Quần áo

Quần áo

26 thg 7, 2011

Con ngoan bỗng đổi tính đua đòi

Tốt nghiệp cấp 3, Tuấn không chịu thi đại học mà nằng nặc đòi đi du học cùng đám bạn thân. Vợ chồng chị Mai đành phải chiều lòng cậu con mà chẳng biết ra nước ngoài nó học hay ăn chơi đua đòi.

Tuấn là con trai một của chủ một nhà hàng lớn tại Sài Gòn nên từ bé đã được cưng chiều. Ba mẹ cậu chưa bao giờ từ chối bất cứ một yêu cầu nào của quý tử, vì từ nhỏ tới năm học cấp 2 cậu rất ngoan, chăm chỉ học hành.

Bắt đầu vào trung học, nghĩ là con đã lớn có thể tự lập được, bố mẹ bắt đầu sắm cho Tuấn xe máy riêng và điện thoại di động xịn; trong khi bạn cùng lớp đi học bằng xe đạp hoặc người nhà đưa đón. Từ đó, cậu đổi tính và ngày càng có những yêu sách cao hơn.

“Có lần Tuấn về nhà đòi mua xe mới cho giống với nhóm bạn mình đang chơi, vợ chồng tôi không đồng ý. Nó bỏ nhà đi cả tuần, gọi điện thoại không nghe, tìm thì chẳng biết con đi đâu. Chỉ đến khi mẹ nhắn tin 'con về đi xe đã mua sẵn ở nhà rồi' thì nó mới chịu về”, chị Mai mẹ Tuấn lắc đầu kể lại.

Nhưng cũng từ đó mỗi lần đòi gì không được thì cậu lại dọa bỏ nhà đi.

Lên cấp 3 ba mẹ Tuấn phải cho cậu vào học bán trú ở một trường tư với ý định "vào đó con sẽ ít đi chơi và tiến bộ hơn". Không ngờ cậu lại kết bạn với một nhóm con nhà giàu ăn chơi giống mình, thậm chí thành thủ lĩnh của nhóm.

Mới đây tốt nghiệp cấp 3 xong, Tuấn không chịu thi đại học mà nằng nặc đòi đi du học cùng đám bạn thân. Vợ chồng chị Mai lại phải chiều cậu, trong lòng phấp phỏng con du học hay du chơi.

Linh cũng là một trong những teen ngoan bỗng chốc đổi tính thành con hư. Ba mẹ là nhân viên nhà nước, lương chỉ đủ để chi tiêu gia đình và lo cho con ăn học. Hiểu hoàn cảnh gia đình, Linh ngoan ngoãn, chăm chỉ học hành từ lúc nhỏ. Song đến khi vào đại học, quen biết với nhiều bạn là con nhà khá giả, cô gái trẻ bắt đầu đổi tính. Thay vì hàng ngày đi học và về nhà phụ mẹ làm việc nhà như trước, thì nay Linh ăn diện đi chơi nhiều hơn.
Do ngoại hình dễ nhìn nên Linh được nhiều bạn trai trong trường để ý. Thế là cô bắt đầu quen những anh chàng nhà giàu trong trường để được đưa đi chơi hàng đêm. Thế nhưng những chàng trai mà cô quen cũng đang phụ thuộc và xài tiền ba mẹ nên về lâu dài không thể đáp ứng được nhu cầu mua sắm đi chơi của cô.

Chia tay các cậu học sinh, Linh bắt đầu chuyển sang cặp với những người đáng tuổi cha để được bao đi chơi mua sắm. Càng ngày kết quả học tập của cô càng đi xuống so với cường độ đi chơi và sự sành điệu của mình. Bố mẹ chỉ biết ngồi khóc khi nhắc đến con mà không thể khuyên răn được gì.

Còn Hiền, nữ sinh một trường quốc tế thì lại chơi "les" theo phong trào để thể hiện sự sành điệu và đẳng cấp của mình. Hiền nói thẳng thừa: "Em quan hệ với bạn gái cho vui và hợp với mốt hiện nay chứ chẳng bị les gì cả, cũng chẳng mất mát gì vì con gái với con gái mà”.

Hiền thường cùng đám bạn tụ tập các cặp đi chơi với nhau và thể hiện tình cảm ngay cả ở nơi công cộng. Một lần vô tình mẹ Hiền nhìn thấy con gái mình hôn cô bạn gái ngay trong một trung tâm thương mại. Quá sốc, người mẹ không kiềm chế được đã tát vào mặt con trước bạn bè nó, khiến cô bỏ đi mấy ngày mới về nhà.

Theo các chuyên gia tâm lý và xã hội, nguyên nhân đầu tiên dẫn đến trẻ đua đòi phải kể đến sự nuông chiều con của các bậc phụ huynh. Cha mẹ thương con, cái gì cũng chiều, ban đầu chỉ là ly sữa, cái kẹo… dần dần trẻ càng lớn hơn thì đòi hỏi nhiều hơn. Trong khi đó cha mẹ không biết tạo điểm dừng, dẫn đến trẻ bị bệnh đua đòi.

Tâm lý đua đòi ở trẻ nhiều khi lại do chính cha mẹ cũng đua đòi, muốn con mình hơn người khác. Những trường hợp này, bé trở thành nạn nhân để cha mẹ khoe của. Cũng có phụ huynh không muốn con bị mặc cảm với bạn bè vì đã lỡ đưa trẻ vào nhóm bạn của con hay thậm chí bạn của ba mẹ giàu có, đến khi khánh kiệt phải xoay tiền giúp quý tử không thua sút bạn bè.

Các chuyên gia còn cho rằng, do ảnh hưởng của môi trường xung quanh nên trẻ em rất dễ bắt chước theo hành động của bạn bè hay người lớn. Do đó muốn ngăn chặn bệnh đua đòi ở trẻ thì ý thức của người lớn trong gia đình cần phải thay đổi, điều chỉnh cách ứng xử của mình. Cần cho trẻ tham gia các phong trào Đoàn, đội hay học kỳ quân đội để bé quen với cuộc sống gian khổ, trong lành, ý thức được sinh hoạt lành mạnh là quan trọng.
Theo VnExpress

Nhãn:

0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ