Quần áo

Quần áo

21 thg 4, 2011

Những ngày vượt giông bão của vợ cố đạo diễn Huỳnh Phúc Điền

Chông chênh, đau đớn và cả mất phương hướng… là cảm xúc của những người ở lại và vượt qua điều này quả không dễ dàng.

Có lẽ, trong những mất mát của con người, mất người thân là nỗi đau lớn nhất.
Ngày bác sĩ báo hung tin “anh bị ung thư gan”, tôi nghe như chính mình bị tuyên án tử. Hơn chục năm chung sống bên nhau, tôi chưa bao giờ hình dung mẹ con tôi sẽ mất anh vĩnh viễn một cách đột ngột và sớm như thế - mới 39 tuổi.
Bởi gia đình chúng tôi đang rất vui vẻ, hạnh phúc và anh vẫn đang hừng hực lửa đam mê, cống hiến cho nghề nghiệp, chẳng có dấu hiệu của bệnh tật. Vượt lên nỗi đau, sợ hãi, anh đã chuẩn bị tinh thần cho mình và cho cả tôi về sự ra đi của anh.
Dù đã tiên liệu tình huống xấu nhất, nhưng khi sự thật nghiệt ngã xảy ra, tôi mới biết mình đang chạm đến tận cùng sự đau khổ. Lúc đó, tôi chỉ ước muốn được đi theo anh nhưng hình ảnh hai đứa con thơ mới 12 tuổi, 6 tuổi và lời dặn dò cùng sự mạnh mẽ của anh trong những ngày chống chọi với bệnh tật đã làm tôi bừng tỉnh.
Tôi nén lòng, giấu đi sự đau khổ để thông báo và giải thích với con về sự ra đi vĩnh viễn của cha. Ba mẹ con cùng hứa “phải mạnh mẽ để lo đám tang cho ba và sống xứng đáng với sự yêu thương, niềm tin, kỳ vọng của ba”.

Những ngày ma chay xong, chỉ còn ba mẹ con trong căn nhà rộng, chúng tôi mới thật sự đối diện với thực tế không còn anh bên đời. Tôi lại quay về với nỗi đau tột cùng.
Nhiều ngày sau đó, tôi luôn chập chờn, thảng thốt trong những lúc chợp mắt ngắn ngủi. Đêm nào nước mắt tôi cũng tuôn trào, đau khổ bởi sự cô đơn, kỷ niệm và nỗi lo lắng về tương lai của hai con. Kết quả, tôi bị trầm cảm. Nhưng đúng lúc đó, tôi chợt lóe lên suy nghĩ: “Nếu tôi sống như thế này thì hai con tôi sẽ ra sao? Bé Chò đang bước vào tuổi dậy thì, rất cần sự quan tâm, chăm sóc của mẹ. Bé Mi còn thơ dại, cần được hưởng một tuổi thơ thật đẹp...". Tôi bắt đầu đứng lên.
Trước đây, tôi chỉ là người phụ nữ đứng sau lưng chồng, chỉ biết con cái, việc nhà. Mọi thứ trong cuộc sống, từ kinh tế gia đình đến hoạch định, tổ chức cuộc sống anh đều giữ vai trò chính. Bây giờ chỉ còn mình tôi.
Tôi suy nghĩ nhiều đêm liền, lên kế hoạch từng bước ổn định tinh thần cho mình, cho con và cả kế hoạch chi tiết về cuộc sống, học tập, sinh hoạt của ba mẹ con. Đầu tiên, tôi bàn với hai con về việc thay đổi chỗ ở, từ căn nhà nhiều tầng qua căn hộ chung cư. Mục đích vừa để mẹ con gần gũi, gắn bó nhau hơn (nhà cũ mỗi người một tầng), vừa ổn định kinh tế bằng cách cho thuê nhà.
Tôi cũng luôn duy trì nếp sống cũ để hai con không thấy sự xáo trộn, ảnh hưởng khi không còn ba bên cạnh. Tôi chở hai con về nhà cũ để gặp gỡ, chơi đùa với bạn bè, đưa con đến nhà bạn hay tổ chức tiệc để con mời bạn đến nhà chơi. Tôi không còn né tránh nhắc về anh, về những kỷ niệm cũ vì sợ gợi buồn đau, mà biến ký ức đó thành niềm vui, động lực cho ba mẹ con.
Cuối tuần, cả nhà đi chơi rồi đi du lịch hàng năm và tôi dành nhiều thời gian trò chuyện, chơi đùa và xem phim với con. Tôi đã kể cho các con nghe về những đức tính cao đẹp và sự yêu quý của đồng nghiệp, bạn bè dành cho ba, cũng như niềm tin, sự kỳ vọng của ba dành cho hai con để hai con nỗ lực, phấn đấu trong học tập, cuộc sống.
Cả hai bé đều ý thức được điều này, vẫn thấy ba như đang hiện hữu quanh đây và hứa sẽ cố gắng học giỏi, ngoan ngoãn để không phụ lòng ba mẹ. Không khí ấm cúng, vui vẻ đã trở lại với gia đình tôi. Tiếng cười của hai con đã tiếp thêm sức mạnh cho mẹ và tiếng cười của mẹ đã cho con sự an lòng, điểm tựa vững chắc.
Tuy nhiên, trong tôi vẫn luôn hiện diện nỗi lo khi bé Chò bắt đầu “nhổ giò”, chuẩn bị bước vào giai đoạn chuyển mình với những thay đổi về tâm sinh lý mà con không dễ dàng chia sẻ với mẹ. Ngày xưa cha con hay rù rì tâm sự với nhau nên tôi chẳng phải bận tâm nhiều về “phe kia”. Vì tôi và anh đã giao hẹn: “Đàn ông lớn, chịu trách nhiệm dạy dỗ, uốn nắn đàn ông bé”, còn mẹ sẽ “nhỏ to tâm sự” với con gái”.
Tôi mua sách, báo và lên mạng tìm đọc tài liệu nói về tâm lý tuổi mới lớn, đặc điểm tâm sinh lý bé trai và cách giáo dục thế nào cho hiệu quả để có thể đối thoại, giải đáp thắc mắc cho con. Nhưng tâm lý con trai thường ngại bộc bạch những suy nghĩ thầm kín với mẹ nên tôi nhờ ông ngoại và cậu gần gũi, tâm sự với Chò để giúp con bản lĩnh và cứng rắn hơn.
Tự lúc nào, tôi đã quen dần với việc vừa làm mẹ, vừa làm cha và tôi khám phá một điều thú vị về mình: từ người phụ nữ yếu đuối, luôn cần được sự che chở, tôi đã trở nên mạnh mẽ và dứt khoát. Lúc trước, mỗi khi gặp gián, chuột là tôi “chết điếng”. Còn giờ đây, tôi đã là “chiến sĩ diệt… đủ thứ” khi thấy nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe của con. Tôi vốn rất sợ những trò chơi cảm giác mạnh, chỉ đứng làm khán giả cho anh và con. Nhưng giờ hai con muốn chơi thì mẹ sẵn sàng đồng hành. Bé Chò, bé Mi đã há hốc khi thấy mẹ “lột xác” và hai bé cũng ảnh hưởng sự mạnh mẽ này.
Hai năm trôi qua, cuộc sống của mẹ con đã vào quỹ đạo của sự bình yên vốn có trước đây. Hai con ngày ngày hồn nhiên đến trường để thực hiện ước mơ: bé Chò sẽ là kỹ sư về công nghệ thông tin, bé Mi trở thành ca sĩ. Riêng tôi, bên cạnh việc chăm sóc, dạy dỗ hai con, còn tham gia những hoạt động xã hội, từ thiện.
Tôi tham gia CLB Những bà mẹ đơn thân, cùng người thân, bạn bè của anh tổ chức nhiều hoạt động gây quỹ giúp đỡ các bệnh nhân ung thư như nguyện vọng của anh… Tôi rút ra được nhiều điều, sống hướng đến cộng đồng, không chỉ giúp đỡ những hoàn cảnh không may mà chúng ta còn được chia sẻ, giải tỏa nỗi buồn của mình. Khi ta nhìn mọi việc một cách nhẹ nhàng, không suy nghĩ bi quan mà tin tưởng luôn có người thân, bạn bè chia sẻ, động viên thì chúng ta có thể vượt qua những bất hạnh của cuộc sống.
Theo Hải Anh
PNO

Nhãn:

0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ