Quần áo

Quần áo

19 thg 9, 2010

“Dị nhân” bán chuối rong

Đường phố Hà Nội dường như đã quen thuộc với hình ảnh ông lão râu tóc bạc phơ, chiếc áo nâu gụ đã sờn màu, chân trần đạp xe đạp cộc bán những nải chuối rong.

Dáng người khổ hạnh đó đã gắn bó với nhịp sống Thủ đô bao lâu. 10 năm 20 năm… "Không tính được năm, tôi bán chuối ở Hà Nội từ khi dân ta còn tiêu tiền Đông Dương", ông lão kể.


Dị nhân” rong ruổi hơn 60 năm bán chuối ở Hà thành
Đi - về đã đủ 50km
Người đàn ông bán chuối đặc biệt này là cụ ông Nguyễn Trung Khánh, hay còn gọi là ông Đạc. Quê ông ở thôn Bãi, xã Cao Viên, huyện Thanh Oai, Hà Nội. Từ nhà ông vào đến nội thành phải hơn 25km, vậy mà ngày nào mưa cũng như nắng, với hai thúng chuối trên chiếc xe đạp cà tàng, ông rong ruổi trên mọi nẻo phố phường Hà Nội.
Một ngày làm việc của ông bắt đầu từ tảng sáng và kết thúc khi nào ông bán hết số chuối mang theo. "Ngày thường thì sáng ra tôi bắt đầu đạp xe từ nhà đi. Nhưng những dịp mồng 1 và rằm thì tôi phải đi từ 3 giờ sáng và đèo theo số lượng chuối nhiều hơn", cụ Khánh cho biết.




Nhà ông lúc nào cũng rải đầy chuối: "Chuối chín hàng ngày, không bán ngay là hỏng".


Xuất phát từ nhà, cụ cùng chiếc xe đạp không phanh chất đầy 2 thúng chuối phải mất gần 3 giờ đồng hồ mới đến được chợ Hà Đông. Cứ khoảng 8giờ30- 9giờ hàng ngày, người dân phu vực quận Thanh Xuân lại bắt gặp hình ảnh một ông cụ ngoại bát tuần chở hai rổ chuối rong ruổi trên đường. Không câu nệ thói quen "mùa đông chuối tây, mùa hè chuối ta", rổ chuối ngày mùng 1 của ông lão có đủ cả chuối tiêu, chuối tây, chuối ngự bán cho người thắp hương và người sành ăn chọn lựa.
Hôm nào đắt hàng, khoảng 3 giờ chiều là cụ lên đường trở về nhà. Nhưng cũng có những hôm ế ẩm, đạp hết phố này sang phố khác mãi đến xẩm tối mới hết, đạp về đến nhà cũng phải 8- 9 giờ tối.
Theo thời gian, lưng cụ càng còng hơn. Tính đoạn đường đi và về đã 50km, chưa tính cả ngày ròng rã đạp rong ruổi mọi ngõ ngách.
Bữa sáng của cụ đơn giản, chỉ là phần xôi gấc và đĩa bánh cuốn không còn nóng. Chị Mai làm nghề bán xôi ở Hạ Đình - nơi cụ Khánh thường xuyên ăn kể: "Cụ chỉ có ăn xôi qua ngày, sáng nắm xôi, trưa cũng chỉ có xôi. Bao nhiêu năm nay vẫn thế! Nhiều lúc thấy tội nghiệp thân già, không biết gia cảnh thế nào mà ngần ấy tuổi rồi còn phải bươn chải kiếm sống. Khuyên ông cụ nghỉ cho khỏe, sống không được mấy hơn nữa, để việc kiếm tiền con cháu nó lo nhưng cụ chỉ cười không nói gì cả".

Bước chân không mỏi
Trưa. Mây đen ập đến. Rồi mưa rả rich. Cụ ông ngồi nhỏ thó nghỉ trưa ở cổng đình Hạ Đình. Đẩy xe chuối còn non nửa vào mép tường, phủ nilon cẩn thận, cụ kiếm chỗ ngồi cho mình tránh ướt rồi móc túi áo ra lọ thuốc bôi hai bàn chân. "Mấy hôm nay, trời mưa, nước ăn chân, máu chảy ra, xót lắm. Tôi vừa mua lọ thuốc để bôi đây", cụ nói.
Hà Nội vào thu thời tiết trở trời mưa liên miên, cũng gần đến ngày rằm, nhớ đến cụ Khánh, tôi ghé qua chợ Hạ Đình, nơi cụ Khánh nghỉ trưa để trước là để thăm cụ sau đó mua nải chuối.
Cô bán xôi cho biết mấy hôm nay không thấy ông đến. Trước đó, cụ vào quán ăn xôi, ăn không hết vắt xôi, có kể lại với chủ quán rằng mấy hôm nay thấy trong người mệt mệt. Rồi lúc đẩy xe đi bán dạo, trời mưa đường trơn sơ ý thế nào mà bị ngã khiến mặt mày trầy xước, sưng húp lên.
Không lẽ nào? Thân già như chuối chín cây… Nghĩ khôn nghĩ dại, tôi phóng xe về thôn Bãi xem thế nào. Vào đến cổng cụ đã nhận ra, nhoẻn miệng cười hiền hậu: "Hôm nay bỏ bữa bán rong ở nhà hỏi vợ cho thằng chắt. Mai tôi lại gặp chú ở chợ Thượng Đình ".
Đôi chân trần không mỏi ấy bao nhiêu năm rồi đạp xe, không giầy, không dép- Cụ bảo: Đi dép vướng lắm! Cụ kể: "Ai đời lạ thế! Sáng nay có cô cứ nằng nặc biếu tôi 20 nghìn. Cô ấy nói nhìn cụ giống ông nội mình. Tôi không lấy, tôi không phải đi xin tiền, đơn giản chỉ đi bán chuối. Vậy mà cô ấy bỏ tiền vào thúng rồi phóng xe đi".
Ở cái tuổi xế chiều của cuộc đời, cụ ông kể lại chuyện đời mình: "Trước khi làm nghề bán chuối, tôi từng là thợ xẻ gỗ ở một nhà máy tại Hà Đông. Tổ xẻ gỗ của nhà máy giải thể, tôi về quê mua chuối rồi quay trở lại Thủ đô bán dạo. Bán chuối dạo từ cái thuở người Tây chiếm đóng tràn lan khắp nơi, tôi hay đứng ở khu vực chợ Hà Đông. Thời ấy muốn đứng bán ở đó còn phải nộp tiền cho bọn lính Pháp. Mà tiền Đông Dương chứ nào đã dùng tiền ta".
Thời ấy, phong trào bán chuối rong rầm rộ, cả làng Cao Viên lũ lượt gánh chuối từ thôn bãi Trung Việt ra đến Hà Đông để bán. Nhưng rồi 65 năm sau chỉ còn cụ là trung thành với nghề này. Năm 30 tuổi, cụ lập gia đình. Hiện cụ sống với vợ chồng người con trai thứ hai là anh Nguyễn Trung Điển. Vợ chồng anh cũng làm nghề bán chuối.
Cụ bật mí là mình mới biết đi xe đạp được chục năm nay. "Tại sao mình không tập xe đạp mà đi bán? Đi xe đạp sẽ khỏe hơn gánh bộ, đi được xa hơn"? Nghĩ được như vậy nên cụ quyết tâm tập xe đạp cho dù thời điểm ấy đã hơn 70 tuổi. "Ngã lên ngã xuống u đầu mấy lần nhưng khi biết đi xe đạp rồi mới thấy Hà Nội thật gần, không cần bán ở Hà Đông nữa", cụ hào hứng kể.
Xuôi theo quốc lộ 21, rồi men theo đường đê đến xóm Trung Việt, xã Cao Viên, nơi cụ sinh ra lớn lên- Đây là vùng quê với bạt ngàn những bãi chuối xanh tít tắp. Điều đáng nói là ngôi nhà cụ được gây dựng nên từ những đồng tiền bán chuối rong bao nhiêu năm nay, khá khang trang đẹp đẽ.
Là người gắn bó với phố phường Thủ đô chứng kiến bao sự đổi thay của Hà Nội, tuy đã 82 tuổi rồi, cụ vẫn nhớ như in những ngõ ngách sâu nhất, ngoằn nghèo nhất. "Thủ đô bây giờ đẹp hơn trước rất nhiều, phố xá đông vui nhà cao tầng mọc lên như nấm, chứ không thưa vắng như ngày trước, người dân giờ toàn đi xe máy, ô tô. Nhiều lúc đi trên phố với chiếc xe đạp cũ kỹ lại thấy mình lạc lõng. Ừ, nhưng mà được ngày nào hay ngày đó, tuổi tôi biết ngày mai thế nào? Còn sống, còn sức khỏe tôi còn đi bán chuối, bởi dù có thay đổi thế nào thì trong mâm ngũ quả thờ gia tiên, hay thói quen ăn hoa quả của người Việt chúng ta vẫn cần chuối", ông cụ cười hiền hậu.
Anh con thứ nói như phân bua với chúng tôi: "Nhiều người cứ tưởng con cái đẩy cụ ra đường mưu sinh. Đã bao nhiêu lần chúng tôi bàn nhau bán sắt vụn cái xe đạp ấy đi rồi nhưng mà cụ vẫn khăng khăng, đòi được làm việc".
Và cứ thế, hàng ngày nhiều người dân Hà Nội ở khu vực Thanh Xuân lại thấy một cụ già bát tuần chậm rãi đạp xe trên phố phường đông đúc, đằng sau là 2 rổ chuối, bàn chân trần ấy đã in dấu hầu hết mọi ngõ nghách đường phố Hà Nội.
An Quỳnh

Nhãn:

0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ