Người thu nhập thấp xoay trở ra sao?
Năm 2010 vừa qua, chính người làm công ăn lương, người thu nhập thấp là những đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi những biến động của chỉ số giá tiêu dùng, lãi suất, tỷ giá…
Lương công nhân: xoay trở nhọc nhằn
Bản ghi chép dưới đây là chi tiêu hàng tháng được ghi nhận của vợ chồng anh chị M. và một con học tiểu học đang sống tại quận Tân Phú, họ đang làm việc tại một xí nghiệp may có tiếng và tổng lương của hai người là 6 triệu đồng.
Số tiền thuê nhà này tương ứng với diện tích chưa tới 18 mét vuông, đã bao gồm nơi ăn, ngủ và học tập cho cháu bé.
Chi phí ăn uống tương ứng với mức bình quân là 90.000 đồng/ngày cho cả ba người, mà ăn sáng thường xuyên là xôi, cơm tấm lề đường, hủ tiếu xe đẩy…
Buổi trưa anh chị ăn tại xí nghiệp, cháu bé ăn tại trường. Ngày Chủ nhật cả nhà phải tốn thêm 60.000 đồng ăn trưa nữa. Như vậy, chỉ riêng tiền ăn đã “xơi” mất gần 50% thu nhập của hai vợ chồng.
Đó là chưa kể các chi phí như đám cưới, đám giỗ, tiếp đón người thân, các đóng góp chi phí cho địa phương… đã cố gắng tóm gọn trong 160.000 đồng/tháng.
Trước năm 2007, hàng tháng anh chị đều dư ra khoảng 3-5 phân vàng, nhờ vậy mà có thêm chút ít để mua sắm vật dụng trong nhà như tivi, xe máy… Nhưng từ năm 2008 đến nay, khoản dư này cứ teo dần dù hàng năm xí nghiệp đều tăng từ 12-15% tiền lương. Anh chị dự tính năm nay sẽ xin nghỉ thêm vài ngày sau Tết để tìm xem cơ hội làm việc tại quê vợ ở Đồng Tháp, tuy thu nhập có thấp hơn nhưng hai khoản tiền nhà và tiền ăn sẽ giảm mạnh, hy vọng dư giả hơn.
Đó là một gia đình có mức thu nhập thuộc loại khá của công nhân nhiều ngành nghề. Xung quanh khu nhà anh chị đang ở, có rất nhiều cặp vợ chồng cùng hoàn cảnh nhưng tổng thu nhập cũng chỉ trên dưới 4 triệu, họ sẽ sống ra sao?
Cho dù mức tăng chỉ số giá tiêu dùng được công bố là 11,75%, thì cũng cần tách bạch các mặt hàng giảm giá mạnh như điện tử, hàng xa xỉ. Riêng những mặt hàng thiết yếu với đời sống của người lao động lại thường có tốc độ tăng rất cao.
Doanh nghiệp: bó tay trước bài toán khó
Một doanh nghiệp đang gia công hàng may xuất đi Mỹ thông qua một công ty Đài Loan thuyết phục được khách hàng tăng giá gia công 8%, nhờ tỷ giá tăng thêm 5% vị chi là 13%, đã quyết định tăng lương cho công nhân làm hai đợt tổng cộng là 16% trong năm 2010. Chủ doanh nghiệp nói: “Muốn tăng thêm nữa cho anh chị em công nhân, nhưng không tài nào tính nổi bài toán vì đã phải cắt 3% từ trong khoản lãi để chuyển qua lương, còn chi phí trong năm đã tăng lên trên 12% khiến cho hiệu quả hàng năm cứ giảm dần”.
Mang tiếng là doanh nghiệp làm ăn có lãi nhưng đến cuối năm, sau khi lo Tết cho nhân viên xong, chủ doanh nghiệp chẳng còn đồng nào trong túi vì tiền lãi vẫn còn nằm trong khoản chờ hoàn thuế, rồi phải đầu tư thêm máy móc mới, sửa chữa nhà…, vì thế không thấy tiền đâu!
Doanh nghiệp khác sản xuất theo phương thức FOB, hai năm qua khách hàng đều tăng giá. Việc tăng 6% trên giá FOB là khá lớn, nhưng năm nay giá nguyên liệu đầu vào tăng gần 10%, tiền lương theo cam kết đã tăng 15%. Rốt cuộc giá bán sản phẩm dù được tăng 6% nhưng vẫn không đủ bù các khoản tăng lên mà còn bị thâm vào giá thành!
Cả hai doanh nghiệp trên đều đã nhận được đơn xin nghỉ việc của khoảng 10% số lao động hiện có mà lý do khá rõ ràng là “thu nhập không đủ sống”. Họ đều than thở, không hiểu các ngành khác ra sao chứ ngành may gần như, không có cách để giữ lao động. Nếu tiếp tục tăng lương nữa sẽ lỗ, mà lỗ thì chẳng thà ngừng hoạt động chứ tiền đâu bù vào. Hiện nay, thị trường chính là Mỹ và châu Âu còn đang bơi trong khó khăn nên cũng không thể tăng giá!
Đó là hai doanh nghiệp ít vay vốn ngân hàng. Nhiều doanh nghiệp khác trong ngành phải đi vay ngân hàng để mua vật tư thì không biết hiệu quả sản xuất kinh doanh ra sao khi lãi suất vay từ 15-18% năm như hiện nay?
Quỳnh Giao(Theo Thesaigontimes)
Nhãn: Sự nghiệp
0 Nhận xét:
Đăng nhận xét
Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]
<< Trang chủ