Quần áo

Quần áo

8 thg 12, 2010

Hủy hôn ở "phút 89"

Đây là hiện tượng áp lực cưới hoặc chán cưới mà các chuyên gia tâm lý vẫn thường gặp trong quá trình tư vấn.

Nửa tháng trước ngày cưới, khi mọi thứ đã sẵn sàng, Loan bỗng quyết định hủy hôn. Lý do cô giải thích với người yêu, đơn giản chỉ vì “thấy trong lòng trống rỗng và không còn hứng thú với việc lập gia đình”.
Sự việc xảy ra quá bất ngờ khiến Hòa - chồng tương lai của Loan gần như hóa điên. Anh bỏ việc tại Sài Gòn, lên Đà Lạt một mình; còn bạn bè và người thân của chàng kỹ sư 32 tuổi thì nhìn nhau chưng hửng không tin vào sự thật. Vì trước đó, hình cưới của đôi bạn trẻ đã được Hòa mang đến cho mọi người xem.

“Nhận tin nhắn ‘em không muốn cưới nữa, em thấy mệt mỏi, trống rỗng, anh tha lỗi cho em’ từ vợ sắp cưới, tôi như người từ trên trời rơi xuống. Thật không thể tin được cô ấy lại quyết định như thế vì cả hai không có mâu thuẫn gì”, chú rể hụt thất vọng nói.

Không chịu được cảnh ảnh cưới đã chuẩn bị xong, tiệc đã đặt ở nhà hàng mà cô dâu lại đột nhiên đổi ý, Hòa yêu cầu người yêu đến gặp người lớn để giải thích. Loan thẳng thắn thú nhận, rằng không phải vì cô hết yêu anh, mà thật sự sợ hãi khi nghĩ đến cảnh sau ngày cưới phải tù túng bên nhà chồng rồi sinh con đẻ cái ở cái tuổi 25.

Trường hợp hủy hôn của Yến cũng tương tự. Tá hỏa khi nghe con gái thông báo “không cưới nữa” khi ngày vu quy chỉ còn chưa đầy 3 tuần lễ, gia đình bà Thanh (Hóc Môn, TP HCM) đứng ngồi không yên vì bà con gần xa đã được báo hỉ chuyện Kim Yến sắp lên xe hoa.

Mẹ Yến cho biết, cả nhà đã làm đủ cách từ năn nỉ đến dọa “nếu không chịu lên xe hoa, bố mẹ sẽ lên cơn đau tim mà chết”, con gái vẫn một mực giữ vững quan điểm không cưới vì chưa sẵn sàng.

Trò chuyện với chuyên gia tâm lý, Yến cho biết, một thời gian trước ngày cưới cô thấy tình cảm bắt đầu dần nhạt, chưa kịp thổ lộ thì bạn trai bảo quen nhau đã 3 năm nên phải cưới. “Ban đầu tôi định cứ nhắm mắt cưới, nhưng sau nhiều đêm nghĩ đến cảnh lấy chồng khi tình yêu đã nguội, rồi sinh con đẻ cái, cuối cùng tôi quyết định thà muộn còn hơn đổ vỡ về sau”, Yến nói.

Cùng tâm trạng như Yến, Loan, nick Jes, 24 tuổi, lên diễn đàn than thở, còn hơn tháng nữa thành vợ nhưng “cái cảm giác bị về sống chung với bố mẹ chồng, rồi bố mẹ chồng muốn phải có cháu ngay khiến tôi rùng mình. Tôi thực sự không muốn cưới nữa”, cô gái viết.

Chia sẻ với Jes, không ít người đồng cảm nhưng số khác lại cho rằng, chọn được chồng có công ăn việc làm, có nhà cửa “như thế” là quá tốt rồi. Song cuối cùng, cô nhân viên hàng không vẫn quyết định “chấp nhận bị cả họ phản ứng, còn hơn làm vợ khi tâm lý chưa sẵn sàng".

Chuyên gia tâm lý Huỳnh Văn Sơn, trường ĐHSP TP HCM cho biết, đây là hiện tượng áp lực cưới hoặc chán cưới mà ông vẫn thường gặp trong quá trình tư vấn. Nhiều trường hợp không phải là nữ, mà chính các chú rể cũng đột nhiên phát ngán chuyện lên xe hoa.

Hưng là một minh chứng. Quen Thủy được một năm thì gia đình bạn gái ngỏ ý muốn tiến hành đám cưới. Lúc đầu, anh cũng đưa bố mẹ qua xem mắt rồi định ngày thành hôn, tuy nhiên đấy cũng là lúc mà chàng trai 28 tuổi muốn thời gian chậm lại.

"Không thể nói tôi không muốn cưới vì sợ người yêu buồn và nhà vợ cũng không vui. Giờ đành phải cưới cho xong, mặc dù trong lòng đã quá ngán. Dù sao tôi cũng còn trẻ, tôi chưa muốn làm chồng rồi tiếp theo là làm cha", Hưng than thở.

“Một trong những nguyên nhân thường thấy khiến các chàng trai hoặc cô gái bỗng nhiên chán cưới, sợ cưới và đi đến hủy bỏ đám cưới, là do họ đến với chuyện cưới trong tâm thế 'đến hẹn lại lên', chuyện buộc phải làm cho xong. Khi ấy cảm giác trống rỗng, chán nản rất dễ đến”, ông Sơn nói.

Cũng theo ông Sơn, chuyện ngán cưới cũng dễ xảy ra trong những trường hợp yêu nhau quá lâu, kéo dài, đến khi bị người lớn đề cập chuyện hôn lễ thì bắt đầu thấy oải. Những trường hợp khác, một trong hai người bị áp lực tiêu cực từ các điều kiện xung quanh như nghe bạn bè từng có gia đình kể khổ, tác động từ cha mẹ hoặc sách báo. Điều này dễ khiến cả hai nghĩ đến viễn cảnh của cuộc hôn nhân và chán ngán. Đám cưới vì thế trở thành một thời khắc cực hình, bởi sau lưng nó là sự trói buộc, trách nhiệm.

Nguyên nhân cuối cùng là một trong hai dồn gánh nặng áp lực quá nhiều cho người còn lại theo kiểu “anh, em muốn cưới ngay” hoặc “sang năm mình cưới em nhé” Điều này cũng dễ làm cho một trong hai người đột nhiên thay đổi ý định cưới sau khi đã suy nghĩ kỹ.

"Xuất phát từ các nguyên nhân trên, những người yêu nhau cần phải xác định lại tình yêu một cách rõ ràng xem có đủ để đến hôn nhân chưa và đặc biệt, nên chú trọng đến sự thống nhất đồng hành cùng nhau của hai người để tránh trường hợp cứ tưởng người yêu cũng thích được lên xe hoa như mình", ông Sơn nói.

Các chuyên viên tâm lý Đài 1080 TP HCM, thì cho rằng, việc vội vã lên xe hoa, hoặc cố lên xe hoa dù trong lòng chưa muốn hoặc chưa chuẩn bị tâm lý làm vợ, làm chồng, làm bố mẹ sẽ là nguyên nhân dẫn đến hôn nhân kém hạnh phúc, thậm chí tan vỡ.

"Chính vì thế, chuyện dừng lại ở phút cuối tuy có thể gây sốc cho cả họ, song vẫn tốt hơn. Điều quan trọng là khi đưa ra quyết định này, người từ hôn phải có cách lý giải thật hợp lý", một chuyên gia nói.
Theo Cao Lâm

Nhãn:

0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ