Quần áo

Quần áo

31 thg 5, 2011

Chọn quà cho con dịp 1/6: Cảnh giác với đồ chơi sặc sỡ

Trong đồ chơi có sử dụng các phẩm màu hoặc hợp chất có màu, nếu ngấm vào cơ thể sẽ ảnh hưởng lớn đến sức khoẻ trẻ.

Theo kỹ sư hoá học Nguyễn Hưng Dũng, Viện Hoá học (Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam), đồ chơi càng nhiều màu sặc sỡ, càng nguy hiểm đến sức khoẻ của trẻ. Vì trong đồ chơi tạo màu có sử dụng các phẩm màu hoặc hợp chất có màu, nếu ngấm vào cơ thể sẽ ảnh hưởng lớn đến sức khoẻ của trẻ

Cuộc chiến CR và hàng trôi nổi

Khảo sát của PV Báo GĐ&XH tại những điểm bán đồ chơi lớn ở Hà Nội, TP HCM cho thấy, nhiều phụ huynh khi chọn đồ chơi cho trẻ đã lựa chọn những sản phẩm có dán tem hợp chuẩn CR của Bộ Khoa học & Công nghệ. Tuy nhiên, không phải em bé nào cũng ưng ý với sản phẩm cha mẹ lựa chọn và nằng nặc chọn theo ý mình.
Để khắc phục tình trạng trên, chị Nguyễn Thùy Dung (đường Điện Biên Phủ, TP HCM) đi mua đồ chơi tặng con một mình sau khi đã tham khảo ý kiến của bé về dạng đồ chơi muốn mua. Chị Trần Thu Minh (đường Giảng Võ, quận Ba Đình, Hà Nội) cũng bỏ thói quen mua đồ chơi trên xe đẩy trước cổng trường mẫu giáo của con vì e ngại hàm lượng chì trên sản phẩm. Dịp 1/6 này, chị đưa con đến cửa hàng đồ chơi an toàn để bé chọn đồ.

Trong khi các siêu thị, cửa hàng đồ chơi tại một số trung tâm thương mại lớn treo biển chương trình khuyến mại mừng Tết thiếu nhi giảm giá từ 5-50% vẫn không cản được sức hút của người mua tại các phố đồ chơi như: Lương Văn Can, Hàng Cân, Chả Cá (Hà Nội).
Chị Nhung - chủ hàng đồ chơi Lương Văn Can cho biết, giá đồ chơi tăng 10-15% so với năm trước, chủ yếu là hàng Trung Quốc, một số đồ chơi nhập về từ Thái Lan, Malaysia, Mỹ... với đủ các loại mặt hàng hút bé trai như: Xe thể thao xạc điện, xe xạc hình robot, trực thăng, ôtô nhà binh, trèo tường... Đồ chơi bé gái vẫn là những món quà xinh xắn như búp bê, thú bông, thỏ ngọc... giá 150.000 - 300.000 đ/con.
Đặc biệt, bán chạy trong dịp này là Ben10 giá 80.000đ/bộ, bộ robot trái cây 65.000đ/con được làm bằng nhựa của Trung Quốc, không có tem hợp chuẩn CR do truyền hình đang chiếu phim về robot trái cây.
Chọn đồ chơi an toàn

Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ Sinh học và Công nghệ thực phẩm, đồ chơi có vai trò quan trọng trong sự phát triển của trẻ em nhưng nếu đồ chơi không an toàn lại ảnh hưởng đến sức khỏe thậm chí đe dọa đến tính mạng trẻ nhỏ.

Trẻ 1-3 tuổi chọn những đồ chơi kích thích trí tuệ phát triển như logo, xếp hình, ghép tranh, vẽ tranh bằng sáp màu, đồ chơi nấu ăn, bác sĩ... hay các trò chơi có tính vận động, như đồ chơi kéo đẩy, xe tập đi, xe 3 bánh, bóng lớn, đồ chơi xúc cát... Các bộ phận đồ chơi cần lớn hơn miệng trẻ để tránh trẻ cho vào miệng gây nghẹn, hóc. Đồ chơi tuổi này tuyệt đối không được có chất phản quang óng ánh, sơn màu đậm, hay nam châm vì trẻ hay ngậm, rất nguy hiểm.

Kỹ sư hoá học Nguyễn Hưng Dũng cho biết: Khi tư vấn, mua đồ chơi, ngoài kiểm soát tem hợp chuẩn CR, cha mẹ cần đọc kỹ nhãn cảnh báo trên đồ chơi (nếu có, nhất là với đồ chơi điện tử). Đồ chơi vải phải có ghi chú của nhà sản xuất như: Có khả năng chịu lửa hoặc chậm bắt lửa. Thú nhồi bông cần chọn loại giặt được, lông ngắn để tránh bay vào mũi, miệng trẻ gây ho hen. Bút tô vẽ không được có chì. Chất liệu sơn, bút màu... không chứa các chất độc hại.

Theo PGS Nguyễn Duy Thịnh, ngoài việc lựa chọn đồ chơi cẩn thận còn phải giám sát trẻ khi chơi. Đảm bảo đồ chơi được gắn chặt, không có vết sơn. Không để đồ chơi có bất kỳ sợi dây nào, hoặc dạng túi nilon kẻo quấn vào cổ, mặt trẻ sẽ gây nghẹt thở. Đồ chơi không quá lớn hơn so với sức trẻ để tránh bị rơi làm tổn thương. Đồ chơi cần mềm dẻo, không mua loại dễ vỡ vụn thành nhiều mảnh nhỏ sắc nhọn vì có thể đâm vào cơ thể trẻ. Không dùng đồ chơi làm từ kim loại, thủy tinh. Đồ chơi dùng pin thì nắp pin phải luôn có vít siết chặt, tránh bé mở ra và nuốt phải pin.

Bảo quản, giữ vệ sinh thường xuyên đồ chơi cho trẻ bằng cách hòa lẫn nước rửa chén hoặc xà phòng vào trong nước nóng và đổ vào bình xịt, xịt lên đồ chơi rồi lau sạch. Tránh để đồ chơi hư hỏng, han gỉ, bụi bẩn. Nên kiểm tra đồ chơi trước khi cho trẻ chơi, nhất là đồ chơi bằng gỗ cần phải không có dằm. Nếu đồ chơi đã bị hư hỏng, han gỉ nên bỏ đi.
Cách chơi an toàn

- Đừng để trẻ chơi đồ chơi có nhiều góc cạnh sắc, nhọn hoặc có gắn nhiều bộ phận nhỏ, dễ rớt ra ngoài. Kiểm tra kỹ các bộ phận đồ chơi (nếu tách rời) xem đã được gắn chặt chưa.
- Đọc kỹ hướng dẫn sử dụng, lời cảnh báo in trên hộp đồ chơi để hiểu rõ món đồ chơi đó.
- Nên chọn đồ chơi có thể giặt được, hợp vệ sinh và không chứa chất độc hại.
- Không nên cho trẻ chơi những đồ chơi quá nhỏ vì trẻ có thể bỏ vào miệng và nguy hiểm đến tính mạng
- Không nên cho trẻ chơi những đồ chơi quá cũ vì không đáp ứng tiêu chuẩn an toàn, có khi gây nguy hiểm cho bé.

Uyển Hương

Nhãn:

0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ