Quần áo

Quần áo

21 thg 4, 2011

Dì ghẻ nuôi 5 con chồng thành đạt

Câu tục ngữ "mấy đời bánh đúc có xương ..." không đúng với bà Nguyễn Thị Thăng, 60 tuổi ở Lập Thạch, Vĩnh Phúc.

Bà Thăng cùng chồng nuôi 6 người con (trong đó có 5 con chồng) thành đạt.
Trong căn nhà nhỏ ở K7, Thụy Điền, Tân Lập, huyện Lập Thạch, bà Thăng sống vui vầy cùng gia đình người con trai út.
Nhớ lại thời mới lấy ông nhà, bà kể: “Lúc ấy, quả thật tôi cũng lo lắng lắm. Bởi ông có tới 5 người con, trong số ấy có 3 con trai, đứa lớn cũng độ tuổi 10, đứa nhỏ đã lên 7. Sợ hơn nữa là quan niệm của người đời. Nhắc tới mẹ ghẻ con chồng là người ta thấy ghét mẹ ghẻ. Nhiều người trong dòng họ cũng không đồng ý vì sợ định kiến. Nhưng tôi vẫn nhất định lấy ông ấy, và hứa với bản thân làm tròn trách nhiệm của một người mẹ”.
Chưa hết, bà còn có một người con gái nuôi, đó là chị Thoa, con gái út của bà bây giờ


Bà Thăng bên bữa cơm cùng con cháu. Ảnh: Trần Đức Hạnh.

Anh Mai, đang ở cùng bà, kể: “Ngày đó cuộc sống còn khổ, gia đình lại đông người. Những bữa cơm độn khoai, độn sắn, bà thường hớt lấy phần cơm cho các con, phần khoai sắn về mình. Thú thật mới đầu chúng tôi cũng sợ, cũng không thích. Về sau thì… mẹ là mẹ của chúng tôi thật sự. Mẹ đẻ chúng tôi xấu mệnh có công sinh, nhưng mẹ thì lại có công dưỡng dục, nuôi nấng chúng tôi trở thành người”.

Đồng lương giáo viên ít ỏi của chồng khi ấy không đủ để mua gạo cho các con. Bà Thăng cứ thế âm thầm làm lụng, đổi công, đổi sức để lấy gạo cho gia đình. Làm hết việc nhà bà lại đi làm thuê cho nhà khác, "để thêm được bát gạo nào thì càng tốt. Chứ các con đang tuổi ăn tuổi lớn mà không đủ no thì tội lắm".

“Cuộc sống khổ cực, vậy mà khi chúng tôi đi học, mỗi tuần mẹ vẫn gửi cho chúng tôi đều đều 3 cân gạo. Như thế, ở nhà chỉ còn lại 1 bát đán (bát đất ngày xưa) độn với những thứ khác để ăn. Chúng tôi thấy cảm kích lắm và tự hứa sẽ thành đạt để không phụ công ơn dưỡng dục của mẹ” - Anh Mai xúc động kể lại.

Cũng vì những hy sinh của mẹ mà cả 6 người con đều quyết tâm học thành tài, sau này có cơ hội mà báo hiếu mẹ. Năm 1995 ông nhà mất. Chính tay bà lại chăm lo, dựng vợ, gả chồng cho cả 6 người. Hiện họ đều đã thành đạt. Người làm Giám đốc đài Viễn Thông của huyện, người làm giáo viên trường quân sự Quân Khu 2. Người con trai đang ở với bà, anh Trần Thai Mai là hiệu trưởng của một trường THCS.

Chị Phượng (vợ anh Mai) góp chuyện: “Ngày lấy anh Mai, tôi cũng sợ lắm khi nghe anh nói bà không phải là mẹ ruột. Mẹ chồng nàng dâu vốn không mấy hòa hợp. Trong hoàn cảnh này tôi càng lo lắng. Nhưng thời gian đã chứng minh một điều bà là bà mẹ chồng tuyệt vời nhất”.



Giờ tuổi đã cao, nhiệm vụ của bà là chăm lo cho các cháu học hành.
Ảnh: Trần Đức Hạnh

Giờ đây các con bà đều ở trên thành phố, có nhà cao cửa rộng muốn đón mẹ lên để chăm sóc nhưng bà nhất quyết không đồng ý vì muốn ở lại ngôi nhà nhỏ nơi thôn quê, hương khói cho tổ tiên. Ngày nghỉ con cháu lại kéo nhau về thăm. Gia đình bà năm nào cũng nhận được danh hiệu gia đình văn hóa và là tấm gương cho mỗi gia đình trong xã.

Một người dân trong xóm chia sẻ: “Quả thật, nhìn vào gia đình nhà bà ấy nhiều khi chúng tôi cảm thấy thèm. Nhất là khi bà Thăng lại là dì ghẻ của chúng nó chứ”.

Khi được hỏi để có một đại gia đình đầm ấm và hạnh phúc như thế có khó không? Bà bảo: “Không khó, đơn giản mình hãy luôn làm tròn trách nhiệm của một người mẹ vì mình là mẹ. Tình yêu của một người mẹ sẽ làm được tất cả. Các anh thấy đấy, đến hôm nay tôi luôn tự hào vì con cháu của tôi”.
Theo VnExpress

Nhãn:

0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ