Thời kỳ đồ "second hand" ở VN
Tôi còn nhớ những năm mình hơn 10 tuổi, có một niềm vui là cứ đến cuối tuần, lại được cô Út dẫn đi mua đồ “second-hand” ở chợ trời Bà Chiểu.
Khi đó là những năm đầu 90, quần áo may sẵn chưa phong phú như bây giờ. Ngoài chợ chỉ có kiểu đồ lên sẵn đồng loạt, chất lượng thấp và các cửa hiệu quần áo thời trang cao cấp ở khu Lưu Văn Lang, Trương Định thì đối với tuổi của tôi lúc ấy, nó quả là những món đồ xa xỉ. Bởi vậy, khi bắt đầu khám phá ra thế giới đồ “second-hand”, mà dạo ấy, không hiểu vì sao người ta hay gọi “đồ Sida”, cũng là lúc bắt đầu hình thành trong tôi một sở thích mới “đi săn hàng second-hand”. Với một cô bé yêu thích quần áo, vải vóc như tôi thì đồ second-hand là một thế giới thời trang phong phú đủ kiểu áo, váy, đầm… được mua giá rẻ và dĩ nhiên cũng là hàng độc. Tôi vốn quan niệm “cũ người mới ta” cho nên không ngại khi mặc đồ đã qua sử dụng nhưng còn tốt, đẹp và hợp với mình.
Khi đó là những năm đầu 90, quần áo may sẵn chưa phong phú như bây giờ. Ngoài chợ chỉ có kiểu đồ lên sẵn đồng loạt, chất lượng thấp và các cửa hiệu quần áo thời trang cao cấp ở khu Lưu Văn Lang, Trương Định thì đối với tuổi của tôi lúc ấy, nó quả là những món đồ xa xỉ. Bởi vậy, khi bắt đầu khám phá ra thế giới đồ “second-hand”, mà dạo ấy, không hiểu vì sao người ta hay gọi “đồ Sida”, cũng là lúc bắt đầu hình thành trong tôi một sở thích mới “đi săn hàng second-hand”. Với một cô bé yêu thích quần áo, vải vóc như tôi thì đồ second-hand là một thế giới thời trang phong phú đủ kiểu áo, váy, đầm… được mua giá rẻ và dĩ nhiên cũng là hàng độc. Tôi vốn quan niệm “cũ người mới ta” cho nên không ngại khi mặc đồ đã qua sử dụng nhưng còn tốt, đẹp và hợp với mình.
Thói quen và sở thích đó theo tôi một thời gian rất dài, dù đã đi làm, có thu nhập. Lúc này, theo trào lưu, hàng second-hand rất được chuộng nên có nhiều khu mới mọc lên như đường Trương Định chuyên chemise trắng, kế bên đó là đường Hồ Xuân Hương thì chuyên giày, giỏ xách, xung quanh chợ Phạm Văn Hai thì đồ jeans…
Cảm giác đi mua hàng second-hand quả thực là một trải nghiệm thú vị! Cứ y như là bạn “đi săn” và không biết rõ hôm ấy mình sẽ “thu hoạch” được món nào. Có khi thật là sung sướng lâng lâng khi tìm được cái áo đầm vừa ý, đôi giày xinh xinh hay chiếc giỏ đẹp với giá hời và dĩ nhiên cũng có lúc ngược lại, ra về tay không.
Đồ second-hand lên ngôi được chừng hơn 3 năm thì bắt đầu chựng lại, nhường chỗ cho hàng nhập khẩu và hàng “lên” trong nước. Siêu thị xuất hiện, nhiều trung tâm thương mại mọc lên và bán quần đủ thứ quần áo hàng hiệu, hàng thiết kế ngày càng đẹp, chất lượng hơn. Dù vậy, đồ second-hand vẫn không mất hẳn đi mà chuyển mình sang một dạng “sang” hơn mà giới sành điệu thời trang gọi là “hàng vintage” (theo tiếng Anh, từ vintage ngoài ý nghĩa xưa, cũ còn mang ý nghĩa cổ điển, đẹp và có giá trị).
Hàng vintage thì không hỗn tạp như đồ second-hand mà đã có sự tuyển lựa hẳn hoi từ chất liệu đến kiểu dáng. Muốn mua hàng đẹp thì người ta cũng không ra chợ nữa mà phài vào shop vintage hẳn hoi. Những shop này có nguồn hàng riêng. Họ lựa đồ đẹp, đồ “nước 1”, hợp thời trang để bán. Ở shop đó, có khi người ta chấp nhận bỏ một số tiền cao ra để mua 1 cái túi second-hand mà biết chắc nó là hàng đẹp, hàng độc, bằng da thật, nhập từ Châu Âu chẳng hạn.
2. Túi xách vintage ở Đức
Về phần mình, vài năm gần đây, tôi chuyển sang Đức sống. Những tưởng trong một đất nước văn minh, có nền kinh tế cao thì đồ “vintage’ mất dạng, thật ra không phải vậy. Nó còn ngược lại nữa là khác. Và một lần nữa, sở thích “đi săn hàng vintage” ngày xưa quay về với tôi.
Đồ vintage ở Đức có 2 dạng bán. Một là trong các cửa hiệu đồ vintage chỉ bán chủ yếu quần áo, túi xách… với giá nhất định, hai là ở Flohmarkt – chợ trời bán đủ thứ có mặt, có tên trên đời này và được trả giá thỏa thích. Chợ trời ở đây chỉ họp vào các buổi sáng chủ nhật mỗi tuần. Đa số khu dân cư sinh sống nào cũng có 1 cái chợ trời lớn nhỏ tùy nơi. Và cứ 3 tháng một lần thì tập trung lại thành 1 cái chợ trời lớn, bán cả ngày.
Tôi rất thích đi chợ trời ở đây, bởi vừa có thể nghe ngóng và nhìn ngắm cái không khí bán buôn, người qua kẻ lại tấp nập và vừa để “săn” những món hàng độc với giá rẻ bất ngờ.
Nói thêm là chợ trời ở đây được tổ chức rất hay. Những người bán ở chợ trời không phải là con buôn chuyên nghiệp. Ngay cả tôi cũng có thể mở cho mình một “sạp” ở đây nếu muốn. Chỉ cần đăng ký với người tổ chức, đóng một ít tiền xem như “thuế mặt bằng và phí vệ sinh” chỗ bán trong ngày (thường là ở bãi đậu xe của một siêu thị, cuối tuần đóng cửa). Còn hàng hóa, số lượng thì tùy mình. Trong nhà có cái gì còn dùng được nhưng không cần đến nữa thì đem ra bán hết. Quần áo, giày dép, đồ trang sức, tranh treo tường, sách, đồ nội thất, bếp điện, bình hoa, đồ chơi, đồ điện tử cũ… Nói chung là ở chợ trời không thể đếm xuể có bao nhiêu mặt hàng.
Vì chợ trời là ở ngoài trời nên kiểu bày biện cũng rất tùy nghi. Có người trưng trên bàn, có người bày la liệt dưới đất và cũng có người xếp đồ trên cốp xe hơi để bán, miễn sao cho người mua dễ thấy mình bán gì.
Ở chợ trời không có bảng giá, mọi mua bán trao đổi tùy thuộc vô người mua và người bán. Với tâm lý “dọn sạch nhà” là chính cho nên ra chợ trời rất dễ mua được những món đồ còn đẹp hoặc mình đang cần với giá hời. Người bán hàng ở đây cũng không phải đóng thuế gì cả ngoài tiền thuê chỗ cho nên đa phần cứ có người trả giá một chút là họ bán ngay, chả phải tính lời lỗ gì hết. Nhìn chung là các buổi chợ trời diễn ra rất vui, có chút ồn ào, rất nhộn nhịp, giống như người ta đi hội chợ cuối tuần để gặp gỡ và giao lưu nhiều hơn là mang ý nghĩa kinh doanh.
Lần đầu tiên đi chợ trời ở đây, tôi đã bị hoa mắt vì cứ như lạc vào một mê hồn trận với đủ thứ trên đời, được sắp xếp lộn xộn không theo một trật tự nào hết. Và hẳn nhiều người khác cũng vậy. Do đó, tôi thấy đa phần ai đi chợ trời cũng có một mục đích nhất định. Có người chuyên mua sách cũ. Có người chỉ mua quần áo cũ. Các ông bà lớn tuổi thì đi tìm đồ cổ ở đây. Còn như mẹ chồng tôi thì có sở thích sưu tập thố súp. Bộ sưu tập của bà đã lên tới hàng trăm cái, mà có những cái bằng porcelain hàng cổ mấy chục năm, mạ vàng được mua với giá rất rẻ ở chợ trời.
Riêng tôi, từ ngày khám phá ra chợ trời thì cũng có chuyên tâm săn lùng một mặt hàng duy nhất: đó là túi xách da vintage.
Như nhiều phụ nữ khác, túi xách là niềm đam mê của tôi ngoài giày dép (nhưng món này tôi không mua hàng second-hand). Đối với tôi, túi xách vintage là cả một thế giới phong phú bất tận. Hiện nay, bộ sưu tập túi vintage của tôi cũng đã lên tới vài chục cái đủ kiểu dáng và có tuổi đời khác nhau, cái “già” nhất cũng hơn 40 năm tuổi rồi.
Như đã nói ở trên, thì ở chợ trời có rất nhiều chủng loại hàng hóa được bày bán lộn xộn, nên nhìn dễ bị rối mắt. Sau một vài năm đi chợ trời, tôi cũng có rút riêng ra vài kinh nghiệm cho mình để “săn lùng” túi vintage đẹp là:
Thứ nhất: cứ tìm đến những bà cụ già mà hỏi, thế nào bà cũng có một hai chiếc túi còn giữ lại của thời son trẻ mà bây giờ không biết làm gì nên đem ra bán. Có nhiều cái túi tôi đã mua còn rất mới, đẹp vì được giữ kỹ. Túi này đa phần xuất xứ từ Ý, Pháp hay Đức, chất lượng tốt nên còn rất bền và có mùi thơm nức nở của da thật!
Thứ 2: phải chịu khó kiên nhẫn và chịu khó “bới lục” bởi có nhiều hàng tôi đi ngang qua lại nhiều lần chẳng thấy treo cái túi nào trên giá hay để trên bàn hết, nhìn kỹ lại mới thấy phía dưới gầm bàn có cái rổ trong đó chứa đủ thứ đồ linh tinh kèm vài cái túi xách rất đẹp.
Thứ 3: phải có kinh nghiệm định giá được chất liệu túi xách bằng da. Cái này thì cũng không khó lắm vì hàng da thật thì nó sẽ… thơm mùi da, sờ tay thấy mềm và dù có bị nằm lâu ngày trong nhà kho thì nó cũng vẫn còn màu bóng mượt. Muốn thử da thật hay không thì lật mép túi bên trong hoặc ở quai đeo để nhìn mặt da bên trong. Nếu không chắc chắn nữa thì hỏi thẳng người bán, họ sẽ trả lời chân thật.
Thứ 4: trao đổi, nói chuyện và trả giá với người bán một cách thân thiện. Ở chợ trời, trả giá cũng được xem như một hình thức giao lưu vui vẻ. Nhất là khi mình lại có thể nói được ngôn ngữ của người bản xứ thì họ rất thích. Tôi đã từng đứng nói chuyện với một bà cụ bán túi cả giờ đồng hồ. Bà hỏi tôi về sở thích sưu tập túi và kể về nguồn gốc những chiếc túi của bà cho tôi nghe. Và còn hứa khi nào có túi đẹp sẽ để dành cho tôi kèm theo bán giá rẻ.
Cuối cùng và cũng là quan trọng nhất theo tôi để có thể “săn” được những chiếc túi đẹp đó là tùy vào gout thẩm mỹ của mỗi người vì “đẹp” chỉ là một giá trị tương đối. Chỉ cần mình thấy thích, thấy nó đẹp, có niềm đam mê với những chiếc túi vintage thì sẽ hiểu và trân trọng giá trị của nó.
Ngoài nước Đức ra, khi có dịp sang thành phố Amsterdam của Hà Lan tôi cũng dành rất nhiều thời gian để đi lang thang các shop hàng vintage. Ở đây, đồ vintage cũng như một xu hướng thời trang có phong cách được các bạn trẻ yêu thích. Ngoài phố trung tâm, thỉnh thoảng tôi vẫn bắt gặp các cô gái trẻ trung, hiện đại nhưng mặc chiếc đầm của thập niên 50 và xách bóp hộp rất duyên dáng!
Dạo gần đây, tôi cùng vài cô bạn còn lập nên hội “Những người yêu túi vintage” để có thể chia sẻ về sở thích, cùng đi shopping hoặc thỉnh thoảng trao đổi túi dùng chung với nhau, cũng rất vui.
Mỗi lần xách một chiếc túi vintage nào trên tay, mặc kèm với chiếc đầm thích hợp, tôi cảm thấy thật là vui sướng, cứ y như mình đang được ngồi trên cỗ máy thời gian và chu du ngược về những năm 40, 50… nhìn ngắm những kiều nữ của màn bạc như Vivien Leigh hay Audrey Hepburn mặc váy xòe, xách bóp hộp đi dự dạ tiệc!
Điểm đặc biệt nhất khiến tôi thích thú sưu tầm những chiếc túi vintage là vì nó có “linh hồn”, “lịch sử” và có thể kể “câu chuyện” của nó. Như tuần trước chẳng hạn, tôi mới đem về nhà một cái túi màu bordeax và phát hiện trong đó có chiếc vé xem phim của năm 1991 ở Paris. Và trong cái túi hộp rất xinh màu đen làm từ da đà điểu thì tôi tìm thấy một đồng tiền xu phát hành hơn hai mươi năm về trước của nước Đức!
Nhãn: Tin thời trang
0 Nhận xét:
Đăng nhận xét
Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]
<< Trang chủ