Quần áo

Quần áo

7 thg 6, 2010

Thế nào là "bí mật đời tư"?

Như đã thông tin ca sĩ Hồ Ngọc Hà cùng gia đình sau một thời gian nín nhịn trước những vấn đề liên quan đến đời tư của mình đã quyết định phát đơn kiện một tờ báo. Và ngay lập tức, sự kiện này đã thu hút sự quan tâm của dư luận, đặc biệt là các chuyên gia pháp lý

Trên thực tế, quyền bí mật đời tư của cá nhân được luật pháp bảo vệ theo quy định tại điều 38, Bộ luật Dân sự. Theo đó, “việc thu thập, công bố thông tin, tư liệu về đời tư của cá nhân phải được người đó đồng ý; trong trường hợp người đó đã chết, mất năng lực hành vi dân sự, chưa đủ mười lăm tuổi thì phải được cha, mẹ, vợ, chồng, con đã thành niên hoặc người đại diện của người đó đồng ý, trừ trường hợp thu thập, công bố thông tin, tư liệu theo quyết định của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền”.

Thế nào là “bí mật đời tư”?

Vậy như thế nào là xâm phạm bí mật đời tư? Luật không quy định chi tiết thế nào là “bí mật đời tư”, và đây cũng là vấn đề pháp lý gây tranh cãi nhiều nhất. Ý kiến chung nhất của các chuyên gia thì cho rằng “bí mật” là thông tin cần được che giấu, không công khai, chỉ một số ít người liên quan được biết.


Hồ Ngọc Hà và mẹ đang làm việc với luật sư để khởi kiện báo Pháp luật và cuộc sống(ảnh TN)


Lấy ví dụ chuyện ca sĩ Hồ Ngọc Hà kiện một tờ báo mà cô cho rằng đã xâm phạm nghiêm trọng đến đời tư của cô liên quan đến bài viết về đám cưới, luật sư (LS) Phan Ngọc Băng (Đoàn LS TP.HCM) cho rằng, kiện xâm phạm bí mật đời tư trong trường hợp này là cần phải xem xét lại xem có hành vi xâm phạm bí mật đời tư hay chưa.

Vì đám cưới đó diễn ra công khai, nhiều người biết đến nên không còn là chuyện “bí mật”. “Nếu bài viết đó có những thông tin không đúng sự thật thì cô ca sĩ có quyền khiếu nại với tòa soạn, yêu cầu cải chính, xin lỗi. Nếu những thông tin sai đó gây thiệt hại thì có quyền yêu cầu đòi bồi thường theo quy định của pháp luật (về vật chất và tinh thần)”, LS Băng nói.

Tuy nhiên, một thẩm phán ở Tòa Dân sự - TAND TP.HCM phân tích: bí mật đời tư là những gì gắn với quyền nhân thân con người, bao hàm hai ý “bí mật” và “đời tư”. Cụ thể, đó có thể là những thông tin về cuộc sống gia đình, các mối quan hệ, “chuyện trong nhà”… gắn liền với mình mà người này không muốn cho người khác biết.

Những chuyện này chỉ có bản thân người đó biết hoặc những người thân thích, người có mối liên hệ với người đó biết, họ chưa từng công bố ra ngoài cho bất kỳ ai và những người biết thông tin này cũng không được công bố vì công bố sẽ gây ảnh hưởng, gây tổn hại đến cuộc sống của người đó.

Cũng theo vị thẩm phán này, “bí mật đời tư” là một phạm trù tương đối, có thể là chuyện đời tư đó là bí mật với người này nhưng lại là chuyện bình thường đối với người khác và việc công bố điều đó không có gì là “xâm phạm bí mật đời tư”.

“Vì vậy, nếu khởi kiện một bài báo đã xâm phạm bí mật đời tư thì người đi kiện phải chứng minh hành vi của người công bố thông tin đã xâm phạm vào chuyện bí mật và đời tư không muốn công khai và việc công khai thông tin đó không đem lại một chút lợi ích nào cho cộng đồng mà còn ảnh hưởng đến danh dự, hình tượng, cuộc sống của người đó”, vị thẩm phán này nói.

Ông cũng nhấn mạnh thêm: “Tất nhiên thông tin “bí mật” đó không xâm phạm đến lợi ích Nhà nước, lợi ích công cộng, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của người khác”.

“Có thể chia ra thành hai cấp độ”

Đồng quan điểm trên, LS Nguyễn Ngọc Hùng (Đoàn LS TP.HCM) có ý kiến rằng thông tin về đám cưới của Hồ Ngọc Hà được đăng tải thời gian gần đây không mang lại mặt gì tích cực cho xã hội cả. Về mặt pháp luật tác giả đã có dấu hiệu của hành vi xâm phạm quyền bí mật đời tư khi lấn quá sâu vấn đề nhạy cảm riêng tư của cá nhân, cho dù cá nhân đó có là người của công chúng.

Việc xâm phạm này gây ra thiệt hại về tinh thần do đã xâm phạm đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân. Khi bị xâm phạm về đời tư thì đương sự có quyền yêu cầu người vi phạm hoặc yêu cầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền buộc người vi phạm chấm dứt hành vi vi phạm, xin lỗi, cải chính công khai; yêu cầu bồi thường thiệt hại.

“Trường hợp hai bên không thể thỏa thuận được việc đăng cải chính, xin lỗi công khai và bồi thường thiệt hại thì người bị xâm phạm có thể khởi kiện ra tòa án. Thời hiệu khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại là 2 năm, kể từ ngày quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm”, LS Hùng nói thêm.

Kiểm sát viên cao cấp Võ Văn Thêm (Viện KSND tối cao) cũng phân tích, xâm phạm đến bí mật đời tư thì có thể chia ra thành hai cấp độ.

“Nếu việc xâm phạm bí mật đời tư gây thiệt hại về vật chất và tinh thần cho người đó thì có quyền khởi kiện yêu cầu bồi thường, bị đơn sẽ là tòa soạn và phóng viên sẽ là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan.

Cụ thể, một người làm kinh doanh bị công bố bí mật đời tư bị phá sản hay một người mẫu, ca sĩ bị bêu riếu chuyện bí mật đời tư đến nỗi bị cắt hợp đồng quảng cáo chẳng hạn… là những thiệt hại vật chất; còn ảnh hưởng về tinh thần khi bí mật đời tư bị công bố có thể là gia đình rạn nứt, suy sụp tinh thần, ảnh hưởng danh dự. Mặt khác, ngoài những thông tin xâm phạm bí mật đời tư còn có những thông tin bịa đặt nhằm xúc phạm, làm ảnh hưởng đến uy tín, nhân phẩm, danh dự có thể gửi đơn đề nghị truy tố người đó về hành vi vu khống hoặc làm nhục người khác. Tùy vào hành vi cụ thể, cơ quan chức năng sẽ điều tra, xem xét có dấu hiệu của tội danh nào”, ông Thêm chia sẻ.


Theo Thanh Niên

Nhãn:

0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ