Quần áo

Quần áo

26 thg 11, 2010

Cuộc đấu giá từ thiện biến thành trò đùa: Có thể kiện ra tòa

Chương trình đấu giá gây quỹ từ thiện "Đêm hội Hoa hậu Trái đất và doanh nhân hướng về miền Trung" đêm 11/11 vừa qua tại TP.HCM, đạt được số tiền xấp xỉ 74 tỷ đồng.

Thế nhưng, cuộc đấu giá đã biến thành một trò đùa khi hầu hết người trúng đấu giá đã tìm cách…xù. Theo ý kiến của luật sư, vụ việc này có thể mang ra toà phân xử.

Tại cuộc họp báo ngày 23/11, đơn vị tổ chức đã kịch liệt lên án hành vi "xù" đấu giá từ thiện.

Hàng chục tỷ đồng bay theo lời hứa hão

“Đêm hội Hoa hậu Trái đất và Doanh nhân hướng về miền Trung" do Công ty Cổ phần đá quý Gia Gia mua bản quyền của Tập đoàn Thanh Niên Media, diễn ra tại khách sạn Queen Plaza, TP HCM, đêm 11/11. Sự kiện được đăng ký kỷ lục Việt Nam với việc "hơn 90 Hoa hậu Trái đất và doanh nhân cùng có mặt để chung tay làm từ thiện". Trong đêm hội này, có nhiều sản phẩm được mang ra đấu giá nhằm mục đích quyên tiền để ủng hộ đồng bào lũ lụt miền Trung.

Phiên đấu giá kết thúc với bộ Tứ linh - tác phẩm bằng gỗ lũa nhận giải xuất sắc tại Triển lãm Sinh vật cảnh cao cấp toàn quốc trong dịp Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, có giá đấu khởi điểm là 40 tỷ đồng và được đấu giá cuối cùng là 47,9 tỷ đồng. Người thắng cuộc để sở hữu tác phẩm nghệ thuật này là đại diện Công ty SX & TMDV Bảo Long Bát Tràng (Công ty Bảo Long). Chiếc trống đồng - kỷ vật 1.000 năm Thăng Long -Hà Nội được một người xưng tên Lương Đức Hải trả mua với giá thu về 12 tỷ đồng. Bức tranh đá quý có chữ ký của khoảng 80 thí sinh Hoa hậu Trái đất được một người tên Thanh Bình đấu với mức giá 3 tỷ đồng. Còn viên đá rubi khổng lồ được người tên Phát, mua giá 11 tỷ đồng.

Nhưng rốt cuộc, chẳng có hiện vật nào được trả tiền đúng như kết quả đã diễn ra trong đêm đấu giá hoành tráng này. Bà Nguyễn Thị Huệ, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ TP.HCM, đơn vị tham gia tổ chức chương trình, cho biết là đã điện thoại liên lạc với người thắng đấu giá chiếc trống đồng nhưng không bắt máy; đại diện đơn vị đấu giá viên ruby, bức tranh đá quý cũng không ai nhận người. Chỉ có duy nhất một đại diện là ông Phạm Văn Đạt - Giám đốc Công ty Bảo Long xuất hiện. Tuy nhiên, ông Phạm Văn Đạt đã chối không mua bộ tứ linh nữa. Lý do ông Đạt đưa ra: Chủ nhân của hiện vật này đã tự ý chuyển sản phẩm ra khỏi vị trí đấu giá, đưa về Lâm Đồng mà không thông báo với Hội Chữ thập đỏ TP.HCM và công ty Bảo Long. Ông Đạt chỉ đồng ý ủng hộ 1 tỷ đồng thông qua Hội để làm từ thiện.
Đủ cơ sở để khởi kiện

Trao đổi với chúng tôi vào trưa ngày 25/11, ông Đinh Gia Diên, Giám đốc Công ty cổ phần đá quý Gia Gia cho biết, vẫn chưa nhận được một đồng nào từ các cá nhân trúng phiên đấu giá mà mới nhận được trên 300 triệu đồng từ các nhà hảo tâm gửi đến để ủng hộ cho đồng bào miền Trung. Ông Đinh Gia Diên khẳng định: "Chúng tôi sẽ chuyển tài liệu, những số điện thoại tham gia đấu giá tại chương trình tới các cơ quan chức năng để xác minh, xử lý".

Ông Nguyễn Trung Thành, Chủ tịch HĐQT Công ty Asean C&C (đơn vị truyền thông và tổ chức sự kiện nói trên) cho biết, ngoài việc bị "lương tâm day dứt vì cuộc đấu giá không đạt được tính nhân văn như dự định" thì công ty cũng đang bị thiệt hại về kinh tế. Công ty này đã bỏ ra khoảng 1 tỷ đồng (chưa kể nhân lực) để tổ chức sự kiện trên và đến nay vẫn chưa thu lại được đồng nào. Cũng theo ông Thành, hậu quả của sự việc đáng tiếc này, ngoài lương tâm của người tham gia thì Việt Nam thiếu hẳn kinh nghiệm về đấu giá. Các cuộc đấu giá diễn ra nhưng không có khâu cho người tham gia đấu giá xem kỹ sản phẩm mà thường giao sản phẩm sau khi phiên kết thúc. Đây cũng là một sơ hở để có thể dẫn tới những bất đồng, hoặc là cái cớ để "lật kèo" đấu giá.

Bình luận về vụ việc, luật sư Mai Thanh Hải, Văn phòng Luật sư Mai Thanh Hải (Hà Nội) cho biết, dù việc mua bán diễn ra bằng miệng nhưng cũng có thể coi là hợp đồng có giá trị vì đã được công khai. Đơn vị tổ chức cuộc đấu giá có thể đòi hỏi người trúng đấu giá bồi thường theo quy chế đã đề ra hoặc có thể kiện ra toà.
Viên ruby khổng lồ được người tên Phát mua với giá 11 tỷ đồng.
Mai Phương Thúy không thất hứa?

Trong những ngày qua, bên cạnh scandal của vụ đấu giá tiền tỷ, nhiều phương tiện truyền thông cũng cho rằng Hoa hậu Mai Phương Thúy cũng là một nhân vật thất hứa trong chương trình từ thiện này. Trước đó, Hoa hậu Mai Phương Thúy đại diện cho một doanh nghiệp, tuyên bố tặng 20.000 USD cùng 100.000 tập vở. Tuy nhiên, sau đó phần hiện kim được xác nhận lại là 10.000 USD, nhưng đến thời điểm này, cả tiền lẫn tập vở vẫn chưa được chuyển đến.

Về sự việc này, ông Đinh Gia Diên cho biết, đơn vị tổ chức đã làm việc với Công ty Quốc Huy Anh - đơn vị mà Mai Phương Thúy sẽ đại diện trao tiền và vở. Công ty này cam kết là sẽ trao đúng số tiền 20.000 USD và 100.000 tập vở vào ngày 27/11 tới tại TP HCM. Buổi trao tặng này cũng là buổi họp báo để Mai Phương Thúy trả lời về những thông tin thất thiệt vừa qua.
Nói về vụ "xù" đấu giá, bà Nguyễn Thị Huệ bức xúc : "Họ đã lấy niềm hy vọng của người dân vùng lũ ra làm trò đùa, chà đạp lên nhiệt huyết của những người đứng ra tổ chức. Chúng tôi cảm thấy bị xúc phạm, bà con vũng lũ miền Trung cũng cảm thấy bị xúc phạm".

Được biết, rất nhiều cuộc đấu giá gây quỹ từ thiện đã xảy ra tình trạng người chốt giá bỏ chạy. Đình đám nhất phải kể tới cuộc đấu giá chiếc sim số 0988888888 của Viettel. Cuối năm 2004, trong chương trình đấu giá từ thiện trên truyền hình, sim “8 số 8” này được một doanh nhân trả 1 tỷ 10 triệu đồng ủng hộ cho Quỹ Vì người nghèo. Thế nhưng, vì nhiều lý do khác nhau, doanh nhân này đã không trả số tiền đấu giá như đã cam kết. Vụ việc này cũng là vụ "xù" đấu giá từ thiện lớn được công bố rầm rộ. Các vụ "xù" đấu giá từ thiện khác rất ít được công bố rồng rãi.
Hoàng Phương

Nhãn:

0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ