Quần áo

Quần áo

9 thg 4, 2011

Hà Nội sẽ là thủ đô thời trang của Đông Nam Á

Nhà thiết kế Minh Hạnh nhận định về xu thế của hàng hiệu, hàng độc Việt Nam, chuyện nội tình giới biểu diễn, cả tương quan giữa y phục - kỳ đức - nội tâm...

Nhà thiết kế Minh Hạnh.

Chị nói Hà Nội sẽ trở thành thủ đô thời trang của Đông Nam Á. Có câu “ăn Bắc mặc Nam” cơ mà. Trên thực tế, các nhà thiết kế TPHCM cũng có vẻ thành đạt hơn Hà Nội.

Hà Nội có đầy đủ yếu tố để trở thành trung tâm thời trang của Việt Nam và Đông nam Á. Bởi Hà Nội có lịch sử lâu đời tạo nên bề dày văn hóa - trong đó yếu tố địa lý, sự thay đổi khí hậu theo mùa cũng là ưu thế cho việc phát triển thời trang.

Ta có những làng nghề như làng lụa Vạn Phúc, làng dệt Thái Bình, làng dát vàng Kiêu Ky, làng thêu Thường Tín và Hà Nam, làng ren, làng gốm Bát Tràng và Phù Lãng, và những làng của người dân tộc.

Tất cả làng nghề này, con người sống và làm việc trong những làng nghề này là vốn quý, là niềm tự hào, khiến các nhà thiết kế có được một gia tài khổng lồ, giúp họ khẳng định bản sắc một cách rõ nét và những dấu ấn khó phai - quý giá và độc nhất trong một thế giới phẳng như hiện nay.

Các hoa hậu quốc gia nên là đại sứ hàng Việt - kêu gọi mọi người dùng hàng Việt thay vì hàng nước ngoài. Chương trình hành động này theo chị, nên như thế nào?

Thời điểm này, những việc làm nào mang lại giá trị cho cuộc sống thì nên làm ngay.

Đại sứ hàng Việt không phải là điều mới, nhưng chính vì không mới nên cần phải có quyết tâm luôn luôn làm mới bằng những phương pháp thuyết phục, tạo được giá trị mới cho cuộc sống.

Báo Tiền Phong là đơn vị tổ chức HHVN. Nếu công chúng cho rằng hình ảnh, việc làm của các hoa hậu phần nào mang lại giá trị hữu hiệu cho cuộc sống, thì Đại sứ Hàng Việt là điều nên làm. Tôi nghĩ hoa hậu nào có tấm lòng, có tri thức cũng sẽ tự nguyện làm đại sứ hàng Việt để tự khẳng định mình.

Tuần lễ Thời trang Xuân Hè 2011 tung ra nhiều sản phẩm và xu thế gọi là “hàng độc Việt Nam”. Theo chị, ưu thế của hàng thực sự độc Việt Nam là gì? Giày, túi cao cấp của ta vẫn chưa dễ cạnh tranh với hàng cao cấp, hàng hiệu thế giới?

Chúng ta thường phí phạm giá trị của mình. Ta có nhiều sản phẩm được liệt vào “hàng độc” mà dường như có thói quen không chú ý, cho đến khi hàng độc này được ông Tây bà Mỹ nào đó công nhận thì mình mới thấy “hàng Việt mà tốt thế này sao?”.

Chất liệu thổ cẩm Việt Nam(quần + thắt lưng) do
người mẫu Ý thể hiện tại tuần lễ thời trang
ALTAROMA.

Điều này thường làm tôi khó chịu. Tôi vẫn quyết tâm đi tìm và chờ đợi những giá trị cốt lõi hiện hình cho ngành thời trang Việt. Vừa qua, tại Tuần lễ Thời trang Xuân Hè 2011, các NTK giới thiệu chất liệu da cá Sấu, da Trăn, da Rắn, da Cá được hoàn tất với quy trình công nghệ cao.

Đó chỉ là bước đầu đưa tín hiệu mình đã có “hàng độc”, còn việc cạnh tranh với hàng cao cấp và hàng hiệu nước ngoài lại là chặng đường dài không đơn giản. Nhưng nếu chúng ta không công nhận được vốn quý của mình thì chặng đường sau đó sẽ chẳng bao giờ đến.Vốn quý đó cũng bao gồm ý nghĩa là bản sắc, là di sản.

Ngài đại sứ Ý tại Hà Nội từng nêu quan điểm thời trang của mình: “Chúng ta thường nghe nói: đừng quan tâm vẻ ngoài của tôi mà hãy để ý tâm hồn, tính cách của tôi. Nhưng với người Ý chúng tôi, hình thức chính là nội dung”. Còn chị, chị quan tâm điều gì về con người?

Quan niệm này không hề mâu thuẫn với quan niệm của người Việt, chỉ có điều chúng ta hay nói về nội tâm, về cái bên trong của con người. Tôi nghĩ rằng nếu bên trong trống rỗng thì không có khả năng thể hiện ra bên ngoài; sự thể hiện bên ngoài tương thích với suy nghĩ bên trong. Trong lãnh vực thời trang, điều này càng bộc lộ rõ rệt hơn nữa. Tôi vẫn thường nhìn con người qua lăng kính thời trang.

Chất liệu da trăn ( váy, thắt lưng, giày) trong tuần
lễ thời trang Xuân Hè, người mẫu Thùy Dung.
Ảnh: Tiền Phong

Năm qua xảy ra rất nhiều sự cố lộ hàng, copy hàng hiệu trong giới biểu diễn, với những nhân vật mà công chúng quen gọi là “hot” như Jennifer Phạm, Tăng Thanh Hà, Đoan Trang, Hà Anh, BB Phạm… Chưa kể có quá nhiều nghệ sĩ ăn mặc phản cảm?

Điều này cũng là thời kỳ quá độ để đi tìm đến sự văn minh thôi. Quá cần thể hiện bản thân mà nền tảng, điều kiện sống và bản lĩnh không đủ, tất yếu diễn ra như thế và sẽ hơn như thế nữa.

Khi mà ranh giới giữa cái đẹp mang tính văn hóa, văn minh không thể phân biệt được với cái chưa đẹp, cái lạc hậu thì thật khó để xã hội phát triển. Tôi nghĩ giới truyền thông, báo chí các bạn có vai trò quan trọng lắm đối với những hiện tượng trên.

Cũng năm qua, nổi lên nhiều gương mặt đặc sắc vị thành niên trong giới người mẫu như Hồng Quế, Lê Hoàng Bảo Trân. Quan điểm của chị về việc người mẫu nhí trình diễn thời trang chuyên nghiệp?

Trên thế giới, do sự yêu thích nghề người mẫu trên cơ sở là sự phát triển hình thể của các bạn nhỏ vượt trội quá nhanh, nên rất nhiều em làm người mẫu lúc chỉ mới 12, 13 tuổi. Việt Nam cũng không ngoại lệ.

Tuy nhiên, chính vì nghề người mẫu ở ta chưa thật chuyên nghiệp mà nhu cầu tham gia nghề của lứa tuổi này (dậy thì) lại quá mãnh liệt nên các em cần được sự dìu dắt của gia đình, và chọn lọc những đơn vị, những người quản lý thật sự chuyên nghiệp, có hiểu biết, có tấm lòng.

(Dương Phương Vinh, Tiền Phong)

Nhãn:

0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ