Quần áo

Quần áo

5 thg 11, 2009

Dâu... "vụng"

Lần về quê ăn giỗ, mẹ chồng bảo Thu nấu canh măng. Thu hăm hở múc một chút canh ra bát, nếm thử, thấy nhạt, cô cắt gói muối, định tra thêm nhưng không ngờ quá tay, canh trở thành mặn.

Cuống quýt, Thu dốc cả phích nước sôi vào nồi. Kết quả, nồi canh lõng bõng nước, nhạt không rõ mà mặn cũng không đúng.

Dù rất bận bịu với công việc nhưng sau khi kết hôn, Thu đã thu xếp để đi học nấu ăn. Tuy nhiên, học xong rồi quên vì Thu ít có cơ hội thực hành. Vợ chồng Thu có kinh tế dư dả nên chuyện thuê người giúp việc, có khi cả tuần, Thu mới vào bếp một lần (nhiệm vụ duy nhất là rửa rau hoặc cắm nồi cơm giúp osin). Hôm nào, người giúp việc về quê thì vợ chồng lại rồng rắn sang ông bà ngoại “ăn trực”. “Chính vì thế, chuyện bếp núc với mình cứ lóng nga lóng ngóng” – Thu thành thật nói.

Mỗi lần về quê là một lần Thu bị stress. Chuyện mẹ chồng dạy vài lần mà cô vẫn cuốn nem, cái to gần bằng cổ tay, cái nhỏ như ngón tay cái hay chuyện cầm dao, chưa gọt được củ khoai tây nào đã đứt tay diễn ra như cơm bữa. Đến mức, có dịp khoe con dâu với hàng xóm là mẹ chồng Thu từ tốn cười: “Cũng chịu khó lắm nhưng mà hơi vụng”.
Ở quê vài ngày, thể nào Thu cũng để quên một thứ gì đấy, khi thì cái khẩu trang, lúc là áo lót vắt vẻo ở thành ghế, có khi nguyên cả cái nhẫn cưới nằm lăn lóc trên mặt bể nước. Vì thế, mỗi lần con dâu chuẩn bị về, mẹ chồng đều nhắc cẩn thận quên đồ, tránh chuyện con dâu về đến thành phố, gọi điện lại để mẹ chồng đi tìm và thu gom đồ bỏ quên (lâu lâu không thấy con dâu về, mẹ chồng phải nhờ người thân mang đồ lên thành phố trả).
Minh (Hải Phòng) thường “mất điểm” với mẹ chồng vì tính bạ đâu quên đó. Hôm Minh đi siêu thị, mua được hộp kem dâu. Minh bỏ hộp kem vào túi bóng, tung tẩy xách về nhà. Trên đường đi, do còn rẽ dọc rẽ ngang ngắm nghía quần áo hạ giá, phần cũng vì Minh đong đưa quá mạnh nên về đến nhà thì kem đã thành nước và đổ ra ngoài gần hết.

Đấy là chưa kể lần nào vo gạo, Minh cũng quên không lau ruột nồi cơm điện trước khi bỏ nó vào nồi. Còn vô số chuyện tương tự như thay quần áo xong, Minh toàn ném ra giường; ngủ dậy vội quá, chăn màn không bao giờ gấp; đi vệ sinh lúc nửa đêm thì quên không tắt điện; rót nước chè vào chén thì luôn để nước tràn… “Cũng cố gắng để hoàn thiện nhưng khó quá” – Minh kể. Minh cho biết, cũng may mẹ chồng cô dễ tính nên cái nết vụng về của con dâu không đến nỗi “tan cửa nát nhà”.

Lam (Bình Dương) không được may mắn như thế. Lam vốn đoảng lại phải sống chung với mẹ chồng kỹ tính nên khá mệt. Nếu con dâu rán cá thì mẹ chồng loanh quanh ở bên cạnh, nhắc phải lật cá thế này, phải thêm dầu ăn từng kia sao cho không thừa mà cá vẫn chín. Nếu con dâu rửa dao, cọ thớt, mẹ chồng giám sát từ khâu dùng giẻ cọ rửa riêng biệt đến việc tráng thớt bằng nước sôi và úp thớt ở chỗ nào cho đúng cách.

“Cũng có lúc khó chịu vì bị mẹ chồng xét nét nhưng công nhận là mình vụng thật” – Lam chia sẻ.

Không ngại nhận khuyết điểm

Nhiều nàng dâu không ngại ngần thừa nhận mình kém khoản bếp núc và cũng không sợ vì phải học hỏi, nhất là từ mẹ chồng. Nguyên nhân là do bận bịu công việc, do ỷ lại vào osin từ hồi độc thân. Nếu sống chung với nhà chồng thì chuyện vun vén nhà cửa, bếp núc của con dâu càng cần được quan tâm hơn.

Điều quan trọng, con dâu biết mình yếu ở điểm nào để khắc phục dần dần. “Trăm hay không bằng tay quen”, khi đã thực hành thành thạo rồi thì chuyện bếp núc với những nàng dâu vụng sẽ là những kỷ niệm vui.

Nhãn:

0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ