Quần áo

Quần áo

20 thg 11, 2009

Phong thủy - Phong thuỷ và doanh nghiệp

Phong thuỷ theo nghĩa từng chữ là gió nước, đây là thuật ngữ địa lý của người xưa, theo đó địa điểm, vị trí và cấu trúc của toà nhà phải hài hoà với môi trường xung quanh để thu lợi ích tối đa.

phong-thuy-va-co-so-thuong-mai.jpg

1. Thuật ngữ ” Phong Thủy “

Qua nhiều thế kỷ, phong thuỷ được thực hành rộng rãi ở vùng Đông Á, lúc đầu nhằm ấn định vị trí tốt lành cho người chết, sau đó phát trỉên ra nhằm yên lòng và có lợi cho người sống.

Thuật ngữ này được gọi là “kham dư” trong tiếng cổ, hoặc “phong thuỷ” trong đàm thoại. Người ta tin rằng với sự định hướng thích hợp cho ngôi nhà, ta có thể hài hoà với thiên nhiên và thu lợi từ môi trường vật thể xung quanh. Niềm tin này không chỉ giới hạn ở phương Đông.

Ở phương Tây, người ta gọi nó là “Geomancy” – do từ la tinh geomantia – có nghĩa là bói đất, tức dự đoán căn cứ vào các hiện tượng địa chất. Người A Rập gọi là “khoa học về cát”. Người sử dụng địa lý đầu tiên là Hugo Sanctallensia ở Aragon. Nó cũng được sử dụng ở Phi Châu căn cứ vào 4 yếu tố “đất - nước – gió - lửa”, kết hợp với 4 hướng của vũ trụ.

Ở Trung Quốc thời cổ, hầu hết các thành phố và thị trấn, cũng như các sở doanh nghiệp, đều được quy hoạch và xây dựng theo quy luật của phong thủy đã bành trướng xa rộng, vào Nhật Bản đời Đường từ thế kỷ thứ 2 trước công nguyên.

Các giáo điều phong thủy của Nhật Bản về việc xây cất các nhà buôn đều giống như của Trung Quốc nhưng người Nhật không áp dụng cho các mồ mả. Người ta cũng dùng phong thủy vào việc trang trí vườn tược; ngưòi Nhật tin rằng cách tạo hài hòa về phong cảnh sẽ làm nổi cách bố trí của ngôi nhà.

Ở Saihoji, một trong những vườn cổ nhất ở Nhật, được xây dựng từ thế kỷ 13, các yếu tố biểu tượng xuất phát từ huyền thoại Trung Quốc, chẳng hạn như các tảng đá tượng trưng cho Bát Tiên ngồi trên lưng rùa nói lên tuổi trường thọ.

Ở Đông Nam Á và Hồng Kông, nhiều người cho rằng phong thuỷ có thể làm tăng hoặc giảm bớt sự may mắn của mình. Có phong thuỷ tốt ta sẽ tin tưởng và có năng lực đạt đến thành công. Có phong thuỷ xấu có thể đưa đến vận rủi, sức khỏe suy kém hoặc thất bại trong thương trường.

Khi toà nhà 47 tầng dùng làm ngân hàng Hồng Kông và Thượng Hải ở Hồng Kông bắt đầu xây dựng, người ta mời một thầy địa lý đến để khảo sát. Theo quy luật của phong thủy, toà nhà toạ lạc dưới chân đỉnh đồi Victoria nhìn ra biển, có ngọn đồi che chắn phía sau, quang cảnh này cũng được sửa đổi để có nhiều may mắn.

Một địa điểm phong thủy tốt có thể bị cấu trúc làm huỷ hoại. Một chóp nhọn hoặc một ống khói toả ra một sức mạnh thiếu cân bằng, có thể làm áp đảo hoặc làm mất quân bình môi trường xây dựng. Ta không thể làm thay đổi cục diện của miếng đất, nhưng ta có thể cải thiện ngôi nhà để làm biến đổi phong thủy của nó.

Thí dụ điển hình là khách sạn Singapore Hyatt. Khởi thuỷ các cửa ra vào phòng giải lao và phòng thu tiền song song với lộ chính. Về mặt phong thuỷ, tiền của sẽ thoát ra ngoài một cách dễ dàng. Ngoài ra, các cửa hướng về Tây Bắc nên hứng tử khí vào, tạo ảnh hưởng xấu cho cơ sở.

Sau khi tham khảo thầy địa lý, các cửa chính được sửa lại chéo góc với đường lộ để giữ lại tiền của và tống khứ các ảnh hưởng xấu đi; các vòi nước trước khách sạn được thay thế bằng những luống hoa; hai vòi nước mới được đặt hai bên cửa chính với một chiều cao nhất định để mang lại sự thịnh vượng; cột cờ phía trước khách sạn được dời lên tầng bốn và một trong những chiếc thuyền với ý nghĩa “hành trình an toàn” trong chuyến phiêu lưu doanh nghiệp được đóng và đặt trong nhà hàng ở tầng một. Sau đó doanh thu của khách sạn đã được cải thiện lớn lao.

2. Khí và phong thủy

Rồng, con vật tối thượng trong huyền thoại Trung Quốc được vận dụng một cách tượng trưng vào địa lý. Công việc của nhà địa lý là xác định “khí”, tức là hơi thở của con rồng, thường được xác định vị trí tốt nhất trên mảnh đất lượn sóng giống như hình dáng con rồng, nhằm đặt vị trí xây dựng sao cho được lợi từ sinh lực của nó.

Cách đây hơn 3000 năm, các dinh thự của Vua chúa và quan quyền ở Trung Quốc đều được xây dựng theo quy tắc của phong thủy. Sau đó, ảnh hưởng sang Nhật; rõ ràng là người ta chọn địa điểm Nara và Kyoto vì tính chất phong thủy tốt lành của chúng.

Sự thịnh suy của miếng đất biểu lộ sự tiến thoái của con rồng. Nếu muốn làm địa điểm tốt, đất phải cứng rắn và có dáng dấp như con rồng. Đất cát, nguồn nước là những yếu tố cần được khảo sát về phong thuỷ. Dùng la bàn địa lý xác định hướng tốt để xây cất và ước tính cái tốt xấu của con rồng ở vị trí đó.

La bàn là một cái đĩa tròn có ghi chữ Hán theo những vòng tròn đồng tâm. Nó cho ta một số hướng dẫn xuất xứ từ kinh dịch, phân loại các yếu tố phong thuỷ theo ngũ hành liên quan đến giờ sinh của chủ nhân hoặc người muốn mua nhà, một la bàn phức tạp có thể có đến 36 vòng tròn ghi đầy chữ.

Khí không hẳn lúc nào cũng tốt lành. Khí tốt lành là khí ban sự sống và thúc đẩy trưởng thành, gọi là sinh khí. Khí có ảnh hưởng xấu khi âm dương bất hoà, kết quả có thể sinh “sát khí”.

Ngoài la bàn ra nhà địa lý còn dùng cây thước địa lý để tính tầm cỡ và kích thước của toà nhà, bảo đảm những tỷ lệ thuận cho vận tốt. Một số kích thước được xem là điềm lành, một số kích thước cần phải tránh. Nhà địa lý còn để ý đặc biệt đến việc đặt các cửa, nơi khí ra vào để nuôi dưỡng toà nhà. Để chủ nhân toà nhà tương hợp, nhà địa lý phải đối chiếu năm sinh của chủ nhân và phương hướng của toà nhà.

Ngoài toà nhà và đất đai xung quanh ra, mỗi phòng được xem như có khí riêng biệt, cho nên nhà địa lý phải định vị cái trung tâm, trung tâm năng lực dao động để những người trong nhà có lợi qua sự sắp xếp bàn ghế hay trang trí nội thất.

Vị trí toàn thể vũ trụ được xem như thay đổi liên tục, sự định hướng cho khí cũng không cố định: Nó thay đổi nhỏ từng 20 năm, thay đổi lớn mỗi 60 năm. Một cơ sở có phong thuỷ tốt, không nhất thiết phải cứ tốt mãi. Môi trường thuận lợi của nó có thể tổn hại do các nhà xây cất mới trong vùng, do khí đổi hướng, do sửa sang toà nhà, hoặc do thay đổi trong các nhà láng giềng.

3. Âm dương và phong thuỷ.

Theo tín ngưỡng của người Trung Quốc, âm dương là lực bổ sung làm nền tảng cho mọi sự vật hiện hữu. Mọi vật trong vũ trụ đều có thể phân loại âm dương; nam giới, sáng sủa, màu sắc ấm, rắn, và lồi là dương; Nữ giới, tối tăm, màu sắc mát, lỏng và lõm là âm.

Muốn đạt tới cái tốt lành về phong thuỷ, cần phải có cân bằng âm dương, thí dụ như bên trong một văn phòng, không nên trang trí màu sắc hoàn toàn dương hoặc hoàn toàn âm. Nếu vách được sơn màu mát thì bàn ghế cần có màu ấm, như vậy mới có cân bằng về màu sắc âm dương, quân bình bên trong văn phòng.

4. Ngũ hành và phong thuỷ.

Ngay từ thế kỷ thứ 4 trước công nguyên, người Trung Quốc đã quan niệm ngũ hành như 5 lực thiên nhiên gồm: Kim - Mộc - Thuỷ - Hoả - Thổ. Chúng có thể được đặt vào vị trí tương sinh hoặc tương khắc; vòng tương sinh là: Kim - Thủy – Mộc - Hoả - Thổ; vòng tương khắc là Kim - Mộc - Thổ - Thuỷ - Hoả. Khi đặt tên cho cơ sở doanh nghiệp chẳng hạn, các chữ phải được đặt vào vị trí tương sinh.

5. Phong thuỷ và cơ sở thương mại.

Tại sao phong thuỷ tốt lại cần thiết cho doanh nghiệp? Ngoài chức năng kiến trúc và cơ cấu, một cơ sở thương mại còn có chức năng tâm lý vì con người có liên quan hoàn toàn đến toàn thể bộ máy của cơ sở. Ký kết một hợp đồng hoặc lựa chọn một giao dịch thương mại cần phải đúng lúc và đúng chỗ, cho nên phong thuỷ trong doanh nghiệp là định vị cho cơ sở và định giờ làm việc.

Một cở sở có phong thuỷ tốt là địa điểm thuận lợi cho sự hội hợp thành công trong bộ não trong giới kinh doanh, là địa điểm mà môi trường xung quanh tạo nên sự diễn đạt hài hoà của các cộng sự viên, bảo đảm thành công cho các buổi họp về doanh nghiệp. Người ta phải thấy được cái cảm giác thoải mái về vật chất và quân bình về tình cảm, một khi đã có được cân bằng về khí và âm dương trong môi trường, một khi khí tiếp thêm sức mạnh cho môi trường xung quanh.

Ở trong một thế giới có phần hỗn độn với tính chất cạnh tranh cao độ, nhà doanh nghiệp cần có một cảm giác quân bình để duy trì một bộ óc sáng suốt, ngõ hầu đạt đến thành công. Phong thuỷ có thể đưa đến một ý thức thẩm mỹ về kiến trúc.

Chủ trương quân bình và hài hoà trong mối liên hệ giữa cở sở thương mại và đất đai, nói rộng hơn là giữa con người với thiên nhiên, hướng tới việc dẫn dắt ý tưởng từ thái quá trong kiến trúc đến cân đối và điều độ. Tính nhạy cảm của nó đối với con người và vật thể có nghĩa là về mặt kiến trúc, nhấn mạnh đến tổng thể, với sự hài hoà của nhiều yếu tố cấu thành.

Nhãn:

0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ