Quần áo

Quần áo

26 thg 10, 2009

Giới trẻ - Mình đã lớn lên như thế nào?


1. Hồi còn đi học, mình chả có ai hướng nghiệp, cha mẹ chỉ biết đọc biết viết, mình lại là con gái một (nhà có tới 4 đực rựa) nên mẹ mình chỉ muốn mình ở quê để lấy chồng vì “có con mà gả chồng gần, có bát canh cần nó cũng mang cho”.


(Hình ảnh chỉ có tính minh họa)

Lúc mình lên Hà Nội thi vào Đại học Y mẹ lại bảo “cái thứ cắt cổ gà không dám mà định làm bác sĩ”. Khi nhận giấy báo trúng tuyển, cả nhà ai cũng cản: “Nhà nghèo, ai chu cấp cho học tới 6 năm mà đi?”. Mình thấy hai chữ “Đại học” thì sướng nên cứ liều, liều tới mức đọc luôn câu thơ của Tố Hữu: “Ừ đói khổ đâu phải là tội lỗi”. Thế là hành trang chỉ có 2 bộ quần áo, 1 đôi dép nhập học. Mình còn nhớ bài báo tường đầu tiên mình viết: “Mở trang đầu tôi ghi bài học mới, Hai chữ sinh viên từ lâu trông đợi, Vang trong lòng tôi vời vợi ân tình...”.

Năm thứ nhất, đụng luôn môn giải phẫu. Các bạn cứ hình dung 2 cái xác chết, mùi formol xộc vào mũi, bọn mình phải dùng dao mổ rạch da, tìm đường đi của mạch máu, thần kinh mà học. Hôm đầu tiên dù bụng đói gần như đứa nào cũng bỏ cơm vì lỗ mũi toàn mùi tử thi, nhắm mắt vẫn thấy 2 cái xác nằm trên bàn đá. Đêm đó mình không ngủ, giường bên có đứa sụt sùi. Gần sáng mình nghĩ “người khác làm được thì mình cũng phải làm được” và mình ráng vượt qua môn học kinh hãi này với điểm 9 thi vấn đáp.

Các bạn nghe chữ “nghèo” luôn đi kèm chữ “khổ” nhưng với mình thì lại là cú hích. Vì nghèo nên mình chả dám đi chơi khi túi rỗng, thế là mình lao vào học. Lúc đầu không phải là thích học đâu, cũng khoái “iêu” và khoái chơi lắm. Nhưng sau mình nghĩ: đã chọn nghề thì phải yêu nó, khởi đầu từ yêu chiếc áo choàng trắng. Tiếp đến mình tìm cách biến những môn học khô khan cho nó “ướt” để dễ tiếp thu. Ai là sinh viên trường Y chả biết câu “sáu năm ba mươi sáu lần thi, một lần tốt nghiệp còn gì là xuân”.

Mình hay đến thư viện đọc sách (làm gì có tiền mà mua), bác thủ thư thấy mình tối thứ 7 vẫn ngồi trong một góc thư viện, dù mùa hè hay đông lạnh thì chuyển từ ngạc nhiên sang nghi ngờ mình... có vấn đề về giới tính. Khi biết mình có bạn trai ở xa bác cười phá lên và bảo: bác tưởng con bị “điếc”.

Thời mình học tất cả các môn đều thi vấn đáp, tên mình lại vần T nên bị xếp gần chót. Mấy đứa ở vần A, B sợ lúc đầu thầy cô “sung” hỏi nhiều nên đề nghị đổi thứ tự, mình rất khoái. Thường khi thầy cô đang hưng phấn, hỏi nhiều thì dễ cho điểm cao. Thế là mình “ẵm” điểm 9, 10 chiếm gần hết các kì thi. Quy định của trường là nếu bạn nào được 2/3 điểm giỏi (9 và 10), không có điểm trung bình, hạnh kiểm tốt thì được bầu là “Sinh viên giỏi”, mình trở thành sinh viên giỏi đúng theo nghĩa “biển học vô bờ chỉ lấy siêng năng làm bến”.

Kể về phương pháp học của mình hình như khác với các bạn thời nay nhiều lắm. Mình ngủ nhiều, cứ buồn ngủ là lăn ra ngủ, mình nghĩ đơn giản là bộ não mệt sẽ ỳ ra không tiếp thu được. Có lần lớp đề nghị giờ “tự tu” không ai được chơi hay ngủ. Mình chui vào mùng ngủ bị cờ đỏ túm được “bêu gương” trước lớp, nhục ơi là nhục. Nhưng đó lại là cú hích. Mình nghĩ: khi học thì tập trung cao độ mới “nạp” được kiến thức vào bộ não (dù lúc nào nó cũng đói). Đến lớp thầy cô “thở” ra câu nào tụi nó ghi hết. Mình thì nghe một hồi rồi ghi theo kiểu tóm lược ý chính, về nhớ lại bài giảng mà triển khai. Cách “biến hóa thần thông” này có cái dở là đứa nào mượn tập của mình để chép bài là chẳng hiểu gì hết, có đứa bảo mình “cậu viết kí hiệu tiếng Ả Rập hay tiếng dân tộc thiểu số?”. Ghi tóm lược cũng là cách tiết kiệm tiền mua tập và khi học thì bộ nhớ của não mới “mở” ra.

Dù sao thì cái vụ ngủ cũng vẫn là “vụng trộm” và thời đó là “thiếu ý thức kỉ luật”. Tuy vậy khi thấy điểm thi các môn “ngon” như vậy cả lớp lại quên và mình được “xóa tội”.

Cuối năm thứ 4 nhà trường xem điểm, bình chọn và mình được xếp vào danh sách các giảng viên tương lai của trường Đại học. Các bạn có biết nick của mình lúc ấy là gì không ? “Sinh viên “ỷ” khoa” - bởi chỉ có con lợn ỷ Móng Cái mới ngủ nhiều như vậy. Khi mình trở thành giảng viên Đại học điều lo lắng nhất không phải là kiến thức mà lại là chiều cao. Thế rồi bài giảng thu hút khiến sinh viên quên mất là cô phải kê thêm... cái bục. Bạn nào hơi bị lùn thì lùn ơi đừng tự ti, mình là người lùn chính hiệu đấy.
Bác sĩ Lê Thúy Tươi: "Bất luận học gì, làm công việc gì, điều trước tiên là phải tự tạo ra sự thích thú và đam mê nó, dù trước đó có thể bạn không thích..."

2. Mình khoái viết văn nên hễ lớp làm báo tường là mình viết một hơi mấy bài (có viết giùm mấy đứa làm biếng). Mỗi khi có bài đăng báo, mình lén đứng sau nghe tụi con trai khen “thằng nào làm bài thơ tình này hay tuyệt cú mèo!”. Mình không biết “tuyệt cú mèo” là sao nhưng nở mũi, từ lần sau toàn lấy bí danh, một trong những nick thời ấy là “Bí Xanh”. Hi hi, ai ngờ báo Mực Tím có lúc bảo mình làm chị Bí Đỏ, báo Tuổi trẻ Cười gọi mình là BS Tịt Tuốt. Cách đây 15 năm mình vừa làm việc vừa tham gia tư vấn “giới tính, tình dục” cho đài 1088. Nhiều lần đi nói chuyện với sinh viên, học sinh, mình nhận ra là các bạn “đói” kiến thức về “món” này. Những thắc mắc ngây ngô, những tai nạn đáng thương của các bạn vì thiếu hiểu biết đã thôi thúc mình viết.

Hóa ra trong huyết quản của mình dòng văn chương vẫn chảy. Mỗi khi báo ra, mình lại thấy hưng phấn và viết tiếp. Thư của các bạn hỏi về các vấn đề chứng tỏ các bạn tin cậy mình. Đó chính là những cú hích khiến mình thấy càng khoái viết hơn. Viết đơn giản, dễ hiểu là sở trường của mình, lại dễ đi vào lòng bạn đọc nhất.

Trong cuộc hành trình hơn 60 năm, mình có thể nói với các bạn rằng: bất luận học gì, làm công việc gì, điều trước tiên là phải tự tạo ra sự thích thú và đam mê nó, dù trước đó có thể bạn không thích. Mình thích văn chương nhưng lại thi vào trường Y thì phải tạo niềm đam mê nghề nghiệp. Khi có cơ hội, mình lại vừa là bác sĩ vừa viết về những vấn đề của ngành mình. Mình bật mí với các bạn rằng: “Với mình, bác sĩ giống như ông xã; còn làm báo giống như người tình. Cả hai đều phải có một tình yêu lớn, mới cháy bỏng dài dài được”.

Lê Thuý Tươi


Nhãn:

0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ