Quần áo

Quần áo

9 thg 7, 2010

Người đẹp thi ứng xử: Chuyện... 'đau đầu'!

Ở các cuộc thi nhan sắc, bên cạnh vòng thi áo tắm luôn được chờ đợi thì các màn thi ứng xử cũng khá nhạy cảm và dễ bị đem ra mổ xẻ nhất.
Có khi chỉ cần một phút xuất thần, ứng khẩu xuất sắc cũng giúp cho một người đẹp đoạt danh hiệu cao trong cuộc thi hoa hậu nhưng ngược lại cũng ngần ấy thời gian có người bị "thần khẩu hại xác" làm tan ước mơ lớn, thậm chí trở thành "chuyện để đời" khiến không ít khán giả mỗi khi nhớ lại đều... lắc đầu.

Lỗi do... "không thuộc bài"!

Thực tế, trong các cuộc thi sắc đẹp câu hỏi ứng xử của thí sinh luôn được biết trước. Thậm chí ở một số cuộc, ban tổ chức còn cung cấp đáp án kèm luôn. Bởi thế, nhiều người đẹp nhờ người nhà, bạn bè, gợi ý và sau đó biến thành câu trả lời rất hay của mình; nhưng cũng có trường hợp do học thuộc nên rơi vào tình trạng nói lắp, nói hớ, thậm chí là... nói nhầm.

Khán giả thành phố Hoa phượng đỏ từng được "thư giãn không mất tiền" khi xem người đẹp M.A thi ứng xử ở cuộc thi Hoa hậu Hải Phòng.

Bốc phải câu: Quan niệm của bạn về thời trang?, M.A trả lời: "Dạ, theo em quan niệm về thời trang là không chạy theo mốt "lày", mốt kia mà là những trang phục phù hợp với hoàn cảnh gia đình, phù hợp với nơi đến, phù hợp mọi sinh ..." (trong kịch bản là "sinh hoạt" nhưng vì quên nên nói đại thành "sinh... lý", khán giả cười bò). Cô lúng túng sửa lại: "À, sinh... vật ạ" và òa khóc trên sân khấu.

Người đẹp K.T ở Hoa hậu Phụ nữ Việt Nam 2005 lại nhanh nhảu đoảng. Với câu hỏi: Trong các nữ anh hùng dân tộc Việt Nam, bạn yêu quý ai nhất?, cô trả lời với đại ý rằng "nể phục Trưng Trắc - Trưng Nhị, trong đó, thích nhất chị Võ Thị Sáu". Người đẹp thanh minh sau cuộc thi: "Do run nên em lắp vào cho đủ những nhân vật đã có sẵn trong đáp án".

Hay như chuyện một người đẹp từng giành danh hiệu Hoa hậu ở một cuộc thi nhỏ được tổ chức tại tỉnh nhà. Cô cũng khiến khán giả được phen cười ngả nghiêng với câu trả lời hết sức ngộ nghĩnh. Theo bạn, lứa tuổi nào được dự thi hoa hậu? - "Theo em đó là lứa tuổi từ 16 đến 28 chứ cuộc thi không dành cho những người "no cơm ấm cật ạ" (!).

Ứng xử thật thà: Nên hay không nên?

Là người có mặt ở nhiều cuộc thi sắc đẹp, "bầu sô’’ S thổ lộ anh đặc biệt khó quên với phần trả lời của một người đẹp sinh ra ở Hải Phòng - nơi được coi là "lò luyện hoa hậu của Việt Nam". Với câu hỏi: Nếu đoạt hoa hậu (giải thưởng là chiếc xe Max tím) em sẽ làm gì? Cô hồn nhiên: "Ối giời ơi. Em không bao giờ mơ trúng hoa hậu. Nếu trúng em sẽ mua xăng đầy bình và chạy khắp thành phố ạ".

Còn chuyên gia trang điểm T lại ấn tượng với câu trả lời của N.T.H - Hoa hậu Hữu nghị ASEAN 1999. Trước câu hỏi: Nếu đoạt giải nhất đêm nay bạn sẽ sử dụng tiền thưởng như thế nào? Đáp: "Nếu là người đoạt giải nhất đêm nay thì ngay ngày mai em sẽ mang tiền đến trả cho thầy S" - người đã bỏ tiền túi ra giúp cô lo phần trang phục, trang điểm, làm tóc, phương tiện đi lại ở cuộc thi này.

Lẽ thông thường, hai người đẹp kể trên có thể bịa ra vô vàn lý do "bóng bẩy" như: Đó là ước nguyện, là hoài bão từ thuở còn cắp sách đến trường của em. Em sẽ dành một khoản tiền thưởng cho công tác từ thiện hoặc sử dụng nó vào những việc có ích... Nhưng họ lại chọn cách ứng đáp rất thật thà và không ít người cho rằng như vậy là thiếu khôn khéo, là kém văn hóa. Vậy lẽ nào, cứ phải "giả" mới là... có văn hóa?

Trên thực tế, ở Hoa hậu Thể thao 2007 ban tổ chức đã có những "chuyên gia" (là nhà sử học, nhà báo có kinh nghiệm, nhà văn) hướng dẫn, gợi ý cho thí sinh cách ứng xử trước đám đông. Và ở cuộc thi Hoa hậu Thế giới người Việt 2010 sắp diễn ra, các người đẹp cũng sẽ được trải qua khóa học về đào tạo kỹ năng ứng xử bên cạnh khóa học về trình diễn. Hi vọng, từ những ý tưởng mang tính tích cực này sẽ ngày càng hạn chế những tình huống bi hài trong các màn thi ứng xử trước đây.

Theo VNN

Nhãn:

0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ