Quần áo

Quần áo

16 thg 8, 2010

Để giao tiếp nơi công sở thành công hơn

Bài viết tổng hợp một số bí quyết giúp các bạn giao tiếp nơi công sở thành công hơn để công việc trôi chảy, đồng thời có một không khí làm việc dễ chịu hơn.

Giả dụ bạn có khả năng giao tiếp không thật tốt thì vẫn có thể tạo được những mối quan hệ tốt và có lợi nếu bạn nắm được những bí quyết sau.

“Miễn nhiễm” với stress

Bạn hãy luôn lạc quan, vui vẻ, hạn chế sự cau có khó chịu. Những biểu hiện đó không chỉ giúp bạn “miễn nhiễm” với stress mà còn truyền cho những người làm việc cùng bạn một sự dễ chịu. Mọi người sẽ thấy thoải mái, thậm chí yêu thích khi ở bên cạnh bạn. Do đó, đừng chững lại trước rắc rối, thất vọng nhỏ và “vác” bộ mặt ủ rũ chốn công sở.

Hãy phớt lờ những bình luận ác ý của người khác về bạn. Hãy nhớ, người nói xấu, bình luận ác ý về người khác sẽ không được kính trọng. Đừng để những nhận xét bất lịch sự đó ảnh hưởng tiêu cực tới bạn.

Đồng thời bạn nên từ chối thảo luận về tính xấu hoặc điểm yếu của người khác khi được gợi ý. Hạ thấp người khác để tự nâng mình lên là việc làm lãng phí thời gian. Hơn nữa, nó còn thể hiện sự tiêu cực, đặc biệt trong công sở, tinh thần đồng đội và nhuệ khí làm việc chung của mọi người sẽ giảm sút nghiêm trọng. Đồng nghiệp cũng có thể hành động tương tự với bạn nếu bạn cất giọng chống lại họ.

“Lời nói không mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”. Câu nói tưởng chừng như quen thuộc này vẫn dễ bị lãng quên những lúc con người ta nóng giận. Đừng để bản thân vướng vào những cuộc tranh luận căng thẳng với đồng nghiệp hay sếp. Hãy thảo luận, chứ không phải tranh cãi. Bất đồng căng thẳng kéo dài có thể biến mọi người thành kẻ thù của nhau. Vì thế, bạn nên bình tĩnh và thoải mái trong mọi tình huống. Và khi phải đối mặt với ý kiến bạn không tán thành hoặc không thích, hãy cư xử thật khéo léo sao cho thể hiện sự bất đồng mà không gây ra bất hòa.

Chú ý đến nội dung, chứ không phải người phát ngôn

Trong một tổ chức, chắc chắn sẽ có những đồng nghiệp bạn thích và không thích. Bạn luôn tiếp nhận ý kiến và hào hứng trao đổi thông tin với những người bạn thích, nhưng còn những đồng nghiệp "bị" bạn không thích thì sao? Bạn không thể tránh xa hay cô lập họ, vì các bạn làm cùng một tập thể, tất cả phải đoàn kết và hỗ trợ lẫn nhau. Khi bàn bạc đến nội dung công việc, bạn nên bỏ qua hết những hiềm khích cũng như những ấn tượng xấu về người phát ngôn, bạn chỉ nên chú tâm đến nội dung mà họ truyền đạt.

Chú ý đến "Tại sao?" chứ không phải là "Cái gì?"

Khi nhận được một thông tin, bạn không nên chỉ chăm chăm đến từng câu chữ của mẩu thông tin đó, việc này có thể làm bạn bối rối hoặc bực mình. Hãy suy nghĩ xem vì sao thông tin này lại được truyền đến bạn, và nó có tác dụng gì với bạn không? Mọi chuyện không tự nhiên mà xảy đến với bạn.

Hãy lắng nghe rồi hãy đánh giá

Hãy lắng nghe thật kỹ, suy nghĩ thật cẩn thận rồi hãy đánh giá. Nếu được, bạn nên nghe hết thông tin rồi hãy đưa ra kết luận (trong trường hợp bạn không cần phải đưa ra quyết định nhanh). Việc này nghe qua khá đơn giản, nhưng nó đòi hỏi ở bạn sự vô tư, công bằng và óc phán đoán tốt.

Có thể dùng chữ viết thay cho lời nói

Trong một số trường hợp bạn phải liên lạc công việc với một đồng nghiệp có tính "hay quên" hoặc không thể tập trung vào câu chuyện bạn nói, hãy viết mail để truyền đạt thông tin thay vì nói trực tiếp. Hoặc giả dụ, bạn là người truyền đạt không được tốt lắm, hãy viết thay vì nói. Vì khi viết, ta có thời gian để chỉnh sửa câu chữ và ý tứ rõ ràng hơn.

Xây dựng niềm tin và sự tôn trọng

Uy tín khó xây dựng nhưng dễ phá vỡ. Để có được niềm tin yêu, quý mến, sự tôn trọng của mọi người, đây là một quá trình lâu dài, khó khăn và đòi hỏi nhiều kinh nghiệm trong đối nhân xử thế và giải quyết công việc.

Hãy thử so sánh: bạn thích lắng nghe và tiếp nhận ý kiến từ một người có uy tín, được mọi người tôn trọng hay từ một người suốt ngày cứ "bô lô ba la" mà chẳng làm nên việc gì?

Đừng bao giờ bỏ lỡ cơ hội thể hiện sự tốt bụng, sẵn sàng giúp đỡ và khuyến khích đồng nghiệp. Hãy hết lời ca ngợi những người hoàn thành công việc xuất sắc, kể cả đó là thành công của người cạnh tranh với bạn. Với cách cư xử như vậy, bạn có thể khiến đồng nghiệp khó tính nhất cũng phải động lòng. Ngay cả khi đưa ra những nhận xét tiêu cực, hãy thực hiện một cách lịch sự, mang tính chất xây dựng và không bao giờ tỏ vẻ hằn học. Chắc chắn, bạn sẽ đạt được tình cảm của tất cả mọi người trong công ty.



Quỳnh Giao (Theo Tamnhin)

Nhãn:

0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ