Sự thật bất ngờ của nước đóng chai "siêu rẻ"
Nước "tinh khiết" đóng chai cạnh nhà tắm
Trên thị trường hiện có hàng chục nhãn hiệu nước uống đóng chai của hàng chục nhà sản xuất như: Luso, Thanh Thiên, Lucky, Amiwa, Daily Vina, Aqua Blue, Friendly, Nako... với đủ loại giá cả chênh lệch từ 7.000 - 14.000 đồng/bình 21 lít.
Nước uống đóng chai được phân phối đến từng khu phố, từng cửa hàng tạp hóa nhỏ lẻ với điều kiện nhận làm đại lý vô cùng "đơn giản": Chỉ cần nhấc điện thoại gọi đến cơ sở là nước sẽ được chở đến tận nhà. Hàng chục nhà sản xuất cùng cạnh tranh với nhau nên giá cả cũng theo đó mà... "loạn" theo. Một cán bộ thanh tra Sở Y tế Hà Nội cho biết, chi phí để sản xuất ra một bình nước 21 lít, chỉ tính phần nước trong bình là khoảng 6.000 - 7.000 đồng.
Thế nhưng có nhà sản xuất bỏ cho các đại lý chỉ khoảng từ 4.000 - 5.000 đồng/bình!? Tất nhiên là nhà sản xuất không bao giờ chịu lỗ mà đã tính toán "tiết giảm" tối đa qui trình, công đoạn làm nước tinh khiết. Đã vậy, nhiều nhà sản xuất không hề đưa ra mức giá khung hợp lý cho sản phẩm mang nhãn hiệu của mình khi tung ra thị trường nên đại lý phân phối có thể bán với bất kỳ giá nào, miễn là... có lãi!
Trong vai người mới mở cửa hàng tạp hóa và muốn làm đại lý tiêu thụ loại nước uống đóng chai có nhãn hiệu H... của Công ty N... chúng tôi tìm đến căn nhà trong hẻm theo địa chỉ in trên nhãn của bình nước tinh khiết vừa mua với giá 9.000 đồng/bình 21 lít.
Tiếp chúng tôi, ông C., chủ công ty sản xuất nước tinh khiết này tỏ ra rất vui vẻ, nhiệt tình khi nghe chúng tôi đề nghị được làm đại lý cho ông. Trong căn nhà cấp 4 có bề ngang khoảng 4m, bề dài khoảng hơn 15m với hàng trăm bình nước đủ mọi thương hiệu vứt la liệt trên sàn nhà, nơi vừa là văn phòng công ty, nơi ở của nhân viên, vừa là "nhà máy sản xuất" nước tinh khiết có tốc độ lọc lên đến... 1.000 lít nước tinh khiết/giờ! (theo lời giới thiệu của ông chủ).
Các bình nước đóng chai được dán nhãn hiệu nước uống nổi tiếng (Ảnh minh hoạ)
Ông C. cho biết, nếu chúng tôi ở cùng phường, giá bỏ mối nước tại nhà sẽ là 5.000 đồng/bình 21 lít, nhưng nếu chúng tôi tự mua bình và mang đến công ty, ông sẽ bỏ hàng với giá chỉ... 4.000 đồng/bình 21 lít nước tinh khiết. Sau khi thỏa thuận giá cả xong, ông C. dẫn chúng tôi đi tham quan dây chuyền sản xuất nước tinh khiết của mình. Khá bất ngờ, vì toàn bộ xưởng sản xuất nước chỉ nằm gọn trong 1 căn phòng tối chưa đến 10m2, sàn nhà lênh láng nước.
Hệ thống lọc là mấy chiếc bình inox lớn và mấy chiếc bình trông giống bình gas loại lớn. Theo ông C., đây là hệ thống lọc và khử trùng bằng tia cực tím và công nghệ thẩm thấu ngược. Khi chúng tôi hỏi hệ thống súc rửa và khử trùng vỏ bình, đóng nước vào bình ở đâu, ông C. "hồn nhiên" trả lời rằng, nước được đóng bằng tay. Quả thực, "hệ thống" đóng nước vào bình có vẻ không được vệ sinh lắm với mấy chiếc vòi bằng nhựa PVC gắn trên tường vôi, ở dưới là rãnh nước làm bằng ximăng thô, không có vẻ gì là được khử trùng hay vô trùng cả.
Chưa hết, nhìn sang bên cạnh, chúng tôi còn "tá hỏa" hơn khi thấy chỗ tắm rửa của nhân viên với vòi hoa sen, máy nước nóng, xà bông, quần áo bẩn... gắn vào tường, thông trực tiếp với nơi sản xuất và đóng nước vào bình!
Sở y tế "chào thua" cơ sở sản xuất "chui" tại gia
Theo Sở y tế Hà Nội, cơ quan cấp phép và cấp hồ sơ công bố chất lượng cho các cơ sở sản xuất nước uống đóng chai trên địa bàn, thì Hà Nội hiện có khoảng 70 cơ sở được cấp phép hoạt động và được quyền sản xuất, phân phối nước uống đóng chai.
Theo kết quả kiểm tra lần gần đây nhất vào tháng 8-2010 tại 7 cơ sở sản xuất nước đóng chai tinh khiết, thì cả 7 cơ sở đều có những vi phạm: Về hạ tầng sản xuất chưa đạt, không kiểm nghiệm mẫu nước nguồn dùng để sản xuất 2 lần/năm theo quy định, nhân viên sản xuất không có kiến thức về vệ sinh an toàn thực phẩm, chưa được khám sức khỏe để hạn chế vi khuẩn bệnh đường ruột lây lan sang sản phẩm.
Nước đóng chai (Ảnh minh hoạ)
Tháng 6-2010, Thanh tra Sở y tế cũng đã đình chỉ hoạt động của cơ sở sản xuất nước uống đóng chai D.H (quận Cầu Giấy) vì chưa có giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm, chưa kiểm nghiệm mẫu nước, chưa công bố chất lượng... Ngoài ra, còn một số vi phạm nghiêm trọng khác về vệ sinh như: Nơi sản xuất tận dụng phía sau nhà ở, chật hẹp, tồn tại 1 nhà vệ sinh mở cửa trực tiếp vào khu sản xuất, nhân viên không được khám sức khỏe, không có bảo hộ lao động.
Tuy nhiên, theo một bác sĩ thuộc Thanh tra Sở y tế, quy trình sản xuất nước uống đóng chai hiện nay đã bị "tối giản" tới mức chỉ cần mấy mét vuông nhà, vài chiếc bình lọc... là đã làm ra được sản phẩm. Thế nên khả năng mặt hàng này bị làm giả, làm chui tại các hộ gia đình mà cơ quan quản lý chưa phát hiện được là rất lớn. Vì vậy, việc quản lý và kiểm tra những cơ sở sản xuất có đăng ký và cấp phép thì đã rõ, nhưng với những cơ sở... làm chui thì Sở cũng chào thua!
Theo một cán bộ thanh tra của Sở y tế Hà Nội cho biết: Hiện tại, mỗi năm các cán bộ thanh tra của Sở chỉ kiểm tra được rất ít cơ sở sản xuất, còn lại là đành... bỏ ngỏ! Do vậy, đối với những cơ sở làm chui hoặc lén lút đóng nước tại gia đình, thì cơ quan chức năng gần như bế tắc trong vấn đề phát hiện ra để xử lý.
Mặt khác, các lần kiểm tra chỉ tập trung vào thời điểm đầu năm hoặc tháng phát động vệ sinh an toàn thực phẩm, mỗi lần kiểm tra lại báo trước cho cơ sở sản xuất tận... 10 ngày nên cơ sở có thừa thời gian "dọn dẹp" những vấn đề tồn tại như: Vệ sinh, sức khỏe nhân viên... Một điều lỏng lẻo trong quản lý nữa là mặt hàng nước tinh khiết trên thị trường hiện nay sản xuất không hề có lô hàng rõ ràng nên khi có "vấn đề" lại càng khó kiểm soát, xử lý.
Không chỉ thế, mặt hàng này hiện cũng chưa có trong danh sách kiểm tra thường xuyên của Chi cục Tiêu chuẩn chất lượng đo lường nên việc ghi nhãn hàng hóa nhằm công bố chất lượng đến người tiêu dùng thế nào tùy thuộc vào... nhà sản xuất. Vì thế, không có cơ sở gì để đảm bảo rằng chất lượng nước giống như những gì ghi trên nhãn.
Theo Người đưa tin
Nhãn: Tin trong ngày
0 Nhận xét:
Đăng nhận xét
Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]
<< Trang chủ