Quần áo

Quần áo

14 thg 1, 2011

Linh Nga: Bố mẹ đã vẽ nên cuộc đời tôi

Một năm bận bịu và thành công, Linh Nga cho rằng cô đang ở vị trí cân bằng mọi thứ.

Câu chuyện của cô với chúng tôi còn là khoảng sân sau của những vũ điệu. Nơi đó có nhiều người đồng hành với Nga.
Linh Nga thực tế. Thực tế để luôn biết điều mình muốn, biết tìm cho mình một chỗ đứng trong sự ồn ào của thế giới những người nổi tiếng.

Có người bảo rằng Linh Nga khéo. Kiểu “khéo nề, khéo nếp” của người con gái Bắc. Lại có người cho là Nga khôn. Khôn để luôn là thiên nga lung linh, giữ gìn bộ lông trắng muốt của mình.

Thế nhưng cô chia sẻ: “Tôi luôn đứng ngoài hai khái niệm đó”. Nga chỉ nhận cho mình vừa đủ của một cô gái ngoài hai mươi tuổi.

Bắt đầu từ Vũ

Lễ báo công học tập bằng sự kiện Vũ đã đưa một cái tên trở thành tâm điểm chú ý của nghề múa tại Việt Nam. Đó cũng là lúc nhân vật chính trong Vũ được ghép chung với những người đẹp thành công nhờ hậu thuẫn của đàn ông.

Dư luận xưa nay là vậy. Xung quanh người đẹp luôn có những lời đồn thổi liên quan đến đàn ông.

Nga thẳng thắn tiếp nhận câu hỏi và chững chạc trả lời: “Hãy để tôi được nói về múa vì tôi khẳng định một lần nữa, tôi là của múa 100%”.

Hai năm rồi, Nga vẫn còn say với Vũ. Vũ độc đáo ở Hà Nội, ngạc nhiên ở Sài Gòn và phấp phới ở biển Nha Trang. Vũ tròn trịa chuyên môn và có giá trị tôn vinh cao.

Nhân vật chính của Vũ một cô gái Việt thiên biến vạn hóa trong nền văn hóa Việt. Theo thời gian, cô gái ấy đã trưởng thành qua mỗi lần diễn.

Vũ mang lại cho Linh Nga nhiều thứ. Trong đó, thứ quan trọng nhất là tên của chính mình. Không phải như trước đây, nhắc Linh Nga, nhiều người lại nhớ cô là con gái của cặp nghệ sĩ nổi tiếng Đặng Hùng – Vương Linh.

Sau Vũ, con đường của Linh Nga gần như được trải thảm. Ngày nào cũng có sô diễn, điều mà Linh Nga không thể ngờ tới. “Tôi cứ tưởng nghề múa ở Việt Nam sẽ khó sống. Thế nhưng tôi đã phải thay đổi hoàn toàn suy nghĩ ấy”, Nga nói.

Vì thế, thỉnh thoảng thức dậy vào buổi sáng, tay chân Nga như tê liệt vì múa… nhiều. Cô vẫn thấy vui vì được làm công việc mình yêu thích.

Dù bận bịu với nhiều sô diễn tự do, nhưng Linh Nga lại đầu quân vào Nhà hát ca múa nhạc Dân tộc Bông Sen. Cô hài lòng với mức lương của một nhân viên bình thường.

Rồi lúc tưởng đã tự tin cất cánh, Nga lại tìm cách… xây tổ. “Tổ” ở đây không phải là một tổ ấm mà thêm một chốn đi về cho đồng nghiệp. Đó chính là công ty Vương Vũ.

Nếu chiết tự, Vũ là những gì đã có ở trên. Còn Vương chính là dòng họ ngoại của Nga, tất cả đều theo nghệ thuật. Cách đặt tên này như khẳng định một sức tiếp nối bền bỉ.

Nghe Linh Nga nói: “Tôi không mở công ty làm kinh doanh”, sẽ dễ hình dung câu chuyện kinh doanh của Nga lãng mạn quá.

Tuy nhiên, đúng là Vương Vũ lại vượt ra ngoài khái niệm kinh doanh. Ngoài việc tạo nhiều sô diễn cho đồng nghiệp, Vương Vũ còn giới thiệu nguồn học bổng cho các diễn viên múa trẻ của nhà hát. Năm qua, đã có 13 suất học bổng cho các tài năng trẻ sang tu nghiệp tại Trung Quốc.

Bố mẹ đã vẽ nên cuộc đời tôi

Nhân vật của Vũ từ nhỏ không đam mê múa dù được sinh ra trong cái nôi của nghệ thuật múa. Khi còn bé, Linh Nga vâng lời như một người con ngoan.

Khi đủ khôn lớn, thực tế nghề múa ở Việt Nam lại vẽ ra trước mắt cô một tương lai hơi chật chội. Vì vậy, đã có lúc Nga xác định, cứ học đã, còn ra sao ngày sau sẽ tính tiếp.

Thế nhưng, chính những năm xa nhà đã làm thay đổi suy nghĩ và thắp sang đam mê của Nga. Tất cả được quyết định bằng câu chuyện về đôi giày.

“Ngày xưa, bố tôi là người giặt từng đôi giày của mẹ. Bố chăm chút và yêu mẹ bằng sự thấu hiểu. Nhìn hình ảnh bố cần mẫn với những đôi giày, giặt nó, phơi nó, tôi hiểu rằng bố luôn trân trọng mẹ. Không chỉ như người bạn đời, mà bố còn trân trọng từng giọt mồ hôi vì nghề của một người bạn diễn”, Nga tâm sự.

Và chuyện tình của bố mẹ được tái hiện trong hình dung của đứa con xa xứ. Nó bồi đắp thêm tâm hồn và nhắc cô rằng giá của một niềm đam mê là như thế đấy.

Nga kể: “Bố mẹ tôi có một tình yêu rất đẹp. Hai người cùng nắm tay nhau đi hết con đường đời, đường tình và đường sự nghiệp”.

Trong ký ức Linh Nga, là hình ảnh bố mẹ từ Hà Nội vào Sài Gòn lập nghiệp với muôn vàn khó khăn.

Hai người chỉ có một chiếc xe đạp, hàng đêm chở nau đi đến khoảng 15 điểm diễn. Trước giỏ xe là con gái yêu. Cô bé ngồi bệt ở cầu thang, chờ bố mẹ diễn xong lại lên giỏ xe. Cô tiếp tục rong ruổi theo bố mẹ trong cuộc chạy đua lo cơm áo.

“Nhiều đêm diễn xong, mẹ về không nổi. Bố phải xách tay mẹ lết lên cầu thang lê từng bước. Có cái gì rất cay nghiệt của nghề hằn vào ký ức tôi. Nó luôn khẽ nhắc tôi, múa là vậy đấy, nghệ thuật là vậy đấy. Nó cũng cho tôi hiểu: Tương lai của múa chật hay không là do cách đi của mình” – Nga tự tin nói.

Thế nên khi du học về, Nga báo công bằng Vũ. Vũ không bán vé như để tri ân khán giả, với những giọt mồ hôi trên đôi giày của bố mẹ.

Mười năm xa nhà và hai năm trải nghiệm, cô bé nhút nhát năm nào không còn nữa. Thay vào đó là một Linh Nga yêu quý nếp nhà, trân trọng và thương yêu bố mẹ. Nga nói: “Bố mẹ đã vẽ lên cuộc đời tôi”.

Một trang mới cho cuộc sống

Quanh người đẹp này có biết bao đồn đoán về chuyện riêng tư. Nghe vậy, Linh Nga chỉ trả lời ngắn gọn: “Tôi 26 tuổi, lấy chồng cũng đã đến lúc. Tuy nhiên, chưa bao giờ tôi nói mình lấy ai, thời điểm lên xe hoa vì đó là chuyện riêng tư. Trong thâm tâm, tôi mong có người đàn ông giống bố. Đó là một người luôn yêu thương và trân trọng vợ con. Tôi không đi tìm, mà chờ số phận sắp đặt”.

Rồi, trong thời khắc giao thoa giữa năm cũ và năm mới, số phận đã sắp đặt cho Nga người đàn ông của đời mình. Đám cưới của cô diễn ra vào giữa tháng 12/2010. Đó cũng là dấu chấm hết những ầm ĩ quanh việc Nga lấy chồng.

Cô tâm sự: “Là một người sống tình cảm nên trong tình yêu tôi cũng mãnh liệt lắm. Đích đến của cuộc đời tôi cũng cho hai chữ gia đình. Tuy nhiên, sau khi lập gia đình tôi sẽ không bao giờ bỏ nghề vì nó là nghiệp rồi”.

Linh Nga luôn tin vào những điều tốt lành. Thế nên không có gì khó hiểu khi vào mỗi ngày mùng Một và rằm, dù đang biểu diễn ở nước ngoài, cô vẫn tìm đến chùa.

Tại đây, cô thắp nhang, cầu nguyện cho hạnh phúc và bình yên sẽ đến với cuộc đời mình.

NSUT Đặng Hùng: Cảm xúc rất khó gọi tên

Đây không phải là lần đầu tiên xa con. Cũng không phải là lần đầu tiên vợ chồng tôi khóc vì xa đứa con gái yêu quý. Thế nhưng, lần này, giọt nước mắt của người bố, người mẹ rất khác trước…

Nga sinh ra khi mẹ mới mang thai 6 tháng. Chúng tôi trải qua bao khó khăn để giữ được hình hài con nơi đất khách quê người. Đến 1 tuổi, Nga lại phải xa bố mẹ hàng năm trời vì công việc của chúng tôi. Con đã hy sinh có vợ chồng tôi nhiều lắm.

Rồi 15 tuổi, cái tuổi đáng ra cần ở bên bố mẹ, Nga lại lên đường đi học để mong nối nghiệp gia đình. Thế là thêm mười năm dài đằng đẵng…

Trước ngày cưới của Nga, tôi đã điện thoại để báo về lịch diễn dày đặc vào đúng thời điểm các con chuẩn bị tuần trăng mật. Lúc đó, tôi phải đặt mình vào vị trí quản lý nhân viên Linh Nga (NSƯT Đặng Hùng hiện là Phó giám đốc nhà hát Ca múa nhạc Dân tộc Bông Sen), nói rằng: “Tất cả thành viên trong đoàn đều phải biểu diễn những sự kiện quan trọng của thành phố”.

Bên kia máy, Nga im lặng. Tôi hiểu, vào thời khắc đó, con cần mình chia sẻ như một người bố. Tôi đã trấn an: “Bố hoàn toàn hiểu con. Thế nhưng lúc này, mọi người cần con”. Nga đã trả lời: “Vâng, tuần trăng mật sẽ gác lại đến… sang năm bố à”. Tôi thật sự xúc động.

Tôi cũng đã động viên con rể thông cảm và hiểu cho công việc của nhân viên Linh Nga trong thời điểm quan trọng.

Tôi luôn yên tâm vì gia đình chồng rất yêu quý và trân trọng Nga. Tôi cũng yên tâm vì hai con đến với nhau sau một thời gian dài yêu thương.

Nga là người biết cách cư xử, biết sống vì người khác. Đó là một đức tính quan trọng của người phụ nữ trong gia đình.

Nghĩ về con, trong tôi dâng lên những cảm xúc khó tả. Đó là cảm xúc rất khó gọi tên…

Theo TTGD

Nhãn:

0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ