Quần áo

Quần áo

15 thg 12, 2010

Đứa trẻ bị cả gia đình lợi dụng

Con người ta khi sinh ra, không ai mặc định số phận cho mình, tất cả mọi đứa trẻ đều mang gương mặt ngơ ngác và một tâm hồn thánh thiện, nhưng chính nền tảng gia đình, môi trường xã hội là yếu tố quan trọng góp phần tạo nên những tính cách của trẻ.

Ngày đầu tiên Mai vào trường, nó mặc trên người một chiếc áo hai dây và một chiếc quần đùi hoa. Tay trái cầm chai nước Lavie, tay phải cầm chiếc bánh mỳ, chân đi một đôi dép cọc cạch. Hỏi nó học lớp mấy, nó lắc đầu: "Con chưa bao giờ đi học".
Đó là hình ảnh "ấn tượng" về cô bé 13 tuổi, ở Hải Phòng - Nguyễn Ban Mai đối với các thầy cô giáo cũng như các học sinh nữ Đội 9 Trường Giáo dưỡng số 2 Ninh Bình. Mai nhỏ nhắn, xinh xắn, có bộ tóc đen dài quá eo và có nụ cười rất tươi. Nhìn Mai cười, tôi không thấy một sự khổ đau nào hiển hiện trong rất nhiều khổ đau mà cuộc đời cô bé ấy đã phải trải qua.

Không biết chữ, chỉ biết bán ma túy

"Cháu không biết bố mình là ai, có lần mẹ cháu đưa cháu vào hàng phở. Chưa kịp ăn thì mẹ cháu kéo cháu đứng dậy đi thẳng. Sau này mẹ mới nói cho cháu biết, người đàn ông ngồi trước mặt hai mẹ con trong quán phở là bố cháu". Đó là lần đầu tiên và cũng là lần duy nhất Mai biết mặt bố. Nhưng hình ảnh của ông ta, đến bây giờ Mai đã quên hẳn, vì Mai chỉ gặp ông ta trong thoáng giây. Mai được người ta kể lại rằng, mẹ nó nghiện ma túy từ khi mang bầu nó. Vì không tin đứa con ấy là con mình nên bố nó đã bỏ hai mẹ con từ lúc nó chưa chào đời.
Bức thư người dì của Mai gửi cho cô bé
khi đang thụ án.

Tuổi thơ của Mai gắn bó với gia đình nhà ngoại. Mẹ nó vừa nghiện heroin lại lấy chồng mới nên bỏ mặc Mai sống với ông ngoại và dì. Sống giữa đất Hải Phòng nhộn nhịp, lại ở một quận trung tâm, thế nhưng nó chưa từng được đi học. Cũng có lần nó thắc mắc với mẹ, vì sao không cho con đi học, vì sao những đứa bạn khác được tung tăng cắp sách đến trường còn nó thì không, nhưng người đàn bà nghiện ngập tội lỗi ấy đều lắc đầu trả lời con một câu xưa như... cũ "không có tiền". Không được đi học nhưng Mai được huấn luyện làm quen với ma túy, 9 tuổi nó đã biết bán "hàng". Bạn hàng của nó là những gã nghiện dật dờ chạy xe ôm tới, nhét nhanh cho nó những tờ bạc rồi lủi ngay.

Mai được huấn luyện chạy trốn Công an, chuyên nghiệp đến độ thành kỹ nghệ. Chỉ cần thoáng thấy bóng Công an hoặc nhìn thấy những ông khách lạ là nó thoăn thoắt lủi ngay vào ngõ. Khốn nạn cho cuộc đời Mai, người hằng ngày vẫn chở nó đi bán "hàng" rồi đến chiều tối lại đón nó về không ai khác chính là ông ngoại. Dì nó nghiện heroin không khác gì mẹ nó. Người ta mất mẹ còn dì, đằng này chính dì nó cũng giúp sức đẩy đứa cháu bé bỏng vào con đường tội lỗi để phục vụ cho việc buôn bán ma túy của gia đình thị.

"Dì là người lớn nên dễ bị Công an phát hiện, còn cháu là trẻ con nên chẳng ai để ý. Họ không nghi ngờ cháu nên cháu bán được nhiều lắm. "Hàng" cháu thường nhét trong túi áo, túi quần. Có hôm cháu bán được mấy chục triệu" - Mai hồn nhiên kể. Không biết chữ nhưng nó biết đếm tiền và đếm rất nhanh, có hôm nó ôm về một cặp đầy tiền, dì nó hớn hở ra mặt. Người dì ấy thực ra cũng rất thương cháu, nhưng vì trót mắc nghiện và cũng lấy phải một ông chồng nghiện, đến đứa con thị đẻ ra cũng phải để người khác nuôi giúp nên dù có thương Mai thì thị vẫn phải nhờ nó bán "hàng" giúp thị có tiền hút hít. Những người lớn trong ngôi nhà tội lỗi ấy đã cố tình biến đứa cháu gái của mình thành một tội phạm nhí chuyên nghiệp.

Mai cho chúng tôi đọc bức thư mà dì nó đã gửi cho nó khi đang thụ án trong Trại Xuân Nguyên, Hải Phòng: "Cháu có biết không, hôm dì biết cháu bị đi trại dì đã khóc cả một ngày đấy. Nhưng nghĩ sâu hơn thì có lẽ cháu vào đấy cũng tốt... Nếu mà cháu thương dì thì cháu phải ngoan ngoãn nghe lời thầy, cô...". Người dì ấy còn dặn, bà ngoại và cậu sắp được về rồi, chắc chắn sẽ lên thăm Mai.

Hỏi thêm mới biết, bà ngoại của Mai đang chịu án 17 năm tù ở Trại 5 Thanh Hóa. Ma túy đã biến đại gia đình của Mai rơi vào thảm họa. Tất cả những người lớn trong ngôi nhà ấy đều đang phải trả giá bằng những bản án dài dằng dặc trong trại giam, thế nên tôi chợt nghĩ, Mai được vào trường giáo dưỡng lại là cơ may cho em.

Mai còn nhớ như in cái ngày cả ông, dì và Mai bị bắt. Hôm đó ông ngoại đang nổ xe máy ngoài cửa để chuẩn bị đưa dì và nó đến chỗ bán hàng thì Công an ập tới. Những gói ma tuý bị thu giữ tại chỗ. Sau này dì thì bị kết án 12 năm tù, ông ngoại bao nhiêu năm Mai cũng không nhớ nữa. Còn Mai thì bị đưa vào trường giáo dưỡng. Ở đây nó được học chữ, được dạy kỹ năng sống mà một bé gái mới lớn cần phải biết. Và quan trọng, những phẩm chất tốt đẹp trong tâm hồn nó đang được các thầy cô nơi đây khơi lại.

Ban mai nào cho cuộc đời em?

Ở Đội 9, Mai gần như ít tuổi nhất và tính tình lại hiền lành nên được các bạn rất quý. Nó chơi thân với một đứa cùng tuổi tên là Thương. Cô bé Thương bị đưa vào đây vì liên tục gây ra các vụ trộm cắp. Bảo mãi không được, gia đình đành phải gửi đơn xin cho nó đi trường giáo dưỡng. Hai đứa có bộ tóc đen dài giống nhau, và buổi tối, khi học xong bài trên lớp, chúng thường tết tóc cho nhau và rủ rỉ tâm sự những câu chuyện của tuổi mới lớn.

"Mai tiếp thu khá nhanh, thông minh. Học hát học múa cũng nhanh không kém các chị. Em rất ngoan nên các thầy cô đều thương. Hoàn cảnh của Mai đặc biệt, em thiếu thốn tình cảm gia đình, đặc biệt là người mẹ nên chúng tôi đều yêu thương em, để làm sao em luôn nghĩ rằng, cô giáo là người mẹ thứ hai của mình" - Đại úy Nguyễn Thị Hằng - giáo viên chủ nhiệm, quản lý các em nữ chia sẻ với chúng tôi như thế.

Tôi hỏi Mai: "Vào đây rồi thì nhớ ai nhất?", nó buồn bã: "Cháu nhớ ông ngoại nhất". "Không nhớ mẹ sao?". Nó im lặng lắc đầu, một lúc lâu mới thì thầm: "Mẹ cháu mất cách đây hai năm rồi, mất trong Trại giam Xuân Nguyên". Hôm đó, Mai đang bán "hàng" thì thấy ông ngoại ra đón sớm hơn mọi ngày. Ông nó nhìn đứa cháu gái và khóc. Ông bảo với Mai: "Ông thương cháu lắm", nó ngơ ngác hỏi: "Sao tự nhiên hôm nay ông nói lạ vậy?" thì ông ngoại không giấu nó nữa, mới nói thật rằng mẹ nó chết rồi.

Nhưng có điều thật lạ là lúc ấy, nó chẳng thấy cảm xúc gì, nó dửng dưng với cái tin báo đau đớn của ông. Thậm chí nó không khóc. Chính lúc này, khi ngồi trò chuyện cùng chúng tôi, Mai cũng bảo: "Cháu không hiểu sao mình lại không khóc được". Có lẽ khi ấy, nó còn quá nhỏ để cảm nhận nỗi đau tử biệt, nhưng cũng có thể, tình mẫu tử dường như không tồn tại trong suy nghĩ của nó và cả trong suy nghĩ của người mẹ tội lỗi. Ông ngoại thay cha và cả mẹ chăm sóc nó, nhưng có điều, cả ông ngoại và những người lớn trong ngôi nhà ấy trót lệ thuộc quá nhiều vào ma tuý nên đã quyết tâm biến đứa cháu gái mình thành một công cụ phục vụ đắc lực cho mục đích dã man của họ.

Mai thực sự bơ vơ giữa ngôi nhà của mình. Nhưng nó không hiểu điều ấy, nó ngoan ngoãn nghe lời ông ngoại và dì, thậm chí nó còn che giấu tội lỗi của dì bằng cách biện minh: "Chính cháu tự nguyện bán heroin giúp dì để dì có tiền hút hít".

Một đứa trẻ 13 tuổi khi bị đưa vào trường giáo dưỡng như nó khiến nhiều người sốc khi biết sự thật rằng, nó chưa từng được đến trường, chưa bao giờ biết đọc một dòng chữ. Giờ thì khác rồi, buổi tối hôm nay, Mai kê chiếc bàn con ra giữa nhà ngồi nắn nót viết từng con chữ. Đôi tay nhỏ nhắn của nó chỉ quen cầm heroin và nhận tiền từ bọn nghiện, giờ đã viết ra được những lá thư gửi dì. Biết đọc, nó thấy vui hơn, thấy cuộc đời phong phú hơn và có thêm nhiều kiến thức từ tủ sách của nhà trường.

Thực ra, tên nó không phải là Nguyễn Ban Mai. Cái tên ấy là do chúng tôi đặt cho cô bé học sinh ngôi trường đặc biệt này, bởi một suy nghĩ chợt thoáng đến: Cuộc đời của nó, có lẽ mới thực sự bắt đầu từ khi bước chân vào đây. Hay nói cách khác, đây cũng chính là nơi mang đến những ánh bình minh, những tia nắng trong trẻo, ấm áp của một ngày mới cho cuộc đời nó. Cái tên Ban Mai, vì thế có lẽ sẽ hợp với nó hơn. Đó cũng chính là mong muốn của chúng tôi - những người thực hiện bài viết này với suy nghĩ giản dị: Ngày mai - với nó, sẽ khác ngày hôm qua...
Theo Cảnh sát toàn cầu






Nhãn:

0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ