẩm phán N.M.A (Tuyên Quang) thay cho lời kết: “Tính khí đỏng đảnh sớm nắng chiều mưa của các bà vợ khiến không ít hôn nhân rơi xuống vực thẳm. Cần sự cảm thông, bao dung của đức lang quân, bên cạnh đó từ từ điều chỉnh, góp ý chân thành để vợ nhận thấy khuyết điểm và sửa chữa sai sót. Trong hôn nhân, cần sự chung tay góp sức cả từ hai phía, có vậy gia đình mới thuận hòa, êm ấm mãi mãi.”

Nhãn:

0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ