Quần áo

Quần áo

2 thg 6, 2010

Vụ án gây xôn xao cả một xã miền núi

Nụ đứng lặng lẽ rồi thút thít khóc mỗi khi chủ tọa hỏi về hành vi ném con xuống giếng. Ngồi phía dưới, gia đình nhà chồng không có một lời xin giảm án cho con dâu.

Sáng nay, TAND Hà Nội mở phiên xử Nguyễn Thị Nụ (23 tuổi, ở Yên Bình, Thạch Thất) về hành vi giết người. Người phụ nữ này đã đẻ ném chính đứa con mình dứt ruột ra, khi cháu mới 3 tháng tuổi. Vụ án gây xôn xao cả một xã miền núi.

Nụ mặc bộ quần áo đen, tay bị còng được lực lượng cảnh sát dẫn giải vào Tòa từ khá sớm. Nụ vẫn lầm lì, ít nói như những ngày còn làm dâu ở nhà bà Thanh. Phòng xử nhỏ nhất của tòa mà đối với Nụ lại thênh thang. Cô ngồi gục trước vành móng ngựa, đượm buồn.

Khi đó, bố mẹ chồng và anh chồng đã ngồi phía dưới. Luật sư bào chữa cho Nụ hỏi han người thân có mặt chưa, người phụ nữ “trầm cảm” lắc đầu buồn rượi. Cô nói với vị luật sư, chỉ có gia đình nhà chồng, mà không quay xuống nhìn. Trước đó, khi bị dẫn vào, Nụ cũng đi lướt qua họ mà không thể hiện cảm xúc.

Tòa bắt đầu muộn. Mẹ bị cáo cũng đến muộn, ngồi lặng lẽ ở một hàng ghế cách xa gia đình thông gia. Vội nhìn thấy mẹ, Nụ bỗng rưng rưng khóc.

Viện kiểm sát truy tố Nụ có hành vi giết bé Việt, con trai bị cáo 3 tháng tuổi. Nụ và anh Nguyễn Văn Linh ở cùng xã, nhà chỉ cách một quả đồi, quen nhau rồi làm đám cưới gần 2 năm trước. Nụ sinh cháu Nguyễn Văn Việt vào tháng 8/2009.


Nguyễn Thị Nụ nức nở trước vành móng ngựa.

Về làm dâu nhà bà Thanh nhưng Nụ khá kiệm lời. Sự ít nói và gần như xa lánh họ hàng nhà chồng, hàng xóm đến khó hiểu của cô con dâu mới khiến không ít người phật lòng. Mẹ chồng từng nhắc nhưng Nụ vẫn vậy, luôn “trầm cảm”. Nhiều khi, ông bà Thanh phải muối mặt giải thích và xin lỗi họ hàng, xóm làng vì sự ít nói và “khinh khỉnh” của con dâu.

Trong thời gian sống chung với nhau, Linh thường ra Hà Nội làm thuê đủ thứ nghề, khi thì làm thợ xây, bốc vác, lúc lại mài đá... Thỉnh thoảng Linh mới về nhà thăm hai mẹ con Nụ. Tủi thân vì không được quan tâm, lại thêm những lần bắt gặp Linh nhắn tin, gọi điện khiến Nụ nghi ngờ chồng có “người mới”. Cô đã nhiều lần xin ly hôn nhưng chồng không đồng ý.

Khoảng 22h ngày 17/11/2009, Nụ cùng chồng và con trai ngủ trong buồng. Trước đó vài ngày, cậu con trai 3 tháng tuổi của Nụ bị ốm hay quấy khóc. Hôm đó, thấy cháu khóc, bà nội đã bế cháu ra gian ngoài và ru thằng bé ngủ. Đến khoảng 2h sáng hôm sau, thấy cháu đã ngủ say, sợ cháu đói, bà nội bế cháu vào nhà trong để Nụ cho bú.

Đến khoảng 4h sáng, khi con trai đã ngủ, cả nhà cũng đang say giấc, Nụ lẻn dậy, bế con đi thẳng ra giếng ở góc vườn rồi ném cháu bé xuống. Sau đó, chị ta quay vào giường và bắt đầu khóc lóc, kêu mất con.

Cả gia đình, họ hàng nhà Linh cất công lục tung khắp nơi tìm cháu bé mà không thấy. Đến khoảng 6h sáng, người nhà Linh ra giếng múc nước đun thì thấy chiếc mũ cháu bé lập lờ. Khi được vớt lên, cháu bé 3 tháng tuổi đã bị chết ngạt dưới giếng nước lạnh.

Trước vành móng ngựa, Nụ vừa khai vừa nức nở. Bị cáo khai lí nhí khiến chủ tọa nhiều lần phải nhắc cô nói to hơn. Bị cáo trải lòng, lấy nhau, mới sinh con, thiếu từng miếng thịt lợn để bồi dưỡng, nhiều lần Nụ bế con về nhà mẹ đẻ để có được bữa cơm đủ chất đạm. “Mẹ phải mua chịu thịt lợn của một người hàng xóm cho bị cáo ăn”, Nụ tủi thân nói.

Nhà chồng khó khăn, căn nhà tuềnh toàng không có tài sản gì đáng giá, cuộc sống chỉ dựa vào cây chè, ngô khoai. Mẹ chồng Nụ tâm sự, biết là cô phải chịu thiệt thòi khi về làm dâu nên mọi việc bà thường dành phần làm, để cô được nghỉ ngơi. Có quả trứng gà cũng nhường để Nụ "tẩm bổ" trong khi bà cũng bệnh, yếu.

Nụ khai trước tòa, những kìm nén trong lòng khiến cô thấy mâu thuẫn với bố mẹ chồng và Linh. “Trong lúc nghĩ quẩn, bị cáo đã hành động như vậy”, Nụ trình bày. Vị chủ tọa hỏi Nụ: “Bị cáo suy nghĩ như thế nào mà lại giết chính con đẻ của mình”. Mặt biến sắc, tái nhợt rồi thút thít, Nụ không trả lời được. Ông chủ tọa cho rằng: “Hành động như vậy là không thể chấp nhận được. Việc làm của bị cáo gây ảnh hưởng đến cả những người thân như mẹ và hai em gái sau này”.

Khi được Hội đồng xét xử hỏi, Linh cho rằng Nụ khai không đúng về việc anh không quan tâm đến vợ. Anh trình bày, thường ngày vẫn đi làm về sớm, thỉnh thoảng, chủ thuê mời ăn cơm nên mới về muộn mà thôi. Cho rằng vợ có tội, Linh đề nghị tòa xử lý, giải quyết đúng pháp luật, không có một lời xin giảm nhẹ.

Phần xét hỏi và bào chữa diễn ra khá nhanh. Trước khi Hội đồng vào nghị án, Nụ nói lời sau cùng với sự ân hận, ăn năn, mong được giảm án. Chừng 10 phút giữa giờ nghị án, Nụ bật khóc nức nở khi thấy mẹ đẻ ngồi phía dưới thút thít lấy khăn chấm nước mắt. Cô đổ sụp xuống vành móng ngựa, nước mắt lã chã.

Kết thúc phiên tòa, Nụ bị tuyên 12 năm tù, thấp hơn đề nghị của Viện là từ 13 đến 15 năm. Nụ bị dẫn giải nhanh ra xe chở phạm, đi qua chồng và bố mẹ chồng. Trong khi mẹ đẻ cố đuổi theo con để được cầm tay, Nụ bỗng ngã sụp xuống trước chân Linh, nức nở. Nhưng cô không nhìn mặt anh. Linh cũng không nhìn vợ, lặng lẽ lên gặp luật sư xin chữ ký để làm thủ tục ly hôn.

Việt Dũng

Nhãn:

0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ