Quần áo

Quần áo

19 thg 4, 2012

Dâu mới

“Cơm chín tới, như vợ mới cưới về!” Vợ mới cưới, lòng ông xã nào cũng rộn ràng. Trong vai cô vợ mới cưới, cô gái cũng đầy cảm xúc, dường như họ sẳn sàng cho vai diễn từ người yêu trở thành bà xã. Cảm giác thuộc về người đàn ông rõ ràng hơn, khiến cho họ yên tâm đã “có nơi, có chốn”. Thế nhưng, lấy chồng, đâu chỉ có một vai vợ, họ phải nhận thêm một vai nữa: dâu. Không hiểu sao, chữ “dâu” ngọt ngào thế mà cô nào cũng nhăn mặt, nhẹ nhất là nhíu mày, chẳng ai “ham” đóng vai này. Ai thoát được cảnh ở chung với bố mẹ chồng, cũng chưa hẳn mừng, vì còn phải biết đối xử với nhà chồng cho phải phép. Vì thế, dâu lâu năm còn chưa đủ kỹ năng, huống gì dâu mới.

Nhà bà Mừng ( phường 5- Gò Vấp) mới có dâu, mà dâu đầu nhé. Hàng xóm của bà nắc nỏm khen cô con dâu đẹp dáng. Bà cười bảo: “Ừ, con trai tôi có mắt mà”. Bà thương con, nên thương cả dâu. Sau đám cưới, con trai bà nói với mẹ: “Cô ấy chả biết gì đâu, tùy mẹ dạy đấy…”.Dạy gì được, con dâu bà cũng đi từ sáng đến tối, ăn tối xong, có khi chạy vào phòng riêng nghe điện thoại, xem tivi…quên rửa bát. Tính bà sạch sẽ, nên vừa càm ràm vừa rửa bát. Mãi đến hôm sau, con dâu bà sực nhớ ra nhiệm vụ, khen mẹ chồng: “Mẹ đảm đang ghê, giống hệt như mẹ ruột của con, toàn giành rửa chén với con…”Bà mẹ chồng, chả biết nói sao…đành tự an ủi: “Thôi thì cái tính nó vô tư, ăn nói thật thà, nó có coi mình như mẹ ruột mới nói thế”.



Ngày chủ nhật, mẹ con vào bếp, bà mẹ bếp chính, con dâu bếp phụ, cũng vui lắm. Bà chẳng có gì phàn nàn ngoài việc, cô con dâu vừa nấu, vừa xem tivi. Bà muốn nấu ăn là phải chú tâm vào, để cả tâm hồn mình vào đấy. Người ta bảo dạy vợ day lúc mới về, dạy dâu chắc cũng thế, nên bà “đằng hắng” vài lần mới nói với dâu. Không dè, con dâu bà lại phân tích: “Mình phải xem tivi để cập nhật thông tin, người phụ nữ thời đại mà, dù ở trong bếp cũng phải biết chuyện gì xảy ra trên thế giới. Tụi con bây giờ khổ vậy đó má, đâu có được toàn tâm vào bếp, cái gì cũng phải nắm bắt, phải biết…Ụa, mà sao, má chiên cá không ướp trước hả má? Ụa, cá kho mới ướp hả má. Ụa, sao thịt heo lại xắt mỏng thế này, ụa, thịt bò à! Con không đeo kính, chẳng nhìn thấy thịt con gì…Mà má nên tận dụng những đồ ăn nấu sẳn ở siêu thị, chứ cứ nấu thế này, chẳng còn đâu thời gian mà…sống má ạ!”. Đấy, bà mới nói một câu, con dâu bà “ụa” một tràng, toàn giọng “chỉ đạo”chẳng đâu vào đâu, kiểu này, bà dạy sao nổi…Thôi thì, dâu mới, để nó cảm thấy thoải mái, chừng nào nó cũ rồi, dạy bảo cũng chưa muộn.

Cũng có không ít cô gái xăng xái tự nguyện làm dâu ngay từ ngày đầu về nhà chồng, có nghĩa là coi nhà chồng như nhà mình. Như Ngọc Chi, một đại lý bảo hiểm, tự tin vào kỹ năng giao tiếp của mình, nên cô hội nhập vào nhà chồng không một chút hoang mang. Đám cưới của cô trước Tết hai tuần. Đó là cơ hội để cô con dâu chứng tỏ bản thân. Thấy vợ phấn chấn, chồng cô mừng quá, thời buổi này, cô vợ nào muốn sống với bố mẹ chồng đúng là hàng hiếm.

Thế mà, mấy ngày Tết, là mấy ngày, anh chồng ngồi im để cô vợ tựa vào vai anh mà…khóc. Mới ngay mùng một Tết, cô đã bị bố chồng phê bình: “Khách khứa của bố mẹ, con cái không được phép xen vào nói chuyện. Hơn nữa, mới đầu năm, mà con cứ hỏi người ta tùm lum, nếu họ gặp rắc rối, họ dễ đổ thừa cho con…”. Chi ngồi im re, cô nhớ lại bà chị dâu của mình, vợ của anh Hai, về nhà chồng cứ khép nép, lặng lẽ như bị “ép lấy chồng”, khiến cho mẹ cô cứ chép miệng: “Vậy sao chồng ăn nên, làm ra”…Rút kinh nghiệm, Chi xởi lởi, hỏi han, thì cũng bị…chê!

Bây giờ, cô vẫn còn rưng rưng khi nhắc đến chuyện: nấu ăn ngày Tết. Từ chuyện làm nước mắm đến bày mâm cúng, cô đụng vào đến đâu, hỏng việc đến đấy. Bà mẹ chồng cứ im im, cô mới phát lo. Ngay cả nấu ăn ngày thường, Chi cũng bị áp lực, ông bố bị tiểu đường, bà mẹ cao huyết áp…Nấu nồi canh, ông gật đầu, thì bà mẹ chê nhạt. Kho nồi tôm, bà mẹ thì duyệt, nhưng lại răn: “Bố con ăn không được, có nước dừa, có đường”. Khổ là ông bố lại kết tôm kho dừa: “Tui ăn vài con, có chết đâu”, hai vợ chồng già cải nhau, con dâu tê tái mặt mày. Chưa hết đâu, ông bố chồng thức dậy lúc 5 giờ sáng, uống cà phê, nghe nhạc, bà mẹ chồng còn thức dậy sớm hơn, tập dưỡng sinh…Chi thì quen ngủ đến giờ đi làm, vội vã chạy xuống lầu, phóng xe đến cơ quan…Dậy sớm sao nổi, còn phải làm việc cả ngày dài. Chuyện này, làm Chi áy náy. Dù bố mẹ chồng không có “ý kiến đóng góp”, nhưng cô vẫn cảm thấy mình như một kẻ ở trọ. Thế mà khi cô kể chuyện mình cho mấy chị bạn đồng nghiệp có “ thâm niên làm dâu”, họ đều bảo: “Ban đầu ai cũng sốc vì lệ mỗi nhà khác nhau, lâu dần sẽ quen thôi”

Làm dâu khó hay dễ? Các cô thường trả lời “hên-xui”. Ừ thì hên- xui nhưng nếu cô nào hay khoe “gặp mẹ chồng hiền” thì biết đâu những bà mẹ chồng đó đang phải “ôm lòng đau” chịu đựng cô con dâu một cách lặng lẽ….

Nhãn:

0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ