Quần áo

Quần áo

27 thg 12, 2010

Cảnh giác với lẩu vỉa hè

- Nước lẩu có chứa hóa chất gây ung thư có đặc điểm khiến đồ ăn nhanh nhừ, màu sắc hấp dẫn, nước lẩu có mùi thơm phức, vị cay cay.

Nguy hại gia vị lẩu chứa chất ung thư

Nếu bạn không đề phòng, nồi lẩu thơm phức ở các quán ăn có thể khiến bạn mắc bệnh ung thư, bệnh xung huyết niêm mạc, loét đường tiêu hóa, xơ vữa động mạch…vì gia vị có trong nó đã bị tẩm ướp các hoá chất có hại.
Những thông tin chúng tôi đưa ra dưới đây có thể giúp gia đình bạn có một bữa ăn đầm ấm bên nồi lẩu trong mùa đông lạnh giá mà lại an toàn cho sức khỏe.
PGS.TS Trịnh Lê Hùng, Khoa Hóa học, Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội) cho biết.

Khó "cai" món lẩu trong mùa lạnh

Ghi nhận của phóng viên tại Hà Nội, dịp Noel vừa qua, từ các nhà hàng chuyên lẩu tới các quán vỉa hè đường Nguyễn Quý Đức, Nguyễn Trãi, Phùng Hưng, Nguyễn Du, Văn Cao, Cao Bá Quát (Hà Nội) vẫn nườm nượp khách ra vào dù đã nghe thông tin Trung Quốc phát hiện một loại gia vị lẩu có chứa chất gây ung thư.

Anh Lê Thy Dương (Hà Đông, Hà Nội) đang chờ được xếp bàn tại quán lẩu trên đường Nguyễn Du cho biết: "Tôi có nghe báo chí đưa tin về chất phụ gia trong lẩu có chứa chất gây ung thư. Nhưng tôi ăn mãi ở đây, có sao đâu mà lo". Anh Nguyễn Văn Yên (Cầu Giấy, Hà Nội) tiếp lời: "Trời rét thế này ngồi quây quần bên nồi lẩu uống rượu mới vui. Mà nhà hàng này khẳng định họ chỉ dùng xương và các gia vị Việt Nam nấu, trừ hải sản là đồ đông lạnh, còn toàn hàng tươi sống". Còn chị Nguyễn Thu Vân (Long Biên, Hà Nội) cho biết: "Nhà tôi hay ăn lẩu vỉa hè vì nấu ở nhà không đủ vị. Nghe đài báo đưa tin cũng... sợ, nhưng đến đây thấy nhiều người vẫn ăn vô tư nên tôi cũng vững tâm".

Các chủ quán khi được chúng tôi hỏi về chất lượng nước lẩu, đa số đều khẳng định chỉ dùng xương và các gia vị nội địa nấu, thực phẩm là hàng tươi sống. Hà Nội đang vào kì rét đậm nên khách rất đông, mâm nào cũng chật, cử động là chạm nhau, đầm ấm và vui vẻ, bỏ ngoài tai thông tin gia vị lẩu chứa chất ung thư.

Tuy nhiên, một số người dân cũng đã dè chừng với lẩu vỉa hè. Anh Lê Hoài (Giảng Võ, Hà Nội) chia sẻ: "Biết tin trên nên tôi đưa vợ con tới nhà hàng có tiếng, giá cả cao nên tôi nghĩ họ phải dùng nguyên liệu, phụ gia tử tế, thực phẩm bảo đảm hơn". Chị Kim Lanh (Đông Anh, Hà Nội) cho biết, dịp lễ, nghỉ cuối tuần chồng chị hay đưa cả nhà vào thành phố ăn lẩu vì vui, ngon. Nhưng từ khi nghe tin gia vị lẩu có chất gây tổn thương cho hệ thống thần kinh, tiêu hóa, cũng như mắc các chứng bệnh ung thư, thì... sợ quá, đành mua thực phẩm về chế biến cho an toàn.

PV Báo GĐ&XH đã khảo sát tại các chợ đầu mối ở Hà Nội như: Đồng Xuân, Phùng Hưng, Thành Công tìm hiểu về các gia vị lẩu. Sau đợt kiểm tra của Cục ATVSTP, một số tiểu thương ở các chợ khẳng định không nhập gia vị lẩu có xuất xứ từ Trung Quốc. Tuy nhiên, tại ki-ốt tên T.T (chợ Đồng Xuân), khi chúng tôi hỏi mua gia vị lẩu Tứ Xuyên, chủ hàng vẫn đưa ra một gói gia vị lẩu với giá 12.000đ, bao bì được ghi bằng chữ Trung Quốc. Thứ gia vị này chỉ cần cho vào nước sôi là dậy mùi thơm, cay, nước đỏ đẹp và nấu được tới mấy nồi lẩu. Tại chợ này, trước khi Cục ATVSTP kiểm tra thì các loại gia vị lẩu, sa tế có xuất xứ từ Trung Quốc được bày bán tràn ngập, giá "mềm" hơn.


Các quán lẩu vỉa hè ở Hà Nội khá đông khách khi thời tiết trở lạnh. Ảnh: Phương Thuận
Sẽ sớm có kết quả kiểm nghiệm phố lẩu Phùng Hưng

Cục ATVSTP khuyến cáo người dân nên chọn mua các loại gia vị có nguồn gốc xuất xứ, hạn dùng rõ ràng. Khi tiêu dùng thực phẩm nói chung và ăn các loại lẩu nói riêng nhất thiết phải biết rõ nguồn gốc vị lẩu, nếu có nghi ngờ cần báo ngay cho cơ quan chức năng để kiểm tra, xử lý kịp thời.

Theo PGS. TS Trịnh Lê Hùng, thành phần chủ yếu của chất phụ gia lẩu là các hoá chất độc hại như: NO2, HCHO... Khi vào cơ thể, các hóa chất này sẽ chiếm ôxy ở trong máu, ảnh hưởng đến các chức năng của cơ thể. Loại gia vị này không được xếp vào danh mục thực phẩm. PGS.TS Trịnh Lê Hùng cũng cho biết thêm, khi cho các loại hóa chất vào nồi lẩu thì nhanh nhừ, màu sắc hấp dẫn hơn, nước lẩu có mùi thơm phức, vị cay cay.

Để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, PGS.TS Trịnh Lê Hùng khuyên nên dùng sa tế của các hãng sản xuất uy tín, có giấy chứng nhận an toàn thực phẩm. Dùng đúng hạn sử dụng, khi đã mở nắp không nên để lâu quá 1 tháng. Có thể nhận biết loại gia vị này bị ôxy hóa bằng cách ngửi có mùi khó chịu, màu sắc sẫm, không tươi.

Theo ông Nguyễn Công Khẩn, Cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP), Bộ Y tế, thông tin gia vị lẩu có chứa chất gây ung thư mới chỉ có một số báo Trung Quốc đưa, các báo chính thống cũng như hệ thống cảnh báo ATTP khu vực chưa có thông tin. Ông Nguyễn Thanh Phong, Phó Cục trưởng Cục ATVSTP cho rằng, để phát hiện, ngăn chặn, xử lý việc buôn bán thực phẩm rất khó và một mình ngành Y tế không làm xuể. Những sản phẩm không có nhãn phụ tiếng Việt, không rõ nguồn gốc, hạn sử dụng... là sai quy định pháp luật về công bố chất lượng, sẽ bị tịch thu ngay mà không cần kiểm nghiệm.

Theo ông Nguyễn Thanh Phong, đợt kiểm tra mấy ngày cuối tuần vừa qua, đoàn thanh tra liên ngành đã phát hiện 3 ki-ốt có bày bán gia vị lẩu ghi bằng bút viết tay trên vỏ bọc là lẩu Tứ Xuyên, còn trên gói lẩu ghi bằng chữ Trung Quốc, không có nhãn phụ bằng tiếng Việt. Đoàn kiểm tra đã lấy 5 mẫu gia vị lẩu ở đây và 2 mẫu nước lẩu lấy ở phố lẩu Phùng Hưng để gửi Viện Kiểm nghiệm ATVSTP Quốc gia làm rõ thành phần. Kết quả kiểm nghiệm mẫu sa tế, gia vị lẩu Trung Quốc và nước lẩu dự kiến sẽ có trong tuần tới.
(Còn nữa)
Kỳ sau: Cách ăn lẩu an toàn
Hà My - Uyển Hương

Nhãn:

0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ